Trong 13 năm, tổng vốn hóa của các tập đoàn công nghệ Mỹ như Apple, Google, Amazon, Microsoft, Tesla, Nvidia và Meta đã tăng 1.620%. Thế nhưng tại Châu Âu lại chẳng có nổi một doanh nghiệp công nghệ nghìn tỷ USD nào.
Trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) là một trong những chủ đề nóng nhất năm 2024. Từ việc Nvidia đạt vốn hóa thị trường nghìn tỷ USD cho đến việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu. Thế nhưng đây lại là mảng công nghệ mà người Mỹ thống trị với 3 startup AI lớn nhất thế giới về vốn hóa là OpenAI, xAI và Anthropic.
Điều trớ trêu là công nghệ AI lại được khởi xướng bởi một hãng khởi nghiệp ở Anh có tên DeepMind vào năm 2010, trước khi Anthropic hoặc OpenAI tồn tại.
Vậy tại sao Châu Âu lại đang tụt hậu ở AI cũng như trên toàn bộ ngành công nghệ?
4 so với 33
Mặc dù có dân số lớn hơn Mỹ nhưng Liên minh Châu Âu (EU) lại tụt hậu về mảng xây dựng các tập đoàn công nghệ. Tất cả 7 tập đoàn Big Tech giá trị nghìn tỷ USD trên toàn cầu đều là của người Mỹ, bao gồm: Alphabet (Google), Amazon, Apple, Meta (Facebook), Microsoft, Nvidia và Tesla.
Nếu xét trên bình diện tập đoàn công nghệ 100 tỷ USD thì Mỹ có 33 công ty còn EU chỉ có 4 doanh nghiệp.
Tờ Financial Times (FT) đã lấy nền kinh tế Anh (từng đứng thứ 5 thế giới trước khi bị Ấn Độ vượt mặt vào năm 2022) làm so sánh khi tăng trưởng tại đây đã đình trệ từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay. Suốt 14 năm tăng trưởng chậm cùng cuộc khủng hoảng Brexit đã khiến xứ sở sương mù mất dần ánh hào quang của mình.
Trái lại trong cùng thời kỳ, tăng trưởng GDP của Mỹ không hề đình trệ nhờ đóng góp to lớn của ngành công nghệ.
Trong 13 năm, tổng vốn hóa của Apple, Google, Amazon, Microsoft, Tesla, Nvidia và Meta đã tăng 1.620%.
Nói đơn giản, tác động kinh tế, an ninh quốc gia, địa chính trị và xã hội của ngành công nghệ cho nước Mỹ là rất lớn. Những Big Tech này tạo ra của cải để chi trả cho những thứ mà rất nhiều nền kinh tế khác muốn làm nhưng không đủ tiền.
Vậy tại sao Châu Âu lại không làm được điều đó dù đông dân hơn?
Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự bảo thủ trong kinh doanh cũng như môi trường không thuận lợi cho khởi nghiệp.
Tờ FT nhận định các thủ tục hành chính rườm rà tại Châu Âu đã cản bước những nhà khởi nghiệp, khiến họ từ bỏ để đến Thung lũng Silicon lập nghiệp.
Tại Đức, quy trình công chứng quá dài dòng và tốn thời gian khi các công chức chỉ làm giờ hành chính chứ không chịu tăng ca khiến các nhà khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng phải suy nghĩ nhiều hơn khi đổ tiền vào một nền kinh tế tốn quá nhiều thời gian để công chứng 1 tờ giấy.
Ví dụ điển hình nhất là startup DeepMind đi tiên phong trong lĩnh vực AI, được thành lập bởi Demis Hassabis và Shane Legg.
Khi huy động gọi vốn vòng đầu tiên vào năm 2010, ông Hassabis hiểu rõ rằng không nên tốn thời gian tại Châu Âu mà tiến thẳng về Thung lũng Silicon gọi vốn, nơi các startup có thể tìm đến những nhà đầu tư cởi mở như Peter Thiel và Elon Musk.
Hơn nữa Thung lũng Silicon cũng là nơi có nhiều nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm, có thể truyền cảm hứng hay chia sẻ những kiến thức giúp các startup sống sót trong thời kỳ đầu.
Đây là những điều mà Châu Âu chưa thể làm được và như một vòng lặp luẩn quẩn, các startup tiềm năng đều đổ về Mỹ thay vì ở lại lục địa già này.
Táo bạo
Khởi nghiệp là một mảng đầy rủi ro và những quỹ đầu tư cần phải rất bản lĩnh để tài trợ thời gian dài cho các dự án trước khi chúng có thể kiếm về lợi nhuận.
Tại Thung lũng Silicon, hơn 60% nhà quản lý cấp cao tại các quỹ đầu tư mạo hiểm từng là nhà khởi nghiệp hoặc CEO startup, thế nhưng tỷ lệ này lại chỉ là 8% tại Châu Âu.
Nói đơn giản hơn, văn hóa kế thừa sự giàu có của các gia tộc đã ăn sâu bén rễ tại Châu Âu và làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển các startup. Những CEO, nhà đầu tư thế hệ sau trong các gia tộc giàu có lâu đời thường không thích mạo hiểm với những dự án khởi nghiệp cần thời gian dài rót vốn mà chẳng biết có thành công hay không.
Quay trở lại DeepMind, dù là startup của Anh nhưng cuối cùng dự án này đã bị Alphabet (Google) mua lại vào năm 2014 với giá chỉ 400 triệu Bảng Anh, tức chỉ 4 năm sau khi ra mắt.
Nguyên nhân thì vô cùng dễ hiểu, ông Hassabis không gọi đủ vốn từ Châu Âu để tiếp tục các dự án nghiên cứu của mình trong khi Google với tiềm lực hàng tỷ USD tài trợ có thể làm điều đó.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với mảng xe tự lái hay máy tính lượng tử khi Google sẵn sàng đổ hàng tỷ USD cho các dự án rủi ro cao, bất chấp có thể mấy 10 năm mới kiếm lại được tiền. Đây là điều mà các tập đoàn lâu đời hay quỹ đầu tư gia tộc tại Châu Âu không bao giờ làm được.
Trong khi DeepMind còn đang vật lộn tìm kiếm nguồn vốn thì tại Thung lũng Silicon, những nhà sáng lập như Sam Altman và Elon Musk đã để ý đến tầm quan trọng của AI, qua đó thành lập OpenAI để cạnh tranh với DeepMind.
Hiện OpenAI của Sam Altman đã được định giá hơn 150 tỷ USD còn xAI của Elon Musk là 50 tỷ USD.
Giờ đây, Thung lũng Silicon mới là trung tâm AI của thế giới chứ không phải London, điểm khởi nguyên của DeepMind.
Nếu AI là bài học đã cũ thì phản ứng tổng hợp hạt nhân có lẽ là câu chuyện đang diễn ra, chứng minh sự lạc hậu của Châu Âu.
Phản ứng tổng hợp hạt nhân được cho là công nghệ tối ưu nhằm cung ứng năng lượng không phát thải với chi phí thấp. Đây là mảng Châu Âu có thể dẫn đầu khi đã từng đầu tư nhiều tiền của nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch hơn so với Mỹ, đồng thời cũng có nhiều nhà khoa học trong mảng này hơn.
Những dự án như Joint European Torus chuyên phát triển năng lượng nhiệt hạch ở Anh hay Wendelstein 7-X ở Đức đã xây dựng lò phản ứng hạt nhân tiên tiến nhất thế giới đều cho thấy Châu Âu có cơ hội vươn mình.
Tuy nhiên đó chỉ là những dự án của chính phủ trong khi nhìn vào lĩnh vực khởi nghiệp tư nhân mảng nhiệt hạch, Mỹ có đến 4 công ty huy động được hơn 500 triệu USD, Trung Quốc có 1 còn Châu Âu không có startup nào.
Những startup nhiệt hạch tại Mỹ đã gọi vốn được từ các nhà khởi nghiệp có tầm nhìn như Bill Gates, Vinod Khosla hay Sam Altman dù họ biết rằng có thể cần rất nhiều thời gian nữa thì công nghệ này mới đem lại lợi nhuận.
Không bán
Theo FT, một trong những lý do khiến mảng startup phát triển tốt tại Mỹ hơn là Châu Âu đến từ việc thiếu những nhà sáng lập giàu kinh nghiệm dẫn dắt.
Ví dụ nhà đồng sáng lập Sean Parker của Napster đã lấy kinh nghiệm bị sa thải khỏi công ty khởi nghiệp trước đây của mình và sử dụng nó để giúp Mark Zuckerberg duy trì quyền kiểm soát toàn bộ hội đồng quản trị của Facebook.
Chính điều này đã giúp Mark Zuckerberg giữ quyền kiểm soát vào tháng 7/2006 khi Yahoo đưa ra lời đề nghị mua lại công ty này với giá 1 tỷ USD.
Với quyền kiểm soát hoàn toàn hội đồng quản trị, Zuckerberg có thể chọn từ chối lời đề nghị, bất chấp lời khuyên từ các thành viên hội đồng quản trị là hãy chấp nhận đề nghị mua lại từ Yahoo.
Hiện Meta là một trong những công ty nghìn tỷ USD của Mỹ.
Tương tự, nhà sáng lập Daniel Ek của Spotify cũng từng khởi nghiệp nhưng thất bại nên ông hiểu giá trị của việc duy trì dự án như thế nào. Chính điều này khiến Ek từ chối lời đề nghị bán cho Google với giá hàng tỷ USD vào năm 2009.
Hiện Spotify có tổng vốn hóa thị trường 95 tỷ USD.
Hàng loạt những ví dụ khác đã minh chứng cho câu chuyện niềm đam mê khởi nghiệp có thể dẫn đến thành công thay vì bán mình quá sớm như DeepMind.
Công ty thanh toán Adyen của Hà Lan không bán mình và hiện có giá trị 46 tỷ USD, trong khi Wise hiện có giá trị 11,4 tỷ USD và Arm Holdings là công ty công nghệ có giá trị nhất của Vương quốc Anh có giá trị 143 tỷ USD.
Hầu hết những hãng công nghệ lớn ngày nay đều cần thời gian để phát triển, ví dụ nhà sản xuất thiết bị chip của Hà Lan ASML hiện có giá trị hơn 275 tỷ USD được thành lập từ năm 1984.
Hãng Nvidia có giá trị 3,4 nghìn tỷ USD nhưng từng chỉ được định giá chưa đến 10 tỷ USD vào năm 2010, tức 17 năm sau khi thành lập.
Rõ ràng Châu Âu muốn có một gã khổng lồ công nghệ thực sự thì cần những nhà sáng lập sắt đá và các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp.
*Nguồn: FT
Băng Băng