OYO – Một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ nổi danh bậc nhất Ấn Độ không chỉ mới đây mà từ lâu đã nhận về nhiều sự bất bình của khách hàng về dịch vụ kém chất lượng và không uy tín.
Ngày 14 tháng 10 vừa qua, một cậu bé 15 tuổi đã chết sau khi bị điện giật tại một khách sạn OYO Rooms ở Đông Nam Delhi khi đến đây để tham gia một cuộc thi. Bạn cùng phòng nghe thấy tiếng hét thất thanh khi cậu bé đang tắm. Nhân viên khách sạn trèo vào từ cửa thông gió trông thấy cậu đang bất tỉnh…
Trải nghiệm khủng khiếp trên được đăng trên mạng xã hội của OYO cùng các nền tảng truyền thông khác, dấy lên làn sóng phản đối cách làm việc thiếu trách nhiệm và cũng vén màn những sự việc đáng sợ tương tự đã kéo dài trước đó.
Tháng 10 năm 2014, một người Ấn Độ đã dẫn nhóm bạn 4 người, trong đó có hai người Đức thử trải nghiệm dịch vụ OYO Rooms trong chuyến du lịch ở miền Nam Ấn Độ. “Tôi đã đặt chỗ qua OYO ở Wayanad, Kerala vài tuần trước chuyến đi và thậm chí gọi cho khách sạn để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ”, anh nói.
Nhưng mọi thứ không như mong đợi. Trong những bức ảnh giới thiệu, khách sạn đó dường như là một khách sạn ba sao. Nhưng trên thực tế đó là một ngôi nhà đã bỏ trống trong nhiều năm và có vẻ mới được mở cửa vài ngày trước khi họ đến.
“Hai căn phòng chúng tôi thuê có những bức tường ẩm ướt đến mức cứ sau vài phút, thạch cao sẽ bong ra hết góc này đến góc kia. Tình trạng đó kéo dài suốt cả đêm”, anh nhớ lại. Quá mệt mỏi và kinh hoàng, nhóm bạn trẻ quyết định rút ngắn chuyến hành trình và trở về Bengaluru vào sáng hôm sau.
Nhưng điều đó có thể được thông cảm vì startup này khi đó còn chưa 1 tuổi và có lẽ sẽ nhanh trở nên chuyên nghiệp hơn. Nhưng có vẻ không phải như vậy.
Vào 14 tháng 9 năm nay, diễn viên Garv Malik đã chia sẻ trên Twitter trải nghiệm của anh khi ở một căn phòng đặt qua OYO ở Kolkata với những con chuột chạy khắp phòng.
Video được Garv Malik chia sẻ trên Twitter với dòng chia sẻ: “Từ Las vegas đến Theek Hai, không thể ngủ được! Lúc này là 5 giờ sáng và con chuột cứ chạy khắp phòng. 229 Kolkata, phố Oyo .
Tuy nhiên, loài gặm nhấm không phải là mối nguy hiểm duy nhất khi đặt phòng qua OYO.
Đầu tháng này, Mohamed Najiullah, một nhà tư vấn cao cấp của công ty phần mềm ThoughtWorks, đã tạo ra một cổng thông tin có tên là “oyo-ruined-my-anniversary.com” để chia sẻ những trải nghiệm của anh: Bị mắc kẹt trên một hòn đảo xa xôi tại Andaman với kết nối mạng di động kém; nhân viên khách sạn thì không xác nhận gia đình anh đã đặt phòng qua OYO.
Trích chia sẻ của Mohamed:
“Ngay khi tôi trở về nhà, tôi đã gọi cho OYO thông báo những sự cố trên. Tôi đã nói hết những điều OYO đã hủy hoại ngày cưới của tôi với người điều hành và anh ta nói tôi hãy giữ liên lạc để chuyển cho quản lý. Tôi đã nghĩ mình sẽ được giải thích sau khi nói thêm một lần nữa, nhưng không. Sau khi lắng nghe 10 phút, người đó trả lời tôi: “Tôi có thể làm gì đây?“. Ban đầu, tôi không thể tin vào tai mình vì sự vô trách nhiệm của anh ta cho đến câu tiếp theo: “Sir, tôi cũng là một khách hàng. Tôi đã gọi để nói một khiếu nại bản thân mình“, đó là khi tôi phát hiện ra OYO đã vô tình kết nối tôi với một khách hàng khác.”
Khi tìm kiếm hashtag #OYORooms trên nền tảng mạng xã hội có thể thấy vô vàn câu chuyện kinh dị khác về những trải nghiệm tồi tệ với công ty.
OYO đã không đưa ra một câu trả lời chi tiết nào về cách công ty này đảm bảo chất lượng và an toàn tại khách sạn của mình.
Sự cường điệu và… chỉ có thế?
Điều trớ trêu là trong khi hàng loạt khách hàng có những trải nghiệm xấu với công ty mỗi ngày và các mối đe dọa cả về tính mạng thì OYO liên tục đưa tin về hình ảnh màu hồng về các kế hoạch tài trợ tỷ đô cùng những kế hoạch mở rộng ra nước ngoài.
Công ty tuyên bố họ cung cấp hơn 850.000 phòng tại hơn 800 thành phố và gần 23.000 khách sạn mang thương hiệu OYO. Không chỉ thế, công ty tự nhận mình là mạng lưới khách sạn lớn thứ ba thế giới. Vào tháng 8, OYO cho biết họ đã ký một thỏa thuận mua khách sạn Hooters Casino gồm 657 phòng nổi tiếng tại trung tâm giải trí và đánh bạc của Mỹ, Las Vegas.
Mới đây nhất, OYO được rót thêm 1,5 tỷ USD từ nhà sáng lập Ritesh Agarwal, tập đoàn Nhật Bản SoftBank, và một số nhà đầu tư khác để mở rộng hoạt động tại các thị trường nước ngoài như Mỹ và châu Âu.
Nhưng những điều này cũng không thể che đậy được các bê bối về nguy hại tính mạng và dịch vụ kém chất lượng của startup này.
Phong Ninh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/QZ