Jamie Dimon – CEO của ngân hàng đầu tư đa quốc gia JPMorgan Chase.
Với tổng tài sản ròng ước tính 1,3 tỷ USD, Dimon nằm trong số ít những CEO thuộc ngành ngân hàng thế giới là tỷ phú. Đồng thời, tạp chí Time cũng xếp Dimon vào danh sách 100 cá nhân gây ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu vào các năm 2006, 2008, 2009 và 2011. Còn CNBC thì gọi Dimon là nhà lãnh đạo có sức tác động mạnh mẽ nhất phố Wall vào năm 2014.
Đến đây, hẳn nhiều người sẽ tưởng tượng ra một Jamie Dimon luôn bận rộn và quanh năm suốt tháng chỉ biết có công việc. Song, trên thực tế, khi chia sẻ với CNBC, vị CEO đã nói rằng, bí quyết thành công của ông là biết ưu tiên cho gia đình, công việc chỉ đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên.
Vị tỷ phú nói: “Tôi lúc nào cũng lặp đi lặp lại rằng, gia đình là số một, tổ quốc là số hai; còn công việc ở JPMorgan, thú thực, chỉ đứng ở vị trí cuối cùng mà thôi”.
Dù đã nhanh chóng bổ sung bản thân rất yêu thích công việc ở JPMorgan, nhưng Dimon cũng bộc bạch, chính gia đình mới là những người đã cùng ông vượt qua hết thảy cay đắng, ngọt bùi. “Nếu thiếu sự tồn tại của gia đình, thiếu đi sự hậu thuẫn và các bài học từ họ những khi thành công hay sóng gió… bạn sẽ khó có được một cuộc đời trọn vẹn”, Dimon nói.
Bí quyết thành công được Dimon tiết lộ có thể sẽ khiến nhiều người phải tròn mắt, nhất là sau những thành tích mà vị tỷ phú đạt được trên con đường sự nghiệp. Sau khi rời Citigroup vào năm 1998, Dimon đã gia nhập Bank One ở cương vị Chủ tịch HĐQT và CEO. Chỉ trong vòng 4 năm, ông đã vực dậy một Bank One đang đầy ắp khó khăn vào lúc đó và bán nó cho JPMorgan Chase vào năm 2004 với giá 58 tỷ USD. Cuộc sáp nhập này cuối cùng đã giúp Dimon trở thành CEO của JPMorgan – vị trí được ông nắm giữ từ năm 2005 đến nay.
Và, tài năng của Dimon càng được biết tới rộng rãi hơn khi là người có công đầu trong việc giúp JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà hầu như chẳng chịu chút tổn thất nào nếu so với các ngân hàng khác. Dưới sự dẫn dắt của Dimon, giá trị cổ phiếu của JPMorgan đã tăng hơn gấp đôi, từ 48,07 USD lên đến 114,07 USD.
Trên thực tế, Dimon là một trong số ít 3 cá nhân được người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos vô cùng ngưỡng mộ. Khi nói về Dimon, Bezos đã ước rằng: “Nếu được làm một cổ đông lớn tại JPMorgan Chase, chắc mỗi sáng thứ Hai tôi đều sẽ đến công ty để mang cà phê cho Jamie. Tôi nghĩ ông ấy là một CEO tuyệt vời, nhất là khi làm việc tại một nơi vốn vô cùng phức tạp như JPMorgan Chase”.
Năm ngoái, mức lương của Dimon đã tăng thêm 5,4%, tương đương 1,5 triệu USD, nâng tổng số tiền mà JPMorgan phải trả cho ông lên 29,5 triệu USD. Đồng thời, ngân hàng này cũng tuyên bố Dimon sẽ tiếp tục điều hành JPMorgan trong vòng 5 năm kế tiếp, đồng nghĩa với việc vị tỷ phú sẽ trở thành một trong những CEO nắm giữ vị trí lâu nhất ngành ngân hàng.
Bận rộn và thành công là thế, song đối với Dimon, các mối quan hệ thân thiết vẫn luôn là ưu tiên số một. Trên thực tế, niềm vui khi làm việc trong ngành ngân hàng của Dimon là sản phẩm được “di truyền” từ chính người cha và ông nội, vốn là 2 nhân viên môi giới chứng khoán.
Bố của Dimon thậm chí còn làm nhân viên tại công ty của con trai mình những 2 lần. Lần đầu là vào năm 1996, khi Dimon còn là Chủ tịch của công ty quản lý tài sản Smith Barney và lần thứ hai là tại JPMorgan. Bố của Dimon đã làm việc tại đây cho đến khi ông qua đời vào năm 2016. Mẹ của Dimon cũng qua đời 1 ngày sau khi bố ông mất.
Trong buổi phỏng vấn đầu tiên với CNBC sau khi bố mẹ mất, Dimon chia sẻ rằng, mẹ ông rất tự hào về ông và sẽ luôn gọi điện thoại nhắc nhở hay gửi một tấm giấy ghi chú cho con trai sau mỗi lần ông trả lời phỏng vấn.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể đảm đương công việc trước sự ra đi của bố mẹ, vị CEO chia sẻ rằng, gia đình nhỏ của mình chính là chỗ dựa tinh thần lớn của ông. “Gia đình tôi rất gắn bó với nhau. Tất cả các thành viên đều ở cùng nhau trong thời khắc đó (khi bố mẹ của Dimon mất). Tôi rất thương các con của mình và đặc biệt dành nhiều thời gian cho chúng”, ông nói.
Và, có vẻ như Dimon cũng muốn các nhân viên của mình làm điều tương tự. Trong hơn 13 năm vị tỷ phú làm CEO, JPMorgan đã và đang thực hiện nhiều chương trình ưu đãi dành cho gia đình. Có thể kể đến như hỗ trợ tài chính cho thụ tinh nhân tạo, chăm sóc trẻ em hay chế độ nghỉ thai sản được hưởng lương kéo dài 16 tuần dành cho cả người bố.
“Lúc nào tôi cũng nói với các nhân viên ở JPMorgan rằng, các bạn phải biết quan tâm đến bạn bè, gia đình, tinh thần, trí óc, cơ thể và cả linh hồn của mình nữa. Nếu không, bạn sẽ chẳng thể nào có được một cuộc sống đủ đầy, trọn vẹn. Và, tất cả những điều đó đều cực kỳ quan trọng”, Dimon nói.