“Có thể trong quá trình làm việc hàng ngày, môi trường, văn hoá, chế độ chính sách của công ty đã gây ức chế với họ. Cộng thêm thưởng Tết không như kỳ vọng nên họ quyết định ra đi. Thưởng tết chỉ là giọt nước làm tràn ly còn phần chính nằm ở chỗ khác”.
Mỗi dịp cuối năm, “thưởng Tết bao nhiêu” lại trở thành câu hỏi khiến nhiều người Việt băn khoăn, hồi hộp, lẫn chờ mong. Trong suy nghĩ của phần đông lao động Việt, sau một năm làm việc chăm chỉ, thưởng Tết bằng “lương tháng thứ 13” là điều hiển nhiên, chưa kể các khoản thưởng khác. Có người thấy mình được thưởng cao, nhưng cũng không ít người thấy như vậy là chưa xứng đáng với những gì đã cống hiến suốt cả năm trời.
Theo quan điểm của Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, khi đã hiểu rõ bản chất của lương và thưởng thì bạn sẽ tự biết mình “xứng đáng” được thưởng Tết bao nhiêu.
“Nói về vấn đề hiểu đúng bản chất lương và thưởng, rất ít người Việt hiểu được”, Shark Phú thẳng thắn khẳng định với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Shark Phú lý giải bản chất lương là phản ánh giá trị sức lao động, và được ghi rõ trên hợp đồng. Mức lương khác nhau do mỗi cá nhân sẽ sở hữu kinh nghiệm, kỹ năng cũng như kiến thức khác nhau. Giống như cùng một chiếc áo, có thể cái này giá 1 triệu đồng, nhưng cái khác giá lên tới vài triệu.
“Hợp đồng quy định rõ bạn làm cho tôi 8 tiếng/ngày thì bạn được 10 triệu đồng, đấy là bạn đang ‘bán’ sức lao động cho tôi – một người sử dụng lao động, với giá 10 triệu. Mấu chốt là thế, tiền chỉ là vật ngang giá, quy đổi mọi thứ ra một đại lượng chung cho dễ trao đổi mà thôi”.
Khác với lương, thưởng xuất phát từ phần vượt trội hơn trong kết quả làm việc hoặc nếu không thì chính bản thân người chủ đã trích một phần lợi ích của mình để thưởng cho bạn. Nghĩa là nếu bạn làm được 1 sản phẩm thì chỉ tính vào lương nhưng nếu tăng lên 1,2 sản phẩm thì được tính là thưởng. Hoặc bạn sản xuất ra sản phẩm hết 8 đồng chi phí thay vì bình thường là 10 đồng; phần thặng dư 2 đồng tăng thêm chính là phần được dùng để bỏ vào quỹ thưởng.
Không chỉ phải làm đúng, làm đủ, làm tốt, chúng ta còn phải làm hơn những gì đã cam kết thì mới có nguồn để thưởng.
“Không chỉ phải làm đúng, làm đủ, làm tốt, chúng ta còn phải làm hơn những gì đã cam kết thì mới có nguồn để thưởng. Đây là điều mà cả người lao động và người làm chủ cần hiểu rõ để đảm bảo cân bằng cho cả 2 bên”, Shark Phú cho hay.
Riêng với Sunhouse, triết lý trên cũng được sử dụng để đưa ra quy định rõ ràng về lương thưởng.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phú “bật mí” rằng ở đây, nhân viên sẽ có phần thưởng tháng 13 riêng và thưởng theo lợi nhuận riêng. “Thưởng tháng 13 được trích lập ngay trên doanh số, nghĩa là phần này luôn có, còn lại thưởng theo lợi nhuận phải có lợi nhuận mới được thưởng, không có đừng ai trông mong vào đó”.
Lý thuyết là vậy nhưng khi áp dụng, Shark Phú cho biết vẫn có những điều chỉnh nhất định. Vì tập đoàn gồm nhiều bộ phận, có bộ phận lãi, cũng có bộ phận lỗ. Đúng ra bộ phận lỗ không được thưởng nhưng người quản lý sẽ điều động, sắp xếp để họ vẫn nhận sự tương trợ từ các bộ phận khác đang làm ăn hiệu quả.
“Trong kinh doanh, không thể nói chuyện ổn định. Năm nay ngành hàng này “ăn nên làm ra” nhưng năm sau có thể không tốt. Sự tương trợ giữa các bên sẽ tạo ra tính ổn định cho cả công ty”, Shark Phú thừa nhận.
Nhân sự nghỉ việc vì thưởng Tết không như kỳ vọng: Chỉ là chuyện bình thường
Một báo cáo xuất hiện cuối 2018 của VietnamWorks đưa ra kết quả khảo sát khá bất ngờ: Hơn ¼ nhân viên sẽ nghỉ việc nếu thưởng Tết không như mong đợi. Khi được hỏi về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phú cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường.
Theo lý giải của ông, với người lao động, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết thường tăng cao. Bởi tất cả các nhu cầu từ sắm sửa đồ đạc, thăm hỏi người thân, đến chăm sóc nhà cửa sẽ dồn vào dịp Tết.
“Theo tôi thông thường chi tiêu của một người lao động vào Tết phải tăng gấp 2-3 lần tháng bình thường. Tâm lý mọi người đều mong nhận thưởng cao để bù đắp chi tiêu tăng đột biến trong những ngày này. Nếu họ không đạt được kỳ vọng, họ sẽ tìm đến những môi trường làm việc mới, đấy là suy nghĩ thông thường”.
Để tránh tình trạng này, với những người chủ công ty, Shark Phú khuyên nên trích lập quỹ khen thưởng ngay từ những tháng đầu tiên trong năm để cuối năm có nguồn chi trả.
“Tôi biết nhiều công ty không trích lập quỹ khen thưởng, cuối năm thấy bảo phải chi ra hàng chục tỷ để khen thưởng sẽ rất xót ruột. Người chủ lúc ấy thường không muốn thưởng nhiều, muốn cắt giảm khoản thưởng của nhân viên, từ ấy tạo ra xung đột giữa hai bên”.
Riêng với làn sóng nhận thưởng Tết xong mới nghỉ việc, Shark Phú khẳng định thưởng Tết không phải nguồn cơn mà có thể người lao động đã tích tụ ấm ức từ trong năm.
“Chỉ có điều người ta cố gắng chịu đựng 1-2 tháng nữa để nhận thưởng cuối năm rồi họ sẽ chuyển đổi công việc. Nguồn cơn khi họ thay đổi công việc không phải do thưởng mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác tích lũy trước đó”.
“Có thể trong quá trình làm việc hàng ngày, môi trường, văn hoá, chế độ chính sách của công ty đã gây ức chế với họ. Cộng thêm thưởng Tết không như kỳ vọng nên họ quyết định ra đi. Thưởng tết chỉ là giọt nước làm tràn ly còn phần chính nằm ở chỗ khác”, Shark Phú nhấn mạnh.
Hồng Lam
Theo Trí Thức Trẻ