Startup sẽ được hỗ trợ đến khi thành công
Ông Meir Dardashti, chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ Vườn ươm Ideality Roads (Israel) đã nhắc tới một vòng tuần hoàn trong hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo của Israel. Theo đó, ngay khi chỉ là một ý tưởng, chính phủ đã có chương trình hỗ trợ, khuyến khích để biến những ý tưởng đó thành sản phẩm cụ thể.
Sau giai đoạn đầu tiên, chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ công ty phát triển thị trường. Số tiền thu về từ việc bán lại công ty hoặc khi công ty đó quyết định niêm yết trên thị trường chứng khoán được đưa trở lại hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, Chính phủ và các chương trình nghiên cứu, phát triển liên tục đầu tư vào hệ sinh thái, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn. 85% nguồn vốn hỗ trợ do Chính phủ tài trợ, các vườn ươm sẽ đóng góp 15%.
“Nếu thành công, công ty sẽ phải trả lại khoản tài trợ của Chính phủ. Còn nếu không thành công, họ không phải trả lại tiền mà còn được hỗ trợ để thành lập công ty mới, để họ thử lại lần nữa. Miễn là công ty đó hoạt động liêm chính, có đạo đức, họ luôn luôn có cơ hội thử lại và được hỗ trợ đến khi thành công. Đây là tác động mà chương trình vườn ươm đã tạo ra” – ông Meir Dardashti nói.
Mobileye, một công ty công nghệ Israel, đã được Tập đoàn Intel mua lại với mức giá kỷ lục 15,3 tỷ USD.
Tại Israel, 60% người thành công từ các vườn ươm đã trở lại đầu tư cho các startup. Sự đầu tư này đã giúp tạo nên 1932 công ty với hơn 5 tỷ USD được huy động. Khu vực tư nhân cũng đóng góp nguồn vốn lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Kết quả nghiên cứu của các viện, trường đại học được chuyển giao cho các công ty để thương mại hóa. Số tiền thu về lại được tái đầu tư cho các trường đại học, nhà nghiên cứu, phòng thí nghiệm,… Nhờ đó, các trường đại học, viện nghiên cứu có nguồn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu của họ mà không cần xin tài trợ từ Chính phủ.
“Như vậy, nhờ có tri thức, họ tạo ra công ty, và từ số tiền thu thập được họ có thể đầu tư trở lại và tạo ra những tri thức mới” – ông Meir Dardashti đánh giá.
Theo ông Meir Dardashti, startup Israel luôn hướng tới thị trường quốc tế. Bởi vì, 9 triệu người dân trong nước không đủ cho những công ty lớn hoạt động. Startup, trường đại học, hệ sinh thái khởi nghiệp luôn được thúc đẩy để hướng đến thị trường thế giới.
“Nếu công ty ấy không có chiến lược tầm nhìn để hướng ra thị trường thế giới thì sẽ rất khó để họ có thể mở rộng trong thời gian sau đó. Tức là, ngay từ đầu phải có định hướng, tầm nhìn hướng ra thị trường thế giới” – ông Meir Dardashti khẳng định.
Văn hóa cũng đóng góp trong thành công
Chuyên gia Israel cho rằng, nhiều thành công có được cũng nhờ nền văn hóa của quốc gia, dân tộc. Người Israel coi thất bại là tài sản, một khoản đầu tư, hay bài học kinh nghiệm để có thể đạt được thành công trong tương lai. Thay vì trách móc, người khác sẽ luôn đưa ra những câu hỏi như: Tại sao bạn thất bại?; Đâu là bài học kinh nghiệm bạn có thể rút ra?
Nhờ văn hóa này, 9 triệu người Israel đã tạo nên một đất nước giàu có với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 327 tỷ USD giữa sa mạc hầu như không có tài nguyên thiên nhiên. Năm 1984, cam và sản phẩm dệt may là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Israel. Nhưng ngày nay, Israel là nơi đặt trung tâm nghiên cứu của trên 300 công ty hàng đầu thế giới, trở thành nơi xuất khẩu tri thức, công nghệ cao.
Cam và dệt may từng là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Israel, trước khi nước này trở thành nơi đặt trung tậm nghiên cứu của trên 300 công ty hàng đầu thế giới.
Nghiên cứu của Israel chỉ ra rằng, cứ 1% tăng trưởng GDP được sử dụng cho nghiên cứu và phát triển, sẽ tạo ra 4,1% giá trị khác. Hiện tại, Israel là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về hoạt động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Đây được coi là yếu tố cốt lõi của một nền kinh tế tri thức.
“Tôi thấy Việt Nam đang sử dụng nhiều tài nguyên, vật liệu thô. Nguyên tài nguyên càng ngày càng cạn kiệt đi. Nếu sử dụng tri thức và chia sẻ tri thức trong phát triển kinh tế, kết quả đạt được sẽ ngày càng nhân lên chứ không giảm đi” – ông Meir Dardashti nói.
Ông Meir Dardashti cho rằng, quá trình phát triển của một nước đôi khi cần bước tiến lớn, không có nghĩa là vội vàng sao chép mô hình của nước khác. Chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ Israel chỉ ra điểm cần lưu ý đối với Việt Nam: Thứ nhất, hệ sinh thái không tự nhiên có được, mà cần sự tiên phong đi đầu của Chính phủ cũng như sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực tự nhân; Thứ hai, hệ sinh thái cũng không thể tồn tại mãi, mà cần tiếp tục có sự hỗ trợ.
“Chúng ta cần một hệ sinh thái, cần phải có đầy đủ mọi yếu tố thì doanh nghiệp khởi nghiệp mới có thể thành công được. Việt Nam cũng cần xây dựng hệ sinh thái tương tự trong thời gian ngắn để doanh nghiệp khởi nghiệp có sự hỗ trợ. Chúng ta cần tạo ra văn hóa: Hãy cứ thử nghiệm, hãy cứ thất bại, chúng ta có thể thành công” – ông Meir Dardashti chia sẻ.
Vương Diệu Quân
Theo Trí thức trẻ