Sinh viên sáng lập… hai doanh nghiệp
Sôi nổi, hòa đồng và có chút tinh nghịch đúng với lứa tuổi sinh viên nên khó ai biết rằng Nguyễn Hữu Dũng đang là người đồng sáng lập và điều hành của hai doanh nghiệp về công nghệ thực tế ảo: Revo360 và TAVIS. Sản phẩm chính của công ty là tạo ảnh và tour tham quan 360 độ, giúp khách hàng trải nghiệm không gian từ xa một cách trực quan và chân thực. Bên cạnh đó, việc khảo sát thực địa trên cao khu vực rộng lớn, nguy hiểm… trở nên thật dễ dàng; tối ưu hóa hiển thị lên các nền tảng website, mạng xã hội, Google Maps, Mobile App…
Chàng trai sinh năm 1998 này hiện đang là sinh viên năm thứ ba hệ Chất lượng cao, Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội). Cơ duyên đưa Dũng đến với kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu từ sở thích hồi nhỏ. Cậu cũng từng tham gia nhiều cuộc thi về công nghệ, từ đó, ước mơ khởi nghiệp lớn dần.
Nguyễn Hữu Dũng – chàng sinh viên sáng lập hai doanh nghiệp
Để hiện thực hóa ước mơ đó, những ngày học ở trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định), Dũng đã đi làm thêm các công việc liên quan công nghệ. Bước chân vào giảng đường đại học, cậu bạn cũng tìm việc làm thêm ở nhiều công ty như Topica, VCCorp… để có thêm trải nghiệm, học hỏi kiến thức. Tháng 1/2017, khi đó Dũng mới là sinh viên năm thứ nhất nhưng đã cùng ba người bạn khác khởi nghiệp với dự án Revo360. Bằng việc sử dụng công nghệ chế độ xem phố (Street View) được hỗ trợ bởi Google Maps (hoặc bằng nền tảng tự công ty phát triển), dự án đã cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tiện ích và mới lạ. Đó là ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể trải nghiệm được không gian nơi mình sẽ tới (bất kể không gian đó đã hoặc chưa xây dựng, với góc nhìn dưới mặt đất hoặc từ trên cao).
Dũng đảm nhận mảng kinh doanh, tiếp xúc với khách hàng, doanh nghiệp để tiếp thị sản phẩm. “Nhiều khi, khách hàng chưa hiểu sản phẩm với lợi thế dữ liệu gốc có ý nghĩa như thế nào, do đó mình mất nhiều thời gian để giải thích và thuyết phục”, Dũng kể.
Khó khăn chồng chất nhưng sức trẻ, sự khát khao theo đuổi đam mê đã giúp Dũng vượt qua tất cả. Sau một thời gian, Revo360 đã có những khách hàng tiềm năng. Tháng 6/2018, Dũng quyết định thành lập một công ty khác cũng chuyên về lĩnh vực thiết kế nền tảng hỗ trợ công nghệ thực tế ảo, dễ sử dụng hơn cho mọi người, mang tên TAVIS. Dù chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn, sản phẩm của TAVIS hiện đã được ứng dụng tại những dự án lớn như: Vinhomes Metropolis, không gian 360 thủy phi cơ – cảng Tuần Châu…
Ở TAVIS, ngoài nhân sự chính là những người đã có kinh nghiệm, đảm trách những vị trí quan trọng, Dũng tuyển dụng nhiều thực tập sinh là sinh viên phụ trách các công việc lên ý tưởng, chăm sóc website, fanpage, khách hàng, nghiên cứu đối thủ… Mong muốn cũng Dũng chính là tập hợp được những người trẻ đam mê sáng tạo với khoa học công nghệ, hết mình kiến tạo xã hội.
Chia sẻ về những trải nghiệm của mình, Dũng cho biết: “Muốn thành công chúng ta nên nghĩ lớn làm lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Chúng ta luôn ca ngợi người Mĩ, Đức, Nhật mà chỉ ở nhà ôm điện thoại và học lý thuyết. Làm nhiều, đi nhiều sẽ giúp mọi người trưởng thành hơn. Bạn đừng nghĩ quá cao xa về tài chính mà hãy ngẫm về bản thân trước. Liệu rằng với năng lực hiện tại bạn có thể thuyết phục được người khác làm việc cùng hay không chứ đừng nói đến vấn đề gọi vốn hay vội vã phát triển công ty”.
Người đi trước cả… phố
3.000 đầu lợn thịt và hơn 300 đầu lợn nái, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng, trang trại được đánh giá hiện đại nhất miền Bắc… những con số ấn tượng này được tạo nên từ niềm đam mê của Khổng Văn Hưng, đoàn viên xã Phú Minh, (Sóc Sơn, Hà Nội). Hưng là con út trong gia đình thuần nông 8 anh chị em, hoàn cảnh khó khăn. Nhà nghèo gần như nhất làng nên bố mẹ phải chắt chiu từng đồng nuôi anh ăn học. Vì thế, khi thấy cậu út tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp lại học tiếp lên đại học bố mẹ mừng lắm. Vậy là Hưng có cơ hội thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn được làm việc nhàn nhã, sạch sẽ. Thế mà, anh lại quyết định về quê nuôi lợn.
“Nghe quyết định đó của mình, bố mẹ sốc. Từ sốc, bố mẹ chuyển sang quát mắng, phân tích đúng sai, thậm chí dỗ ngon ngọt để mình thay đổi ý định. Tuy nhiên, mình đã quyết là làm. Hơn nữa, đó là đam mê từ ngày mình còn học cấp hai, khi vừa đi học vừa giúp bố mẹ chăn nuôi lợn”, Hưng kể.
Khổng Văn Hưng cùng vợ tại lễ trao giải thưởng Lương Định Của 2018
Năm 2005, Hưng khởi nghiệp khi chỉ có trong tay vài triệu đồng tiết kiệm được từ những ngày đi làm thêm. Số tiền đó chỉ đủ cho anh dựng tạm lán trại nuôi lợn. May mắn khi đó, người chị giái đồng ý bán chịu cho Hưng một đôi lợn nái. Anh dồn tâm sức chăm sóc gây dựng đàn được 8 con. Ngay năm đầu, Hưng lãi hơn 2 triệu đồng từ việc bán lợn giống.
Năm 2007, Hưng mạnh dạn đầu tư nuôi 60 con lợn thương phẩm và nái. Anh tràn trề hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, cuối năm đó dịch tai xanh xảy ra. Đàn lợn chết gần hết, trang trại trắng trơn. Số tiền hơn một tỷ đồng đầu tư đội nón ra đi cùng với việc lãi mẹ đẻ lãi con khiến Hưng tay trắng.
Không chán nản, Hưng quyết biến đau thương thành hành động. “Qua thất bại cay đắng đó, mình nhận ra muốn kiếm miếng ăn thì dễ nhưng để làm giàu phải có kiến thức, khoa học kỹ thuật. Kinh nghiệm cha ông để lại chỉ có thể áp dụng từng thời điểm còn kiến thức khoa học là sẽ nền tảng vững chắc cho sự phát triển”, Hưng tâm sự.
Vì vậy, không chỉ gây dựng lại trang trại, Hưng quyết tâm thi đỗ Học viện Nông nghiệp Việt Nam để có thêm kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật. Nếu như năm 2011, Hưng nuôi 200 con lợn nái thì nay trang trại của anh có 3.000 đầu lợn thịt và hơn 300 lợn nái. Đặc biệt, anh đầu tư chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình được áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến bằng nhà lạnh và hệ thống xử lý khép kín, không gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống kiểm soát, theo dõi sức khỏe, tốc độ tăng trưởng của lợn được đầu tư bài bản và đảm bảo các thông số kỹ thuật từ lúc sinh ra đến khi xuất chuồng.
Hiện nay, mô hình trại lợn Hưng May được đánh giá là một trong những trang trại hiện đại nhất miền Bắc, cho doanh thu hơn một tỷ đồng mỗi tháng; tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương trung bình 9 triệu đồng/tháng. Vì thế, năm 2018, Hưng trở thành một trong 50 nhà nông trẻ tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của.
Mơ ước của Hưng là có thể xuất khẩu lợn đạt chuẩn VietGAP của mình ra thế giới. Vì thế, ngoài tìm hiểu khoa học kỹ thuật, anh còn tích cực học thêm tiếng Anh. Hưng đang hiện thực hóa giấc mơ đó bằng việc sẽ xây dựng lò mổ đạt quy chuẩn và áp dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc.
“Với hệ thống mã vạch rõ ràng, người dùng chỉ cần có smartphone là biết được con lợn đó được nuôi dưỡng, giết mổ như thế nào. Với cách làm này, mình hy vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch đồng thời phát triển nông nghiệp bền vững”, Hưng khẳng định.
Tạo sự khác biệt
Giữa không gian phố ồn ào, những quán cà phê mọc lên như nấm, Coffee Hannya của Lê Thanh Tùng, đoàn viên quận Long Biên (Hà Nội) vẫn tạo được sự khác biệt. Tùng kể: “Chỉ riêng khu vực phố Trạm (phường Thạch Bàn, Long Biên) đã có tới 20 quán cà phê. Vì thế, khi quyết định khởi sự kinh doanh với mô hình này mình buộc phải có nét riêng nếu muốn thu hút được khách hàng”.
Nếu như các quán cà phê khác có chút cổ điển và hướng tới khách hàng bình dân thì Hannya được trang trí theo phong cách hiện đại, tập trung vào giới văn phòng. Ngoài phục vụ đồ uống, Tùng đầu tư xây dựng một phòng tổ chức sự kiện, sinh nhật… Đặc biệt, anh dành nhiều thời gian và công sức đào tạo nhân viên để phục vụ các “thượng đế” một cách chuyên nghiệp nhất.
Lê Thanh Tùng, ông chủ Coffee Hannya
Từ nhỏ, chàng trai sinh năm 1994 này đã muốn tự lập, tìm con đường đi riêng. Sau khi tốt nghiệp trường THPT Tây Sơn, Tùng đi bộ đội. Hết hai năm quân ngũ, trở về địa phương, bố mẹ muốn Tùng vào lái xe ở một ngân hàng gần nhà nhưng anh còn quá ít tuổi. Không muốn trở thành kẻ ăn bám, Tùng quyết định tìm thầy học pha chế đồ uống với mong muốn có thể tự làm chủ một cửa hàng.
Trước khi hiện thực hóa giấc mơ, Tùng dành gần 2 năm đi làm tại các quán cà phê để học hỏi kinh nghiệm. Thời gian đó anh khá vất vả vì vừa đi làm thêm vừa chuẩn bị cho việc mở quán. Tuy nhiên, Tùng nhận được sự động viên rất lớn từ bố mẹ và đoàn viên, thanh niên trong phường. Để thu hút khách hàng ngoài việc bài trí quán, Tùng còn tìm tòi, tổ chức ca nhạc, chiếu phim, đá bóng… Mỗi sự kiện như vậy thu hút hàng trăm khách hàng đến quán cà phê.
“Lượng khách đông giúp mình thu hồi vốn tổ chức sự kiện nhanh. Tuy nhiên, sau sự kiện điều mình nhận lại là sự chê trách vì để khách chờ đợi lâu, chất lượng đồ uống không tốt… do chỉ có hai nhân viên phục vụ. Khách hàng thưa dần, điều này khiến mình nhận ra nếu “ăn xổi” thì không bao giờ có thể phát triển bền vững”, Tùng chia sẻ.
Từ đó, anh quyết định ngừng tổ chức sự kiện, tập trung đào tạo nhân viên trong việc pha chế đồ uống cũng như phong cách phục vụ. Anh quyết tâm lấy lại những thực khách đã mất bằng sự chuyên nghiệp và nhiều chính sách ưu đãi. Sau hai năm, Coffee Hannya của Tùng đã có lượng khách hàng ổn định với 6 nhân viên làm việc thường xuyên. Hiện anh đang dốc sức tìm địa điểm để mở thêm một cửa hàng cà phê khác trên địa bàn quận Long Biên.
“Mình là người luôn thích tìm tòi những cái mới và đã làm gì sẽ dành tâm huyết để phát triển nó. Mình hy vọng thời gian tới không chỉ có thêm một mà nhiều Coffee Hannya khác”, Tùng nói.