Eric Gnock Fah lớn lên trong một gia đình Trung Quốc tại quốc đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương. Sau đó, anh đến Mỹ học và làm việc tại Hong Kong.
Gnock Fah là đồng sáng lập, kiêm CEO của Klook – ứng dụng được thiết kế để giúp mọi người sống giống dân bản địa hơn khi du lịch nước ngoài. Du khách có thể sử dụng Klook để đặt khách sạn, vé tàu, mua tour, vé tham quan cùng nhiều hoạt động, trải nghiệm khác.
Eric Gnock Fah – nhà sáng lập, CEO của Klook.
Mauritius là điểm đến nổi tiếng cho các kỳ trăng mật. Tuy nhiên tại nơi gia đình mình sinh sống, Gnock Fah nhận thấy sự chênh lệch lớn về giá cả giữa người dân bản địa và du lịch. Ngay bản thân anh cũng thường bị nhầm là du khách và bị “chém” giá cao.
Gnock Fah nhận định, đây là tình trạng chung trong lĩnh vực du lịch trên thế giới. “Tuy nhiên, công nghệ sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn, du khách có thêm lựa chọn, trong khi người dân địa phương cũng có nền tảng để quảng cáo dịch vụ của họ“, nhà sáng lập Klook nói. Anh chia sẻ, chỉ muốn bắt đầu một thứ gì đó để mình có thể liên quan vì ngay cả ở Mauritius, Gnock Fah cũng cảm thấy mình là thiểu số.
Năm 2014, anh cùng hai đồng sáng lập khác ra mắt Klook. Khi đó, đây là một bước đi táo bạo với chàng trai 26 tuổi không hiểu biết gì về du lịch. Trước đây, Gnock Fah chỉ hoạt động trong lĩnh vực tài chính.
“Rất nhiều người trong lĩnh vực này khá ngạc nhiên. Tôi và hai đồng sáng lập không có kiến thức về du lịch. Tôi nghĩ mình còn hiểu biết hơn hai người bạn một chút vì lớn tại Mauritius“, Gnock Fah chia sẻ.
Thế nhưng, doanh nhân trẻ tin tưởng, điều này sẽ đem đến cho anh những lợi thế. Và thực tế, Klook hiện đã trở thành doanh nghiệp có giá trị 1 tỷ USD.
Không chỉ Gnock Fah, chiến lược “người ngoài cuộc” cũng giúp một số doanh nhân khác thành công. Theo Robert Frank – tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, chuyên gia về tài sản, lý do Jeff Bezos thay đổi ngành bán lẻ là ông chưa làm việc ở Macy; Elon Musk thay đổi ngành ôtô vì ông chưa làm việc ở GM.