Trở thành CEO tỷ phú của startup esports 2,2 tỷ USD vì mê game bỏ học

0
1224

Sinh ra trong một gia đình châu Á truyền thống, Min-Liang Tan dường như đã được bố mẹ định sẵn con đường tương lai là trở thành một luật sư. CEO 41 tuổi từng chia sẻ: “Mẹ tôi nói rằng tôi nên trở thành bác sỹ hoặc luật sư vì chị gái tôi là bác sỹ, một người chị khác là luật sư và anh trai tôi cũng là bác sỹ chuyên khoa rất được kính trọng. Lúc đó tôi cũng đang học ngành luật. Gia đình tôi sẽ có 2 bác sỹ và 2 luật sư, điều đó thật lý tưởng“.

Ở thời điểm hiện tại, Min-Liang Tan đã trở thành một tỷ phú tự thân nhưng không phải nhờ nghề luật. Năm 2005, Tan quyết định thành lập công ty sản xuất thiết bị game mang tên Razer với một sản phẩm duy nhất là chuột máy tính dành riêng cho game thủ. Năm ngoái, công ty của Tan thu về 517,9 triệu USD lợi nhuận và có giá trị thị trường khoảng 2,2 tỷ USD. Họ có khoảng 1.000 nhân viên và 9 văn phòng trên khắp thế giới.

Ngành game đã đánh bại ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu trị giá 88,4 tỷ USD năm 2017 về quy mô. Theo nhà phân tích Neil Campling, hiện ngành công nghiệp game trị giá 130 tỷ USD và con số này có xu hướng tăng trưởng hai con số mỗi năm trong thập kỷ qua. Thiết bị do Razer tạo ra như chuột máy tính và bàn phím đang ngày càng trở nên phổ biến không chỉ với những game thủ chuyên nghiệp.

Sản phẩm của Razer ngày càng được ưa chuộng.

Sản phẩm của Razer ngày càng được ưa chuộng.

Các sản phẩm có độ chính xác cao cùng thiết kế đèn cầu vồng nổi bật đã giúp Razer được chú ý trong cộng đồng game và trở thành người dẫn đầu trong ngành công nghiệp esports (thể thao điện tử). Công ty của Tan đã thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư nổi tiếng trong đó có tỷ phú Lý Gia Thành. Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2017, Razer đã thu về 528 triệu USD và Tan cho biết sẽ dùng số tiền đó để phát triển nhiều sản phẩm hơn.

Đến nay Razer vẫn chưa có lãi và trong năm 2017, họ đã lỗ 165,8 triệu USD. Nhà phân tích Robert Cavin chỉ ra rằng công ty của Tan đã đầu tư khá nhiều vào marketing cũng như ưu tiên tăng trưởng giống như một số công ty nổi bật khác như Tesla và Netflix.

Chơi game vốn là niềm đam mê của Tan. CEO của Razer chia sẻ: “Giống như mọi đứa trẻ mê game khác, tôi thường ôm máy tính cả ngày và chơi game bất cứ khi nào có thể. Bố mẹ tôi đã la mắng rất nhiều vì tội này. Nhưng tôi cảm thấy vui vì niềm đam mê của mình không thay đổi”.

“Đồng đội” chơi game thân thiết của Tan chính là anh trai Min-Han Tan. Họ đã cùng nhau chơi những trò chơi nổi tiếng của thập niên 1980 như “Prince of Persia”, “Castle Wolfenstein” và thậm chí phải dùng nước đá để làm mát máy tính vì sợ bố mẹ phát hiện.

Cha mẹ của Tan luôn kỳ vọng anh sẽ trở thành luật sư. Chính vì vậy, anh đã giấu họ khi khởi nghiệp trong lĩnh vực game. “Tôi đã thành lập Razer và khi cha mẹ tôi phát hiện ra, mọi thứ đã quá muộn. Tuy biết họ không hài lòng khi tôi tự ý thay đổi nghề nghiệp nhưng tôi tin rằng họ sẽ vẫn hết mình ủng hộ”.

Giờ đây, khi đã trở thành tỷ phú, Tan vẫn sống cùng cha mẹ bất cứ khi nào anh ở Singapore. Razer có trụ sở chính ở San Francisco và Singapore cùng một trung tâm thiết kế tại Đài Loan. Mỗi tháng, Tan ở Đài Loan một tuần và ba tuần chia đều cho hai trụ sở còn lại. Việc vẫn sống chung với cha mẹ của Tan khiến nhiều đồng nghiệp người Mỹ bất ngờ.

Mặc dù vậy, nguyên nhân mà Tan đưa ra khiến ai cũng phải suy ngẫm: “Tôi thích ở cùng cha mẹ. Họ đang già đi mỗi ngày và tôi muốn dành thời gian bên họ nhiều hơn. Khi ở nhà, tôi có thể thoải mái chơi game và mẹ sẽ mang đồ ăn cho tôi. Có rất nhiều nơi thích hợp hơn để tôi đặt trụ sở như Thâm Quyến hay Đài Loan nhưng lý do chính khiến tôi duy trì ở Singapore là cha mẹ của mình. Họ là người quan trọng nhất đối với tôi”.

Theo Edwin Chan, người bạn thời thơ ấu của Tan và Giám đốc tài chính của Razer, một trong những điều khiến Tan duy trì được sức hút với người hâm mộ là anh vẫn đam mê chơi game và mang lại cảm giác gần gũi của một game thủ chứ không phải một tỷ phú CEO. Tại một sự kiện ra mắt ở Manila năm 2015, Tan đã phát pizza miễn phí cho các fan và trò chuyện cởi mở với họ.

Một số “fan chân chính” còn xăm logo hình ba con rắn của Razer để bày tỏ sự mến mộ. Một người thậm chí còn xăm hình gương mặt của Tan ở chân và được tặng một chiếc Smartphone của Razer.

Một fan hâm mộ đã xăm hình gương mặt Tan lên chân.

Một fan hâm mộ đã xăm hình gương mặt Tan lên chân.

Một cựu game thủ chuyên nghiệp chia sẻ: “Tan không chỉ lãnh đạo công ty mà còn là người thực sự yêu thích các sản phẩm của mình. Xuất thân là một game thủ, hơn ai hết anh ấy hiểu được nhu cầu của những người chơi game và tìm cách tạo ra sản phẩm tốt nhất“.

Ở tuổi 41, Tan đã trở thành tỷ phú tự thân nhờ niềm đam mê mãnh liệt với game và biến Razer thành một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực esports. Phương châm hoạt động của họ từ lâu vẫn được Tan nhấn mạnh là “Vì game thủ, do game thủ”. Razer đã xây dựng hệ sinh thái khổng lồ về phần mềm, phần cứng và dịch vụ để phục vụ một đối tượng duy nhất là những người chơi game.

Vị CEO chia sẻ: “Cuộc sống của tôi rất đơn giản. Tôi không thực sự quan tâm đến đồ ăn hay trang phục. Tôi chỉ đam mê làm việc và chơi game“. Đánh giá về tiềm năng của game, Tan cho biết: “Khi nhắc đến chơi game, mọi người thường nghĩ nay đến những cậu thanh niên, sống dựa dẫm vào cha mẹ, chơi game cả ngày và không biết tự chăm sóc bản thân. Nhưng hiện nay, có tới một nửa số game thủ là nữ và độ tuổi của người chơi cũng thay đổi, có game thủ trẻ và cả game thủ đứng tuổi. Điều đó là do chơi game đã thực sự trở thành một hình thức giải trí có thể dễ dàng tiếp cận thông qua smartphone, máu tính bảng hay máy tính cá nhân“.

Mục tiêu đầy tham vọng của Tan không chỉ dừng lại ở việc là thương hiệu hàng đầu trong thế giới game mà còn là một thương hiệu giải trí mang tầm cỡ quốc tế.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các founder, Tan trả lời: “Việc công ty lớn đến đâu không quan trọng bằng sự đam mê của bạn và những gì bạn xây dựng được. Hãy tạo ra sản phẩm chất lượng tốt cho người dùng và luôn nhớ rằng bạn không thành lập startup cho bất kỳ nhà đầu tư mạo hiểm nào hay để đạt chỉ số KPI mà để tạo ra những điều thực sự tuyệt vời“.

Trở thành CEO tỷ phú của startup esports 2,2 tỷ USD vì mê game bỏ học
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here