Năm 2020, song song với “cơn bão” Covid-19, các doanh nghiệp cũng bắt đầu đón chào lứa nhân sự 10X – thế hệ nhân sự trẻ vừa bước vào độ tuổi 20, lần đầu bước vào cuộc sống văn phòng.
Thế hệ 10X(*) đang thổi làn gió mới vào các doanh nghiệp. Nhiều khủng hoảng xảy đến trong năm 2020 với vô vàn bất định càng khiến cho lứa nhân sự này rèn giũa được sự linh hoạt, sáng tạo, cùng với đó là những đặc trưng cá biệt mà chỉ khi hiểu rõ, quản lý cấp cao mới có thể phát huy tối đa nguồn lực tương lai.
(*) Thuật ngữ “Thế hệ 10X” được chúng tôi quy ước gọi những người sinh từ năm 2000-2009 trong khuôn khổ bài viết này, với ý nghĩa nối tiếp thế hệ 9X sinh từ năm 1990-1999.
Tự do, linh hoạt, khẳng định bản thân, chấp nhận sự đa sắc màu…
Đó là những từ ngữ không mấy xa lạ mà chúng ta thường nghĩ tới khi khái quát đặc điểm của thế hệ Z (sinh năm 1995 – 2010). Đối với Gen Zers, điểm mấu chốt không chỉ là khẳng định mình thông qua một hình mẫu nào đó (theo McKinsey), mà họ cho phép bản thân tự do thử nghiệm những cách sống khác nhau và định hình bản sắc cá nhân theo thời gian. Về đặc điểm nổi trội này, thế hệ Z có phần trở nên thực tế hơn so với những “người tiền nhiệm” (Millennials).
Kế thừa những đặc điểm của thế hệ Z, cộng với việc trưởng thành trong thời đại bùng nổ công nghệ, thế hệ 10x dễ dàng tiếp nhận và thích nghi với nhiều thông tin, quan điểm và xu hướng mới mẻ một cách chủ động lẫn bị động. Từ đó, hàng loạt nghề mới và tự do ra đời. Phần lớn thế hệ 10x sẵn sàng dấn thân và gắn bó với những ngành nghề đáp ứng được mục tiêu trải nghiệm cuộc sống, khám phá bản thân. Họ sẵn sàng dịch chuyển, thậm chí ở vị trí bấp bênh như freelancer (người làm tự do) để đổi lại sự tự do về mặt thời gian với ít ràng buộc từ những nguyên tắc, quy củ.
Dù phát triển trong thời đại số, thế hệ 10X vẫn có những đặc điểm, tâm lý lứa tuổi vốn có của mình. Tuy mang những nét già dặn trong suy nghĩ và vẻ bề ngoài nhờ vào sự phát triển của văn hóa đại chúng và sự lan tỏa thông tin, phần nào bên trong họ vẫn ẩn chứa sự thiếu tự tin và nhạy cảm một khi bản ngã của họ không được thừa nhận hoặc vấp phải những thất bại. Sự tác động mạnh mẽ của Covid-19 khiến thế hệ 10x chao đảo và lung lay khi bước vào hành trình tìm kiếm công việc, dù họ mang trong mình sự tự tin và thực tế nhất định. Giữa rất nhiều CV dày dặn kinh nghiệm được tỏa ra từ đợt đại thất nghiệp do Covid-19, thế hệ 10X chắc chắn ít nhiều bị ảnh hưởng.
Chị Hồng Nhung, quản trị nhân sự của một đơn vị, cho biết: “Điểm chung của các ứng viên mới ra trường sau “khủng hoảng” Covid-19 là các em trở nên đằm hơn, khiêm tốn hơn, thậm chí có phần hoang mang, lo lắng trước khó khăn chung của thời cuộc”.
Rõ ràng Covid-19 có tác động đến định hướng, thái độ của thế hệ 10x trong việc lựa chọn công việc. Vậy giới nhân sự cần đối ứng như thế nào cho phù hợp trước sự linh hoạt thay đổi của 10x? Cũng như nâng đỡ, trấn an tinh thần khi rơi vào khủng hoảng?
Cần sự thấu hiểu, tôn trọng và đồng hành
“Vượt qua khoảng cách thế hệ để quản trị hiệu quả đội ngũ nhân viên đòi hỏi cấp quản lý phải hiểu sâu sắc đặc điểm của các thành viên, từ đó giao tiếp với họ bằng “ngôn ngữ” của chính họ”, bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet cho biết. “Với 10X, những quan tâm hàng đầu sẽ bao gồm sự tự do, trải nghiệm, và dấu ấn cá nhân”, bà chia sẻ thêm. Dựa trên những mối quan tâm của 10X trong công việc, có 3 điều mà các nhà quản lý cần lưu ý để tối ưu hóa hiệu quả nguồn lực.
Đầu tiên, để chèo lái đội ngũ 10X, cấp quản lý cần mang đến một môi trường làm việc tự do trong kỷ luật. Jocko Willink – tác giả cuốn “Kỷ luật = tự do” chia sẻ: để có được tự do trong mọi khía cạnh của cuộc sống, kỷ luật tinh thần và thể chất cần đi đôi với nhau. Tự do trong kỷ luật, kiểm soát mới là sự tự do mang lại thành công. Với một thế hệ khát khao tự do hơn cả như 10x thì việc làm sao để giúp họ phân biệt được sự khác biệt, ranh giới giữa tự do và “thiếu kỷ luật”, là điều nhà quản lý cần chú trọng. Đơn cử là việc quản lý nên quyết định kiểm soát giờ đi làm hay thời hạn hoàn thành công việc, cách thức thực hiện công việc hay kết quả công việc cuối cùng… Đây sẽ là cách người làm nhân sự “cầm cương” 10x, tức là trao quyền tự kiểm soát vào trong tay họ một cách khéo léo.
Thứ hai, “on the job training” (vừa học vừa làm) sẽ là điều giúp công việc trở nên hấp dẫn hơn với thế hệ 10X – vốn khát khao trải nghiệm. Các lớp học hay bài giảng lý thuyết được đánh giá là khá sáo rỗng với thế hệ Z. Thay vào đó, nhiều nhân sự 10X bày tỏ mong muốn được tự xoay sở, tự dấn thân và tự vấp ngã để học nhanh và ghi nhớ sâu hơn. Quản lý cấp cao có thể tạo điều kiện cho nhân sự mới tiếp xúc và tự quản trị các công việc, bắt đầu từ công việc nhỏ, để cho họ cảm giác “sở hữu” dự án, tăng ý thức trách nhiệm và đồng thời, kích thích sự nhiệt huyết chinh phục thử thách của 10X.
Cuối cùng, thế hệ 10x rất quan trọng việc xây dựng dấu ấn cá nhân nên nhà quản lý không thể bỏ qua việc ghi nhận và tôn vinh thành tích nổi bật khi cần thiết. Song song đó vẫn phải liên tục đào tạo và nhấn mạnh tư duy “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng đồng đội” để 10x có thể hiểu và sử dụng cái tôi cá nhân vào công việc một cách hiệu quả và đúng đắn.
Việc đồng hành, chia sẻ giá trị chung là điều không thể bỏ qua với 10x. Trong một tổ chức, những lao động có kinh nghiệm lâu năm sẽ có sự dày dạn, vững vàng giúp công ty phát triển thay chiều sâu. Còn lao động trẻ như 10x lại giúp công ty có những phát kiến đột phá, đầy thử thách, trải nghiệm mới mẻ. Người quản lý cần tránh tư duy “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Thay vào đó, cần nhìn sâu để thấu hiểu bên trong mỗi cá nhân 10x ẩn chứa một nguồn năng lượng, ý tưởng, khát khao tự do và cống hiến.
“Quản trị nhân sự không phải chỉ có “ra lệnh – thừa hành”. Trong thời đại công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, chỉ đơn giản là tiếp xúc nhiều hơn với mạng xã hội, bấm “like” cho những bài viết, hình ảnh mới của nhân viên cũng giúp cấp quản lý thu hẹp khoảng cách thế hệ. Hiểu về suy nghĩ, lo lắng, hoang mang của nhân viên, quản lý có thể giúp họ đúng cách, đúng chỗ. Khi việc tiếp cận cá nhân trở nên dễ dàng thì những vướng mắc khác trong công việc cũng nhờ đó mà được tháo gỡ”, bà Tiêu Yến Trinh đúc kết.
H.T.
Theo Trí Thức Trẻ