CEO vừa gọi được 6 tỷ từ Shark Tank: “Em có thể sống cực khổ, sẵn sàng bán nhà bán cửa, nhưng em không bao giờ để cho anh em của em thiếu tiền”

0
672

Trở về Việt Nam sau khi đưa startup sang Silicon Valley gọi vốn 1 năm nhưng không thành công

Trước khi trình bày về startup của mình, Nguyễn Minh Thảo – Founder kiêm CEO Umbala Việt Nam mời các Sharks thưởng thức một màn trình diễn nhạc Chillout, một dòng nhạc thư giãn còn ít người nghe tại Việt Nam, ngay tại phòng thương thuyết trước khi đi vào chi tiết.

Trái ngược hẳn với phong cách chậm rãi của nhà sáng lập 2 dự án còn lại, Thảo gây ấn tượng với các cá mập đầu tư bằng phong cách nói nhanh như “bắn liên thanh”.

Umbala Việt Nam là một nền tảng livestream ca hát, mới vận hành chức năng phát sóng trực tuyến được 3 tháng. Trong 2,5 tuần đầu ra mắt, ứng dụng có doanh thu vỏn vẹn 34 triệu đồng và đến nay đạt được 165.000 người dùng.

Đang sở hữu đến 89% cổ phần của startup, Thảo thận trọng gọi 150.000 USD cho 5% cổ phần công ty.

Hiện tại, Umbala Việt Nam kiếm tiền từ 3 nguồn. Thứ nhất là hợp tác với Telco để thu phí dữ liệu. Thứ hai, đầu tư vào các nhóm tài năng ca hát để cùng chia sẻ doanh thu. Cuối cùng là bán quảng cáo.

Nhà sáng lập cho biết đã từng đưa Startup sang Silicon Valley để gọi vốn 1 năm, nhưng không thành công.

Tuy nhiên, tài sản lớn nhất của công ty hiện là đội ngũ thành viên tài năng. Đó là Hùng Trần, sáng lập và CEO GotIt! – Startup từng gọi vốn thành công 9 triệu USD tại Silicon Valey với vai trò ‘Product advisor’ (Cố vấn sản phẩm); Tiến sĩ ĐH Stanford Thức Vũ – một trong những người Việt khởi nghiệp thành công nhất tại Silicon Valey – cố vấn đồng thời là nhà đầu tư thiên thần; Thanh Lê – cựu kỹ sư của Google tại Mỹ từng đạt giải lập trình toán quốc tế…

Quản trị nhân sự theo quan điểm “CEO phải là thằng ngu nhất công ty”!

Ấn tượng với đội ngũ giỏi, Shark Trần Anh Vương – TGĐ Sam Holding mở màn với deal 150.000 USD cho 10% cổ phần. Trong khi đó, Shark Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Egroup, đặt vấn đề “khi một team toàn người giỏi thì việc cùng ngồi lại với nhau e khó”.

Shark Vương và Shark Thủy trở thành cặp bài trùng rót vốn trong tập 9.

Shark Vương và Shark Thủy trở thành “cặp bài trùng” rót vốn trong tập 9.

“Vấn đề anh nói là vấn đề quản trị con người. CEO phải là thằng “ngu” nhất trong công ty. Mình phải đi tìm những người thực sự giỏi, và làm sao để kết nối họ làm việc với nhau. Em luôn đặt mình như một thằng ngu nhất trong công ty để làm việc”, Thảo nói.

“Tất cả những người vào công ty, em đều offer stock option (quyền mua cổ phiếu) đàng hoàng. Em trả lương sòng phẳng ngay từ đầu. Em có thể sống cực khổ, sẵn sàng bán nhà bán cửa, nhưng em không bao giờ để cho anh em của em thiếu tiền“.

Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse, thú nhận “nghe một hồi mà chưa hiểu”, nên ông quyết định không đầu tư.

Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, và Shark Thái Vân Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược VinaCapital – cũng không đầu tư vào dự án.

Mặc dù có 3 Sharks từ chối, Shark Thủy vẫn đưa ra đề nghị 150.000 USD cho 10% cổ phần Umbala Việt Nam. Tuy nhiên, gói đầu tư kèm điều kiện có thể rót thêm 150.000 USD trong vòng gọi vốn tiếp theo với giá bằng một nửa giá chốt với nhà đầu tư mới.

Không muốn mất cơ hội, Shark Vương đưa thêm đề nghị đầu tư 300.000 USD cho 20% cổ phần công ty. Tuy nhiên, Minh Thảo tuyên bố chỉ chấp nhận tỷ lệ tối đa 15%.

Chấm nhận “xuống nước”, hai “cá mập” cuối cùng chốt deal với nhà sáng lập ứng dụng livestream ca hát với số tiền 260.000 USD đổi 15% cổ phần, kèm theo điều kiện được rót thêm 260.000 USD ở vòng gọi vốn sau với giảm thấp hơn 25% giá chốt với nhà đầu tư mới.

Chia tay Minh Thảo, Shark Thủy thừa nhận chính chất “điên” của chàng trai này đã thu hút sự chú ý và khiến ông quyết định rót tiền đầu tư cho dự án này.

Tổng quan về thương vụ gọi vốn của Umbala

– Mô tả: nền tảng livestream ca hát, mới vận hành chức năng phát sóng trực tuyến được 3 tháng

– Founder: Nguyễn Minh Thảo

– Lĩnh vực: Công nghệ

– Chi phí vận hành: 150 – 200 triệu đồng/tháng

– Nguồn thu: 3 nguồn – Hợp tác với Telco để thu phí dữ liệu, Đầu tư vào các nhóm tài năng ca hát để cùng chia sẻ doanh thu, Cuối cùng là bán quảng cáo

– Trong 2,5 tuần đầu ra mắt, doanh thu đạt 34 triệu đồng và đến nay đạt được 165.000 người dùng

– Gọi đầu tư: 150.000 USD đổi lấy 5% cổ phần

Kết quả: gọi vốn thành công từ Shark Trần Anh Vương và Shark Nguyễn Ngọc Thủy với 260.000 USD đổi lấy 15% cổ phần, kèm điều kiện được rót thêm 260.000 USD ở vòng gọi vốn sau với giảm thấp hơn 25% giá chốt với nhà đầu tư mới.

Đối tác của bạn là bò tót, kẻ nhút nhát hay lão hà tiện? Biết rõ những kiểu người này, dù có đàm phán ở Shark Tank thì cũng dễ xử trí hơn nhiều

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

CEO vừa gọi được 6 tỷ từ Shark Tank: “Em có thể sống cực khổ, sẵn sàng bán nhà bán cửa, nhưng em không bao giờ để cho anh em của em thiếu tiền”
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here