BOE Technology được xem là nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới, cung cấp màn hình gập dùng trong Mate X của Huawei. Một trong các khách hàng của tập đoàn chính là Apple.
Wang Dongsheng 35 tuổi khi ông dồn tiền cùng các đồng nghiệp để tiếp quản nhà máy quốc doanh mà họ đang làm việc. Đó là vào năm 1993 khi Beijing Eletronic Factory (nhà máy điện tử Bắc Kinh) – thành lập những năm 1950 nhờ vào Liên bang Xô Viết – đang trên bờ vực phá sản do không thể cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế mở cửa theo chính sách cải cách của cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Năm 2019, BOE Technology Group đạt giá trị vốn hóa khoảng 18 tỷ USD, tuyển dụng hơn 68.000 nhân viên, hoạt động tại 19 quốc gia và là nhà sản xuất tấm nền màn hình lớn nhất thế giới. Khách hàng của họ bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Apple, Huawei. Tháng 5/2019, sau khi đạt giải Thành tựu công nghiệp David Sarnoff tại Mỹ, Chủ tịch Wang, nay đã 62 tuổi, cho biết ông sẽ từ chức năm nay.
Trước khi điều hành BOE, ông là một kế toán. Ông đặt ra quy định năng suất phải tăng ít nhất gấp đôi mỗi 36 tháng. “BOE thành lập 26 năm trước và kể từ ngày đầu, chúng tôi chưa bao giờ dừng phát triển. Chìa khóa của chúng tôi là luôn giữ tập trung và cam kết đổi mới. Tôi có niềm tin hoàn toàn vào tương lai tươi sáng của BOE dù có tại vị hay không”, ông nói.
Ông Wang chuyển giao quyền lãnh đạo BOE tại thời điểm kết nối 5G chuẩn bị thay thế 4G. Cùng với việc bổ sung hai bộ phận hệ thống thông minh, dịch vụ chăm sóc y tế, BOE tiếp tục nổi tiếng toàn cầu với các tiến bộ trong công nghệ màn hình. Đặc biệt, màn hình OLED Active Matrix được dùng trên smartphone gập Huawei Mate X 5G.
Theo Nikkei Asian Review, Apple đang trong giai đoạn cuối cùng để có thể sử dụng màn hình OLED uốn dẻo của BOE cho iPhone 2020. BOE cung cấp tấm nền LCD cho MacBook và iPad từ năm 2017.
|
Trên thị trường màn hình, doanh thu từ màn hình uốn cong dự báo đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ 62 triệu USD năm 2019. BOE đạt thành tựu lớn trong quý đầu năm nay khi trở thành nhà sản xuất tấm nền tivi lớn nhất thế giới tính theo sản lượng xuất xưởng. Công ty cũng được công nhận rộng rãi là nhà cung ứng màn hình lớn nhất thế giới dùng cho hàng loạt thiết bị, từ smartphone, tablet, notebook, màn hình, màn hình xe hơi đến màn hình điện tử và thiết bị đeo.
BOE tạo đột phá năm 2003 khi mua lại công nghệ màn hình quan trọng từ Hydis, nhà sản xuất màn hình TFT LCD với giá 380 triệu USD. Đây là công nghệ nằm trong tay các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản. BOE chỉ có thể có được thông qua thâu tóm. Kể từ thương vụ này, BOE đã thực hiện nhiều giao dịch, đầu tư và tái cơ cấu nhằm đảm bảo đi trước đối thủ nội địa lẫn quốc tế.
Ông Wang – tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật điện tử Hàng Châu – hối thúc BOE nghiên cứu và phát triển liên tục. Ông cho rằng nếu không có tiến bộ công nghệ, một công ty sẽ chiến bại. Ông luôn mơ đến ngày BOE nhận được sự tôn trọng trên toàn thế giới nhờ các sáng tạo công nghệ.
Dù vậy, BOE vẫn bị tổn thương vì cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Công ty phụ thuộc vào một số doanh nghiệp Mỹ như Corning, 3M và Applied Materials để cung ứng các vật liệu và thiết bị quan trọng nhất trong sản xuất màn hình. 9 trong 10 cổ đông lớn nhất là tổ chức nhà nước. Khách hàng Huawei cũng bị cho vào “sổ đen” của Washington vì các lo ngại bảo mật.
Nhìn lại nỗ lực cứu vớt công ty suýt sụp đổ trở thành BOE, ông Wang cho biết ông hoàn toàn có thể tìm được công việc khác nhưng quyết định ở lại vì không muốn thấy đồng nghiệp mất việc. Khi thương chiến Mỹ – Trung ngày một căng thẳng, BOE chỉ còn một cách là tiến lên phía trước.
Theo Du Lam
Ictnew