Theo chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, hiện giới khởi nghiệp thiếu nhiều thứ từ ý chí, kiến thức cho đến nền tảng hỗ trợ.
Tại Việt Nam hiện nay khởi nghiệp đã thành phong trào. Nhiều thanh niên bây giờ coi khởi nghiệp là chuyện nên làm và có tham vọng lớn như kỳ vọng của chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ.
“Nhưng bên cạnh những startup thành công thì thất bại cũng rất nhiều. Anh thử lý giải tại sao có sự thất bại đấy? Người ta đang thiếu cái gì? Người ta đang cần cái gì nữa để có nhiều sự thành công hơn?”, một phóng viên đặt câu hỏi cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 8/6 vừa qua.
Sau đây là câu trả lời của chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên:
“Thiếu thì nó thiếu nhiều lắm. Chí của nó hiện nay cũng thiếu, kiến thức nó thiếu, thiếu đủ thứ chuyện lắm. Cái hỗ trợ hiện nay ở các quốc gia khác có cả một nền móng, nhiều lắm. Họ có cả một hệ sinh thái để hỗ trợ, mình không có. Mình mở được vài thứ thôi nhưng phải bản thân nó và môi trường xung quanh.
Nó hơn thời của Qua khởi nghiệp, được nhiều thứ nhưng còn thiếu so với các quốc gia khác, rất nhiều thứ.Nên khi Qua nói với người anh em và mình phải cho nó cái lòng tin. Nó phải có cái khát khao. Hồi giờ Qua cung cấp cho nó cuốn sách, cuốn bản đồ để cho nó đọc để, tìm kiếm. Công thức thành công khởi nghiệp Qua cũng có công thức riêng cho bọn nó nhưng Qua chưa có trao lại. Mỗi gia đình Qua đều có 1 thứ bản đồ cho nó, mỗi cá thể Qua có bản đồ cho nó.
Hiện nay hiểu cái khởi nghiệp của các người anh em là khởi nghiệp trong kinh tế. Phải hiểu trong mọi mặt, trong khoa học, trong nghệ thuật, trong chính trị, trong mọi thứ chứ không phải khởi nghiệp như hiện nay mọi người đang hiểu. Mà thôi trong kinh tế cũng được. Trong kinh tế có những bước đi để tới ngày hôm nay. Mấy đứa nhỏ không có những bước như vậy.
Nay mình nói về chiều rộng nhưng chiều sâu Qua cũng có. Qua có luôn cho nó, một bản đồ cho nó, dẫn cho nó cần loại gì loại gì, kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên sâu. Qua đưa cẩm nang khởi nghiệp cho nó luôn từ nông dân đến các thứ. Không ai làm chuyện đó. Cho nên nói cái duyên đưa Qua đến quyển “Khởi nghiệp tâm”. Từng hộ nông dân Qua chuẩn bị cho nó nuôi con gì, cây gì.
Bản chất trong đời sống phải tự chủ kinh tế, tự cung, tự cấp, tự quản luôn trong đó. Tự chủ là tự chủ cái gì, Qua chuẩn bị tới luôn cho từng hộ như vậy. Không ai làm được chuyện đó. Qua được dạy để kiện toàn những mục tiêu cao đẹp. Còn mấy đứa nhỏ đi chiều rộng cái đã.
Cũng giống mấy đứa nhỏ khởi nghiệp, đầu tiên đừng có nói cho nó nhiều. Nó phải có cái chí cái đã. Trên con đường đi rồi mới dẫn nó đi. Ban đầu đã khó khăn quá rồi, chỉ bản đồ tư duy cho nó để hạn chế thất bại, hạn chế thấp nhất có thể. Còn lúc đầu sức ép nhiều lắm nào vốn, nào các thứ, Qua trải qua Qua biết. Nhà Qua có ai rụng tóc đâu nhưng đến năm thứ 4 nó trụi đầu vì khởi nghiệp, mình phải nghĩ cách, đêm nào cũng phải nghĩ, trắng đêm. Nghĩ cách từng li từng chút. Mấy đứa nhỏ bây giờ nhiều chuyện hơn, nó thiếu điều đó.
Bình diện quốc gia cũng vậy khí phách, khát khao của một dân tộc phải được các nhà lãnh đạo cổ động ở cấp quốc gia, là quốc sách. Giáo dục toàn diện thực sự từ trong bụng mẹ. Mấy nhà lãnh đạo cứ làm điều đó vài chục năm dân tộc này sẽ khác ngay, Qua chỉ cho cách. Do thái có gì ghê gớm đâu. Khởi nghiệp sau này phải trên định vị khởi nghiệp quốc gia của nó.”
PV
Theo Trí Thức Trẻ