Nắm bắt nhu cầu tự trồng rau sạch, cây cảnh của nhiều hộ gia đình đang tăng lên tại các đô thị nhưng diện tích nhà, căn hộ nhỏ hẹp không cho phép hay hiệu quả canh tác chưa cao, giảng viên Nguyễn Văn Quy và các sinh viên đến từ Đại học Nông Lâm Huế đã cho ra đời mô hình “vườn treo”, tiết kiệm diện tích và có thể đem lại lượng rau sạch đủ cung cấp cho cả hộ gia đình.
Thiết kế hệ thống “vườn treo” có thể áp dụng trên diện tích hẹp, sử dụng hệ thống tưới tự động nên tốn ít công chăm sóc mà vẫn đem lại năng suất cao. Đó là ưu điểm vượt trội so với các hệ thống trồng rau sạch trên thị trường hiện nay.
Mô hình vườn treo hoạt động theo phương pháp thủy canh hồi lưu nên không tốn nhiều nước và dinh dưỡng. Đặc biệt, bằng việc kết nối với đồng hồ hẹn giờ, người trồng có thể đặt lịch tưới nước và chất dinh dưỡng tự động hàng ngày, nên không tốn thời gian chăm sóc, rất phù hợp với những người bận rộn.
Diện tích tối thiểu cho hệ thống vườn treo có thể hoạt động chỉ khoảng 1,4m2. Tuy diện tích nhỏ, nhưng do được thiết kế theo dạng vườn treo, nên có thể trồng 560 gốc rau. Chỉ cần hai hệ thống này có thể đảm bảo nguồn rau sạch cho hộ gia đình quanh năm.
Mục tiêu lớn nhất mà dự án của thầy trò ĐH Nông Lâm Huế hướng đến là xây dựng hệ thống thủy canh thuần việt, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Theo tính toán ban đầu, hệ thống vườn treo này có giá khoảng 3,5 triệu đồng, bao gồm cả công lắp đặt, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Mức giá này tiết kiệm hơn nhiều so với nhiều mô hình canh tác tại gia khác trong khi có thể sử dụng lâu dài, diện tích được tận dụng tối đa.
Mô hình “vườn treo” đã có nhiều năm được nghiên cứu, ra sản phẩm, hoàn thiện. Hiện tại, mô hình vườn treo đã được áp dụng tại một số hộ gia đình của Huế.
Với tính ưu việt của nó, dự án Vườn treo cũng đã xuất sắc lọt qua hơn 500 dự án khác để trở thành 6 dự án lọt vào chung kết cuộc thi Khởi nghiệp 2016 và giành được giải Ba chung cuộc.