Spikeball còn làm khách hàng bất ngờ khi cung cấp phụ kiện miễn phí trọn đời. Xuất hiện từ trường tiểu học cho đến đại học, “món đồ chơi” này đang làm cả nước Mỹ phát cuồng, tự tin mang về hơn 13 triệu USD mỗi năm.
Chặng đường khởi nghiệp “ngập ngừng”
Spikeball xuất hiện trên thị trường từ những năm 1980s nhưng cũng sớm rơi vào quên lãng. Mãi đến năm 2004, Chris Ruder mới tìm ra được món đồ chơi này trong một chuyến du lịch với nhóm bạn.
Khi nhóm của Chris chơi thử tại bãi biển, rất nhiều khách du lịch đã ghé lại hỏi thăm và bày tỏ mong muốn mua sản phẩm, họ liền nảy ra ý định khởi nghiệp: Hồi sinh Spikeball. Nhưng vì không ai từng có kinh nghiệm khởi nghiệp nên ý tưởng bị gác qua một bên khi kỳ nghỉ kết thúc.
Để thỏa trí tò mò, Chris liên hệ một văn phòng luật sư để hỏi về “bản quyền” của Spikeball, may mắn thay, công ty từng sản xuất Spikeball chưa bao giờ đăng ký bản quyền và thương hiệu cho sản phẩm này.
Cảm nhận được thời cơ trước mắt, cả nhóm quyết định dồn hơn 100.000 USD tiền tiết kiệm để thành lập công ty. Nhưng một lần nữa họ lại “chùn chân”, quyết định làm việc từ xa 2 lần một tuần vì không ai muốn từ bỏ công việc hiện tại.
Sau vài lần “họp từ xa”, cả nhóm nhận ra rằng mình sẽ chẳng làm được gì nếu cứ tiếp tục khởi nghiệp “nửa vời”, khi người này không tham gia họp, người kia lại chẳng hoàn thành phần việc được giao.
Cả nhóm bầu chọn Chris là CEO cho công ty mới và lui về với vị trí cổ đông. Đến tháng 6 năm 2008, trang web Spikeball.com chính thức ra mắt, và ngay tháng đầu tiên, công ty non trẻ này đã đem về được 3.900 USD.
Nhưng đó chỉ là số đơn hàng “tình cảm” mà người thân và bạn bè ủng hộ Spikeball, Chris chật vật tìm cách cải thiện doanh thu hơn 2 năm trời mới bắt đầu chạm lại được mức “kỷ lục” đầu tiên.
Để hiểu hơn về sản phẩm, Chris kêu gọi nhóm đầu tư tập hợp chơi Spikeball mỗi cuối ngày làm việc, nhưng nhóm này cũng dần tan rã vì không còn thấy thích thú.
Số vốn ban đầu ngày càng thâm hụt, doanh thu không có dấu hiệu cải thiện, động lực của nhà đầu tư gần như “chạm đáy”… Spikeball tiến gần đến vực phá sản.
Không còn gì để mất, mỗi khi có đơn hàng mới, Chris lại chủ động liên hệ và tìm hiểu thêm về vị khách mới. Sau một thời gian, CEO của Spikeball nhận ra những nhóm khách hàng tiềm năng của mình: Vận động viên Frisbee, Giáo viên thể dục và các đội nhóm thiếu niên.
Chris nhanh chóng tìm hiểu và liên hệ qua Twitter và Facebook rồi gửi nhiều bộ Spikeball miễn phí cho phân khúc tiềm năng này, đổi lại là hình ảnh và cảm nghĩ của họ.
Trong tuyệt vọng, Spikeball đã vô tình sử dụng chiến thuật marketing thông qua người ảnh hưởng trước khi khái niệm này được ra đời, vào đầu những năm 2010, Spikeball dần xuất hiện và trở thành một sản phẩm quen thuộc.
Phục vụ trọn đời
Nhưng điều làm các chuyên gia phân tích ngạc nhiên là tỷ lệ “khách hàng trung thành” rất cao của Spikeball. Dù không công bố rộng rãi, nhưng chỉ cần khách hàng liên hệ, Spikeball sẽ sẵn sàng cung cấp phụ kiện bị hỏng miễn phí.
Một nhân viên chăm sóc khách hàng cho hay: “Chúng tôi sẽ cung cấp phụ kiện hư hỏng miễn phí trọn đời. Đa phần khách hàng sẽ gọi điện tới công ty để hỏi cách mua phụ kiện, chung tôi ngay lập tức khẳng định rằng Spikeball không bán phụ kiện, mà gửi tặng khách hàng hoàn toàn miễn phí.
Cảm thấy niềm vui trong giọng khách hàng là động lực của tôi. Spikeball thậm chí không cần tra hỏi gì nhiều và trả luôn phí vận chuyển đến tận nhà khách hàng. Phụ kiện chiếm phần lớn chi phí marketing của tập đoàn.”
Không những thế, Spikeball còn liên tục “hứa hẹn” với khách hàng rằng món đồ chơi này sẽ trở thành một môn thể thao tranh tài trong Olympics. Nghe có vẻ thật điên rồ, nhưng mục tiêu “xa vời” trên đã trở thành động lực của hàng loạt CLB Spikeball chuyên nghiệp, tránh khỏi tình trạng chán nản như những ngày đầu thành lập.
Thử thách và thành công
Vào năm 2013, khi Spikeball đạt mốc doanh thu 1 triệu USD/ năm, Chris quyết tâm nghỉ việc để tập trung toàn bộ thời gian cho khởi nghiệp, Spikeball một lần nữa đối mặt với phá sản khi khu cảng mà công ty thường nhập hàng đã xảy ra một cuộc đình công lớn. “Chúng tôi nhanh chóng cháy hàng và không thể hoàn tất những đơn được đặt từ trước”, Chris cho hay.
Nhưng với kinh nghiệm “hành động trong tuyệt vọng” của mình, Chris đã một lần nữa cầm điện thoại lên để… xin lỗi khách hàng. Giải thích về sự số, sẵn sàng giảm giá thêm cho khách và mong họ thông cảm… Spikeball dần vượt qua được sự cố có khả năng “kết liễu” chính mình.
“Học hỏi từ sai lầm và giảm thiểu rủi ro”, Chris chia sẻ về sự cố một cách lạc quan. Sau đợt khủng hoảng trên, Spikeball giờ đây đã chia đơn hàng ra nhiều cảng khác nhau để tránh “thảm họa” một lần nữa, dù chi phí có cao hơn, nhưng mức độ hài lòng của khách hàng là mục tiêu hàng đầu của thương hiệu này.
Hai năm sau đó, Spikeball xuất hiện trên Shark Tank và nhận được cái bắt tay trị giá 500.000 USD của nhà đầu tư Daymond John.
Tưởng chừng như đây là một kết thúc “có hậu” cho món đồ chơi từng bị quên lãng, nhưng ít người biết rằng thương vụ trên đã bị hủy nhiều tháng trước khi xuất hiện trên truyền hình.
Nhưng với gần 7 triệu người theo dõi vào lúc đó, Spikeball một lần nữa vượt qua trở ngại để đem về hơn 13 triệu USD doanh thu trong năm 2016, đặc biệt là khi cả công ty chỉ có 19 nhân viên vào thời điểm đó.
Kết quả
Kể từ khi thành lập vào năm 2008, doanh thu của Spikeball liên tục lập mốc mới, nhiều giai đoạn tăng trưởng đến 2.700% mỗi năm.
Không muốn rơi vào quên lãng một lần nữa như những năm 1980s, Spikeball chủ động xuất hiện trong môi trường học đường và kéo dài cho đến giai đoạn trưởng thành:
– Spikeball trở thành môn thể thao bắt buộc đối với hơn 3.000 trường tiểu học và cấp 2 nhằm khuyến khích học sinh vận động.
– “Roundnet” trở thành một CLB Spikeball chuyên nghiệp với hơn 150 “chi nhánh” tại nhiều trường Đại học khác nhau.
“Chúng tôi muốn khách hàng làm quen với Spikeball khi còn là học sinh, sau đó cho họ cơ hội để tham gia thi đấu khi trở thành sinh viên, và còn hơn thế nữa”, Chris cho hay.
Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ