Năm năm qua, Daniel Nguyễn Hoài Tiến gắn bó với nương rẫy của bà con nghèo vùng cao Ảnh: Hoàng Linh
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng Daniel Nguyễn Hoài Tiến quyết định trở về quê hương Việt Nam để khởi nghiệp, triển khai những dự án tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số. Năm năm lăn lộn với bà con nghèo vùng cao, anh làm được những việc mà nhiều người cho là… liều.
Tìm về cội nguồn, dân tộc
Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại quận Cam, bang California (Mỹ). Anh bảo tuổi thơ của mình không có ký ức gì về Việt Nam, từ chữ viết, địa lý hay hình ảnh, cảnh quan. “Tôi chỉ biết mình sống ở đất nước Mỹ. Có thể nói tôi xuất phát ở điểm 0, hoàn toàn là Mỹ, không có nhận thức rằng mình là người Việt Nam, hay mình gốc Việt” – anh Tiến bộc bạch.
Đến khi chuẩn bị vào ĐH, Daniel Nguyễn Hoài Tiến mới học tiếng Việt. Người gây ấn tượng đặc biệt với anh là cô giáo Nguyễn Ngọc Nga. Cô Nga đã dạy cho anh những sự kiện đầu tiên về lịch sử Việt Nam, giúp anh nhận biết về cội nguồn, dân tộc, về tình yêu quê hương, đất nước.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Daniel Nguyễn Hoài Tiến đến TP New Orleans, tiểu bang Louisiana, để lập nghiệp. Anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Trong nhiều năm, Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã giúp sinh kế cho những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico bằng việc sáng lập hợp tác xã nông nghiệp mang tên VEGGI. Hợp tác xã chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị và khu chợ trời ở California.
Cũng thời gian này, Tiến đã gặp được nghiên cứu sinh Nguyễn Vũ Hoàng (con trai PGS-TS Nguyễn Văn Huy, cháu nội GS Nguyễn Văn Huyên). Hoàng đến Mỹ để làm luận án về Việt kiều ở miền Nam Hoa Kỳ và trở thành một người bạn thực sự của Tiến. Với phương pháp sư phạm “không giống người bình thường”, nghiên cứu sinh này đã kiên nhẫn dạy tiếng Việt cho Tiến, thậm chí mất một năm để dạy anh các dấu của tiếng Việt, chỉnh lại giọng nói. “Khi quen anh Hoàng và gia đình PGS-TS Nguyễn Văn Huy, tôi thấy mình thật sự có cơ hội tìm hiểu về tri thức bản địa của Việt Nam một cách sâu sắc hơn” – anh Hoài Tiến bày tỏ.
“Việt Nam trong trái tim tôi”
2008 là năm thay đổi cuộc đời của Tiến. Đó là lần đầu tiên anh và gia đình cùng nhau về Việt Nam với tâm trạng háo hức và tò mò… “Chuyến về Việt Nam đầu tiên ấy có ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Tôi cùng bố mẹ đi thăm nhà cũ ở TP HCM rồi đi thăm bạn bè, người thân trong gia đình cũ của bố ở Đà Lạt. Hiếm khi tôi thấy bố mẹ xúc động như thế. Trước đấy, tôi không thể hình dung được là mẹ mình lớn lên trong cái ngõ như thế nào hay là bố mình ngày xưa đi tu ở Đà Lạt ra sao, bạn bè của bố mình như thế nào. Những thứ ấy bố mẹ tôi không bao giờ nói đến thì bây giờ mình mới bắt gặp” – anh Tiến kể lại. Anh cho biết chính điều đó là động lực để anh muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về Việt Nam.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến trở lại Việt Nam năm 2012 với tư cách thành viên đoàn tư vấn về định hướng phát triển bền vững của ĐBSCL. Lần về này giúp anh có nhiều trải nghiệm, hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam. “Đó là lần đầu tiên tôi được đi, chứng kiến những khó khăn của bà con. Tôi cảm giác mình hiểu Việt Nam hơn, nó thật sự làm tôi yêu đất nước hơn” – anh Hoài Tiến bộc bạch.
Anh bảo lần này về Việt Nam vừa để học hỏi nhưng lại vừa có cảm giác yêu thương. Anh bắt đầu hiểu cảm xúc của bố mẹ khi ông bà xúc động rơi nước mắt lúc gặp bạn bè, gia đình tại Việt Nam. Anh thổ lộ: “Kết thúc chuyến đi đó, trên đường ra sân bay, tôi rơi nước mắt khi máy bay hạ cánh tại Hàn Quốc trên đường bay về Mỹ. Tôi quyết định quay lại Việt Nam, quay lại thường xuyên hơn, tôi muốn tìm hiểu không phải trên khía cạnh một du khách mà là người hồi hương, muốn có một quan hệ ý nghĩa hơn với quê hương. Việt Nam đã ở trong trái tim tôi“.
Cũng từ đó, Tiến về nước nhiều hơn và đến năm 2014, anh quyết định hồi hương để khởi nghiệp.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến trong một lần tham quan, tìm hiểu văn hóa Hà Nội Ảnh: Hoàng Linh
Gắn bó với đồng bào dân tộc
Không giống như một số bạn trẻ chọn thành phố làm nơi khởi nghiệp, Daniel Nguyễn Hoài Tiến chọn đến vùng sâu, vùng xa, đến với bà con dân tộc thiểu số vùng cao. Anh nhớ lại: “Lúc tôi quyết định về Việt Nam, bố mẹ rất bất ngờ. Mẹ thì lo không biết con mình có đủ sống bên kia không? Thú thật lúc mới về nước, lương của tôi chỉ 500 USD/tháng, tương đương 10-12 triệu đồng, thấp hơn 20 lần khi làm ở Mỹ. Bố mẹ cứ tưởng tôi bị… hâm“.
Khởi nghiệp ở Việt Nam, Tiến thành lập công ty tư vấn phát triển nông nghiệp bền vững. Sau quá trình làm dự án liên quan đến bà con dân tộc thiểu số, anh chuyển sang sưu tầm, phổ biến lại giống ngô bản địa của bà con dân tộc Nùng, H’Mông cũng như đầu tư mở rộng canh tác. Anh Tiến cũng hướng dẫn bà con dân tộc trong cách chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Anh còn tập trung thu mua, bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa cho bà con dân tộc H’Mông, Dao, Thái, Tày… Trong khi bà con canh tác trên nương rẫy thì Tiến lo xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường và xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. “Tôi giúp bà con thành lập hợp tác xã ở 2 huyện Si Ma Cai và Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thu mua ngô, thóc, thảo mộc, gia vị… Thương lái thu mua ngô với giá 4.000 đồng/kg thì tôi mua 15.000 đồng/kg” – chàng trai Việt kiều nói.
Hiện tại, anh Tiến ấp ủ dự án sản xuất một loại rượu whisky từ giống ngô bản địa của Việt Nam. Anh đã cho xây dựng được vùng trồng ngô 15 ha ở Si Ma Cai. Anh hào hứng: “Sau khi kêu gọi đầu tư, công ty tôi sẽ chuyển giao công nghệ, bàn giao máy móc hiện đại và chỉ dẫn bà con làm“.
Hoài Tiến cũng cho rằng vùng dân tộc thiểu số có nhiều sản phẩm văn hóa, nông sản tiềm năng chưa được khai thác hết. Vì thế, để phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào thì cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này, từ đó giúp bà con tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. “Tôi khát khao được giúp bà con thoát cảnh khó khăn, đổi đời trên chính mảnh đất của họ” – anh Tiến bộc bạch.
“Tôi yêu Việt Nam và khao khát được nhập quốc tịch. Đó là lòng tự hào, là nguồn động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, góp sức mình cùng quê hương, đất nước”.
“Một Việt kiều tuyệt vời”
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã nói như vậy về Hoài Tiến. “Phải là một người thế nào mới bỏ cuộc sống đầy đủ ở Mỹ về Việt Nam giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Anh ấy là cầu nối gắn tri thức địa phương với công nghệ mới. Cách tiếp cận của Hoài Tiến rất hay và để làm được điều đó, Tiến phải đi điền dã, bám sát thực địa. Không phải ai cũng làm được điều như vậy” – PGS Nguyễn Văn Huy nhận xét.