Lập nghiệp thành công với nghề nuôi dê ăn lá táo

0
1357

Để cung cấp thức ăn cho đàn dê, hàng ngày ông Võ Văn Nhu đã tận dụng lá của cây táo. Ở chiều ngược lại, ông lấy phân dê bón vườn táo. Nhờ vậy, mỗi năm, ông Nhu tiết kiệm được 50% chi phí phân bón và táo bón phân dê cho trái to, đẹp, ăn ngọt, giòn…

Từ 3 công đất ruộng nuôi tôm không hiệu quả, ông Võ Văn Nhu (52 tuổi, ngụ xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) lên liếp trồng táo, rồi nuôi thêm dê. Mô hình của ông Nhu được Hội Nông dân xã Thạnh Yên đánh giá là mô hình hiệu quả, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Chúng tôi có mặt tại nhà đúng lúc ông Nhu đang thu hoạch táo. Cầm những trái táo căng tròn, ông Nhu mời chúng tôi và nói: “Táo sạch, có thể ăn ngay tại vườn vì chỉ bón phân hữu cơ, táo gần như không có bệnh gì nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Ông Nhu cho biết, táo đang đợt thu hoạch và sẽ kéo dài đến qua Tết Nguyên đán thì hết trái. Lúc đó ông sẽ cắt bỏ toàn bộ cành táo, chờ đến tháng 7 cành táo xum xuê trở lại và bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà vườn táo nhà ông Nhu 6 năm nay luôn đạt năng suất cao, trái táo to, đẹp, giòn và có vị ngọt thanh.

Ông Nhu thu hoạch táo trong vườn. Ảnh: NQ.

Với giá táo bán tại vườn 20.000 đồng/kg như hiện nay, bình quân mỗi năm ông Nhu thu về 20 triệu đồng từ 70 gốc táo của gia đình. Cũng có năm ông Nhu lãi 50 triệu đồng từ vườn táo nhờ giá bán táo trên thị trường tăng mạnh.

Ngoài trồng táo hiệu quả, ông Nhu còn tận dụng chuồng heo bỏ trống của gia đình, rào thêm cây xung quanh chuồng rồi mua dê về nuôi thử. Từ 4 con dê giống ban đầu, chỉ trong vòng 3 năm, ông Nhu đã gầy được đàn dê 38 con. Cách nay 2 tháng, ông đã xuất bán đợt dê thịt thu về hơn 10 triệu đồng. Hiện trong chuồng ông Nhu còn 18 con dê lớn, nhỏ.

Ông Nhu cho rằng nuôi dê không khó nhưng cần có những bí quyết riêng. Ảnh: NQ.

Theo ông Nhu, mỗi năm dê đẻ 2 đợt, mỗi đợt từ 1-3 con. Dê con được 3 tháng tuổi sẽ được tách bầy để dê mẹ mau hồi phục sức khỏe. Dê nuôi được 8 tháng đạt trọng lượng 15kg/con là có thể bán dê thịt. Hiện giá dê hơi các quán ăn tại huyện mua với giá 100 ngàn đồng/kg.

Để cung cấp thức ăn, ông Nhu đã tận dụng lá của cây táo cho đàn dê ăn hàng ngày và lấy phân dê bón cây cho táo. Nhờ vậy, mỗi năm, ông Nhu tiết kiệm được 50% chi phí phân bón.

Hết lá táo thì mỗi ngày tôi dành 2 giờ đi cắt 3 bó cỏ là đủ cho 18 con dê ăn cả ngày. Nuôi dê không khó, cần lưu ý treo chai muối trong chuồng để dê liếm ngừa bệnh đường ruột. Nếu dê bị tiêu chảy thì cắt cỏ đồng tiền, đọt chuối cho ăn sẽ mau khỏi mà không cần dùng thuốc men gì cả. Chi phí đầu tư nuôi dê chỉ cần vốn mua dê giống từ 3-5 triệu đồng/cặp, nông dân siêng cắt cỏ cho dê ăn, từ đó trở đi hầu như không tốn thêm chi phí” – ông Nhu chia sẻ.

Để tiết kiệm chi phí, ông Nhu lấy lá táo cho dê ăn, đồng thời lấy phân dê bón cho cây táo. Ảnh: NQ.

Thấy mô hình nuôi dê của ông Nhu đạt hiệu quả, nhiều bà con trong ấp đã đến tìm hiểu và áp dụng. Ngoài việc tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê đối với hộ khó khăn, ông Nhu còn bán dê giống trả chậm, giúp nhiều hộ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Theo ông Võ Văn Khanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Yên, từ mô hình của ông Nhu, hiện ấp có 15 hộ nuôi dê, đa số là hộ nghèo, cận nghèo. Những hộ này được UBND xã hỗ trợ kinh phí mua con giống. Từ 1 cặp dê ban đầu, giờ các hộ đã nhân lên được 5-7 con.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Thạnh Yên sẽ tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã để tiếp tục vận động hộ nghèo, hộ đất ít chuyển sang nuôi dê vì chi phí đầu tư thấp, dễ áp dụng, đồng thời vận động người dân cải tạo vườn tạp để trồng thêm các loại cây ăn trái theo nhu cầu thị trường.

Tựa bài do enternews đặt

Lập nghiệp thành công với nghề nuôi dê ăn lá táo
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here