Không ngoa khi nói, Nguyễn Đức Anh – nhà sáng lập Fresh House, AZ Home chính là đại diện tiêu biểu cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện tại: dám nghĩ, dám làm, có một chút liều lĩnh, giàu tham vọng nhưng không mơ mộng với chiến lược, mục tiêu cụ thể, thực tế qua từng chặng đường phát triển của doanh nghiệp.
Startup, với nhiều người là con đường đầy máu và nước mắt, nhưng với những gì Nguyễn Đức Anh chia sẻ với chúng tôi, có vẻ như anh là một ngoại lệ đặc biệt.
Mặc dù ít được truyền thông nhắc đến, nhưng Nguyễn Đức Anh là một cái tên khá nổi trong cộng đồng diễn họa 3D cũng như marketing bất động sản. Bởi Fresh House – Công ty được Đức Anh sáng lập cũng như quản lý, đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vựcnày. Chưa hết, sau Fresh House, chàng trai 8xnày còn startup 2 lần nữa với 2 công ty khác cũng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc – thi công nội thất là AZ Architects và AZ Home.
Startup, với nhiều người là con đường đầy máu và nước mắt, nhưng với những gì Nguyễn Đức Anh chia sẻ với chúng tôi, có vẻ như anh là một ngoại lệ đặc biệt.
Startup Nguyễn Đức Anh – Giám đốc của Fresh House, AZ Architects và AZ Home
Theo Nguyễn Đức Anh, sở dĩ anh có thể có thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự ‘đam mê dẫn đầu’, dù làm gì và hoạt động ở lĩnh vực nào, doanh nhân trẻ này đều muốn nghề nghiệp/công ty mình tạo được giá trị cao trong thị trường. Bên cạnh đó, anh còn rất may mắn, khi gặp nhiều đàn anh đi trước giỏi và chịu dạy giúp đỡ. Nhờ thế, anh chưa gặp bất cứ thất bại nào lớn trên hành trình khởi nghiệp, tính cho đến thời điểm này.
“Khi tôi ra một dịch vụ mới, nó nhất định phải có tính cạnh tranh và khác biệt”
Sở dĩ, nhiều startup kỹ thuật dễ bị chết yểu trong 5 năm đầu thành lập là bởi 3 nguyên do chính sau: người giỏi chuyên môn thì không giỏi quản lý, người giỏi quản lý lại không giỏi chuyên môn, người may mắn giỏi cả hai lại thiếu sự nhanh nhạy với thị trường.
Thế nên, chỉ những ông chủ trẻ nào có đủ cả 3 phẩm chất nêu trên thì các doanh nghiệp khởi nghiệp mới có thể sống sót được, Nguyễn Đức Anh với Fresh House là một trong những số đó.
Thật ra, ngành học chính của Nguyễn Đức Anh không phải là diễn họa 3D, anh là sinh viên của khoa Thiết kế Công trình – trường Đại học Kiến trúc TP. HCM. Năm 3 đại học, khi đi làm thêm và leo lên được tới chức trưởng nhóm 2 công ty thiết kế – xây dựng nhỏ thì ngành nghề mà anh theo đuổi cũng là thiết kế.
Năm 2012, Đức Anh đã nghỉ việc ở hai công ty thiết kế và quay sang làm freelance diễn họa 3D cho thị trường nước ngoài, do ngành bất động sản Việt Nam èo uột và các công ty thiết kế anh làm phải đóng cửa; cũng như anh cần thêm thời gian để giải quyết chuyện cá nhân. Và để nhận được dự án đầu tiên, chàng trai trẻ này đã phải chuẩn bị khá nhiều thứ như trau dồi các kỹ năng công nghệ về đồ họa, học tiếng Anh, tích cực tham gia hoạt động ở các diễn đàn về diễn họa 3D trên thế giới…
Không biết là may hay rủi cho Đức Anh, sau khi anh hoàn tất chuyện cá nhân, thì thị trường bất động sản vẫn lao dốc, công việc thiết kế rất khó khăn, anh không thể ngay lập tức trở lại nghề cũ. Ngược lại, ở Việt Nam, phong trào đi diễn họa 3D cho các công ty nước ngoài bỗng trở nên nóng sốt, vậy là, Đức Anh quyết định tiếp tục đi theo nghề diễn họa 3D.
“Lúc đó, tôi thấy nghề diễn họa rất có tiềm năng, nhiều người làm freelancer có thể dễ dàng kiếm vài ngàn USD/tháng. Thế nên, tôi quyết định liều, thay vì tích lũy, hễ có thêm thu nhập, ví dụ tháng này kiếm nhiều hơn tháng sau cỡ 17 triệu đồng, tôi lại tuyển thêm 1 nhân viên”, Đức Anh kể về những ngày đầu chập chững khởi nghiệp của mình.
Năm 2014, anh quyết định thành lập Fresh House với ngành nghề chính là diễn họa hình ảnh 3D.
Có thể nói, quyết định đi theo thị trường ngách trong ngành thiết kế là diễn họa 3D thay vì làm thiết kế ngoại thất hay nội thất truyền thống là một trong những quyết định sáng suốt nhất của startup này. Tại thời điểm Fresh House ra đời, ở thị trường Việt Nam, chỉ có khoảng 10 công ty diễn họa 3D, nên việc chiếm lĩnh thị trường không quá gian nan. Bởi, để trở thành một người diễn họa 3D giỏi không dễ, ngoài am hiểu về công nghệ cần có kiến thức về thiết kế còn phải có gu thẩm mỹ tốt.
Vì mong muốn tạo 1 hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh, Đức Anh đã chọn hình thức cộng sự – partner nhằm có thể nhanh chóng mở rộng quy mô công ty. Có thể nói, cơ cấu của Fresh House khá giống các công ty luật – Fresh House và các cộng sự. Startup này đã đi mời chào các chuyên gia đầu ngành gia nhập Fresh House, sau đó đề nghị họ góp cổ phần và chịu hoàn toàn trách nhiệm về bộ phận mà họ hoạt động.
Hiện tại, Fresh House có tới 10 cộng sự và nhờ những cộng sự đó, doanh nghiệp này mới có thể mở rộng ngành nghề hoạt động, ngoài diễn họa hình ảnh như ban đầu, họ còn làm TVC, branding – thiết kế câu chuyện thương hiệu cho chủ đầu tư, website, làm app trên smartphone phục vụ công việc bán hàng, làm event – booking…
Việc có thể mời những người đầu ngành về đầu quân cho Fresh House giúp Đức Anh tự tin khẳng định: “Thường thì tôi không tham mà luôn muốn nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, làm gì thì làm cho tới, lúc Fresh House ra một dịch vụ gì đó, tôi đều tự tin nó sẽ khác biệt và đem lại giá trị cao cho khách hàng“.
Ví dụ, với việc Đom Đóm Studio về làm partner cho Fresh House, Đức Anh tin họ đang có team làm website và công cụ bán hàng với chất lượng không thua kém gì các đơn vị lớn trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Đức Anh cho rằng, mình cũng khá nhạy với xu hướng và nhu cầu của thị trường, nhiều sản phẩm/dịch vụ mà Fresh House và AZ Architects đưa ra thị trường đều nhận sự ủng hộ lớn từ khách hàng cũng như đối tác. Dù là dân thiết kế, song cách làm việc của anh khá là khoa học, anh luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo nhưng phải trong khuôn khổ thị hiếu của khách hàng và dù cầu toàn đến đâu cũng phải tôn trọng deadline đã thỏa thuận với khách hàng.
Lý giải cho sự thắng thầu dự án Cocobay Đà Nẵng của AZ Architects, thì ngoài thiết kế đẹp còn là nhờ hệ sinh thái mà Fresh House cung cấp cho chủ đầu tư Empire Group. Đức Anh kể, mình luôn nói với chủ đầu tư: Fresh House không phải là công ty nhiều dịch vụ, mà quy tụ nhiều người với các dịch vụ chuyên nghiệp vào một group, chúng tôi sẽ vẽ ra 1 bức tranh – quy trình cụ thể cho chủ đầu tư, chủ đầu tư sẽ được thuận tiện về mặt giá thành – thời gian, chất lượng ổn định, dịch vụ đồng nhất.
Chủ đầu chỉ cần đưa ý tưởng về dự án cho Fresh House, sau đó Fresh House sẽ làm tất cả những công đoạn còn lại, họ chỉ cần tập trung bán hàng. Trước đây, chủ đầu tư phải liên hệ một lúc rất nhiềunhà cung cấp; bây giờ, chủ đầu tư chỉ cần làm việc với một mình Fresh House. Dịch vụ trọn gói này đã giúp Fresh House ngày càng củng cố vị thế hàng đầu ở thị trường marketing cho bất động sản.
Sau 4 năm thành lập, Fresh House đã chuyển mình từ một công ty diễn dọa 3D đơn thuần sang một agency cung cấp giải pháp marketing bất động sản trọn gói hàng đầu Việt Nam, với hơn 100 nhân viên, tăng trưởng mỗi năm tầm 200% đến 300%, có các đối tác chiến lược như Phát Đạt, Thảo Điền Investment, Vingroup, Empire Group, TTG… Hiện họ có văn phòng đại diện tại Huế, Hà Nội, Úc và Canada.
Giấc mơ nâng tầm “nội thất Việt” với AZ Home
Như mọi bạn trẻ khác, những ý tưởng khởi nghiệp của anh đều bắt nguồn từ những bức xúc trong cuộc sống và công việc. Sở dĩ Fresh House có thêm nhiều dịch vụ khác ngoài diễn họa hình ảnh, là bởi khi làm việc với các chủ đầu tư, Đức Anh thấy được sự phiền muộn của họ khi phải làm việc với quá nhiều nhà cung cấp cho mỗi việc hiện thực hóa bản vẽ kiến trúc để bán hàng.
Cũng như thế, trong quá trình làm việc với các chủ nhà thời còn làm thiết kế nội thất, Đức Anh thấy quá nhiều chủ nhà và cả các nhà thiết kế nội thất sầu não trong suốt quá trình triển khai dự án. Chủ nhà phải làm việc với nhà thiết kế nội thất, sau đó tìm chỗ mua đồ nội thất và làm việc với nhà thầu thi công…
Chưa hết, rất khó để có thể kiểm soát chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm nội thất mua ngoài thị trường hoặc hỗ trợ khách hàng đánh giá 1 cách khách quan về năng lực các đơn vị nhà thầu nhỏ.
Lúc đó, trong đầu Đức Anh đã nghĩ đến việc thành lập một nền tảng kết nối 3 bên: giữa nhà thiết kế – nhà cung ứng – khách hàng, để chủ nhà chỉ cần đến “một cửa” là có thể giải quyết hết vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, trong vài năm tiếp theo, anh vẫn chưa tìm ra được một chiến lược kinh doanh phù hơp cho ý tưởng này, thế nên, ý tưởng của anh vẫn chưa thuyết phục được các cổ đông và các nhà đầu tư thiên thần.
“Năm 2017, sau thời gian dài xây dựng quy trình quản lý – vận hành, Fresh House và AZ Architects đã có thể hoạt động tương đối ổn định, mà tính tôi khi nào có chút thời gian rỗilà sẽ lôi các việc chưa thực hiện được ra để triển khai, cộng với sự xuất hiện của rất nhiều công ty internet thành công; giúp tôi tìm ra được mô hình kinh doanh hiệu quả cho ý tưởng dịch vụ trọn gói trong ngành nội thất. Thế là, AZ Home xuất hiện”, Đức Anh chia sẻ.
Về cơ bản, AZ Home là một nền tảng công nghệ trung gian đứng ra kết nối giữa người mua – người bán – các nhà sản xuất đồ nội thất và có thể xem họ là những kẻ tiên phong trong việc số hóa ngành thi công nội thất.
Ví dụ, bạn đang có một nhà và cần trang trí nội thất cho nó, bạn sẽ lên AZ Home, trên đó sẽ có rất nhiều mô hình nhà có sẵn cùng diện tích với bạn, bạn có thể vào đó chọn đúng kiểu dáng – màu sắc – chất liệu chủ đạo có sẵn mà mình thích, hoặc thay đổi bất cứ thứ gì trong nội thất căn nhà mẫu bằng sản phẩm khác. Sau khi chọn lựa cẩn thận theo ý thích, AZ Home sẽ báo giá cho bạn, nếu chấp nhận mức giá đó, AZ Home sẽ đến thi công, quá trình thi công sẽ được AZ Home cập nhật theo thời gian thực trên app.
Tất cả những sản phẩm trên AZ Home đều có nguồn gốc và giá cả rõ ràng, giá cả sẽ bằng hoặc thấp hơn so với thị trường. Những sản phẩm nội thất Việt có chất lượng tốt sẽ được AZ Home ưu ái giới thiệu trên nền tảng.
Ngoài ra, dựa trên những nghiên cứu của AZ Home về thị trường – xu hướng tiêu dùng nội thất, AZ Home sẽ định hướng về thiết kế cho các đối tác. Đức Anh hy vọng rằng, động thái này của AZ Home sẽ góp phần cải thiện điểm yếu của ngành gỗ – nội thất Việt Nam: thiếu thương hiệu mạnh và thiết kế độc đáo.
Hiện tại, AZ Home vẫn trong quá trình xây dựng, vào tháng 3/2019 nó mới chính thức ra mắt thị trường.
Và lý do mà startup này tin rằng, AZ Home sẽ vươn tầm phát triển mạnh không chỉ ở VN mà sẽ mở rộng ra quốc tế trong tương lai, bởi nó được vận hành bằng mô hình kinh tế chia sẻ xây dựng trên nền tảng công nghệ, người tiêu dùng cả ở Việt Nam và trên khắp thế giới ngày càng muốn tự làm stylist cho nội thất ngôi nhà mình, người tiêu dùng đang dần xem đồ dùng nội thất cũng giống như áo quần, phải hợp xu hướng và thay đổi theo mùa và cuối cùng, AZ Home mang lại nhiều giá trị hữu ích cho cả 3 bên là người mua – người bán – nhà sản xuất.
Học quản trị từ thực tiễn
Một người có chuyên môn giỏi, nhanh nhạy với thị trường cũng không thể làm ông chủ nếu không biết cách quản trị nhân sự – doanh nghiệp.
Khởi nghiệp khi còn quá trẻ, nên có thể nói, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của Đức Anh là một con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên, nhờ sự học hỏi không ngừng nghĩ từ thực tiễn công việc, từ những cộng sự của mình hoặc các tiền bối đi trước, thêm chút năng khiếu sẵn có của bản thân, anh có thể quản trị các công ty chạy tốt.
Câu chuyện đi “săn” partner của Đức Anh khá thú vị. Những người giỏi đầu ngành thường có 2 kiểu: kiểu đầu tiên đã ra mở công ty, kiểu thứ hai là làm giám đốc bộ phận cho công ty trong nước – nước ngoài – hoặc làm tự do cho thị trường quốc tế. Kiểu thứ hai sẽ là đối tượng chào mời chính của Đức Anh. Để thành công lôi kéo một người về làm partner, startup này thường mất khoảng 1 đến 3 năm.
“Tôi nghĩ, sở dĩ nhiều tài năng chịu hợp tác với tôi là bởi họ thấy tâm của tôi sáng, công việc kinh doanh của tôi hết sức rõ ràng; họ được làm chủ công việc của mình và chỉ cần quan tâm tới chuyên môn, không cần để tâm tới chuyện hành chính – nhân sự, bởi tôi sẽ lo chuyện đó. Ngoài ra, việc xuất thân là dân kĩ thuật cũng khiến tôi nhận được nhiều thiện cảm của họ, bởi tôi sẽ có sự đồng cảm và thông cảm về công việc của họ tốt hơn 1 người làm kinh doanh thuần túy”, Đức Anh giải thích.
Ông chủ trẻ này còn khá linh động trong việc quản lý nhân sự. Ở các công ty của Đức Anh, việc làm sếp hoặc tăng lương không phụ thuộc vào thời gian làm việc mà dựa vào năng lực và sự cống hiến của các nhân viên. Có nhiều trường hợp, nhân sự của Fresh House chỉ mất khoản 6 tháng để nhảy từ vị trí nhân viên tập sự lên thành leader hoặc vài năm để lên thành partner của công ty.
Mỗi trưởng bộ phận phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nhiệm vụ mà mình đã được giao và nhận, chỉ khi nào trưởng bộ phận đó báo không thể tự mình thực hiện nhiệm vụ, Đức Anh mới nhảy vào phụ giúp. Do đã có quy trình sẵn, nên Fresh House và AZ Architects – 2 công ty đã vận hành ổn định, rất ít khi phải họp và chỉ họp lúc bộ phận nào đó gặp trục trặc, còn muốn xem tình hình công ty hoạt động như thế nào, Đức Anh chỉ cần nhìn vào hệ thống.
“Tôi thường không thích nghe anh em than bận, không có thời gian làm việc này hoặc việc kia. Quan niệm của tôi, các trưởng bộ phận phải xây dựng được một quy trình vận hành hiệu quả, để khi không có mình, công ty vẫn chạy tốt”, Đức Anh nhận định.
Dù tự nhận mình đã có 1 chút kinh nghiệm quản lý, nhưng anh nghĩ là đã đến lúc mình phải đi học các khóa về quản trị một cách bài bản, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển và tăng tốc trong thời gian sắp tới, bởi theo anh “việc đầu tư vào kiến thức cho cá nhân mình và các trưởng bộ phận là một hoạt động thiết yếu, nếu mong muốn công ty đủ năng lực cạnh tranh trong thời đại hội nhập” .
Không ngoa khi nói, Nguyễn Đức Anh chính là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại: dám nghĩ, dám làm, có một chút liều lĩnh, giàu tham vọng nhưng không mơ mộng với chiến lược – mục tiêu cụ thể, thực tế qua từng chặng đường phát triển của doanh nghiệp.