Đây là lần đầu tiên bà Lê Diệp Kiều Trang – nhà sáng lập của quỹ đầu tư Alabaster tham gia hội đồng giám khảo chương trình bình chọn Startup Việt. Nữ doanh nhân này sẽ trực tiếp chấm giải và chia sẻ kinh nghiệm tại Gala Startup Việt 2020 hôm 2/12 tại InterContinental, quận 1, TP HCM.
Độc giả đăng ký tham dự tại đây.
Kiều Trang là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam với những thành tựu đáng nể và truyền cảm hứng, những kinh nghiệm và tâm huyết dành cho sự phát triển của khởi nghiệp Việt Nam. Sau khi tiếp xúc Top 15 Startup Việt 2020, bà dành nhiều lời khen cùng những góp ý cho các doanh nghiệp trẻ.
– Điều gì khiến bà ấn tượng nhất với Top 15 Startup Việt 2020?
– Tôi rất thích những startup có hàm lượng công nghệ cao, nghiêm túc trong việc ứng dụng công nghệ để mang đến sáng kiến mới, sản phẩm mới. Chất lượng của các startup trong chương trình lần này rất cao. Ở một số cuộc thi khác, các bạn chủ yếu tập trung vào các nền tảng số, nhưng ở Startup Việt thì rất cân bằng giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ, kể cả lĩnh vực cũng rất đa dạng.
– Bên cạnh đó có điều gì startup cần nhìn nhận lại?
– Có rất nhiều mô hình xoay quanh ứng dụng, các bạn rất hào hứng với tính năng kết nối của ứng dụng. Tuy nhiên các bạn chưa thực sự thấu hiểu về mô hình kinh doanh của nó. Các bạn cứ nghĩ là tạo ra một ứng dụng là tự nhiên nó có khả năng “hấp tinh đại pháp” tức thu hút và kết nối tất cả mọi người vào sử dụng. Tôi cho rằng đây là một ảo tưởng. Các bạn sẽ tốn tiền làm ứng dụng rồi mới nhận ra để thu hút người dùng không dễ dàng.
Tôi khuyến khích các bạn tìm hiểu nghiêm túc hơn, một ứng dụng không giải quyết vấn đề, mà là làm sao ứng dụng đó thu hút được người dùng thì mới thực sự có tác động.
Thứ hai, có một nhóm startup mang ý tưởng kinh doanh truyền thống và bây giờ các bạn nâng cấp mô hình đó lên rồi lầm tưởng nó là một mô hình kinh doanh mới. Tôi cho rằng đây chỉ dừng lại ở việc sáng tạo thêm một chút từ mô hình kinh doanh truyền thống chứ chưa đưa ra được một mô hình đột phá. Đặc biệt những startup đã tạo ra sản phẩm thì dễ lầm tưởng mình đã đến đích rồi nhưng thực ra là chưa. Qua thời gian tôi mong các bạn sẽ hiểu hơn để đỡ tốn thời gian. Những cải thiện trong mô hình kinh doanh truyền thống thì chưa đủ xuất sắc để nhận đầu tư.
– Bà sẽ chọn startup như thế nào vào Top 5?
– Trước hết tôi chọn tính đột phá trong sản phẩm. Kế đến là tầm ảnh hưởng của sản phẩm đối với cộng đồng dài lâu như thế nào, thay đổi được gì trong cuộc sống. Kinh nghiệm của tôi, bên cạnh lợi nhuận kinh tế, những sản phẩm có tác động xã hội, cộng đồng, thì thường được đón nhận dễ dàng hơn, bền vững hơn. Đây cũng là hướng đầu tư mà tôi lựa chọn nói chung ở hoạt động của Alabaster. Những sản phẩm có lợi ích trước mắt dĩ nhiên có thế mạnh, nhưng vừa có lợi ích về tài chính, vừa có tác động về mặt xã hội thì thường tạo được “hiệu ứng mạng” tức sự lan tỏa, tạo ra lợi nhuận còn nhiều hơn so với những gì mình đo đếm được.
– Startup Việt có nhất thiết chú trọng đến thị trường Việt Nam hay không?
– Nếu các bạn chưa chứng minh được mô hình có thể sống được ở Việt Nam thì tôi không tin có thể sống được ở thế giới. Dù thành công ở Việt Nam rồi cũng chưa chắc chinh phục được thị trường nước ngoài. Hầu hết các sản phẩm có khả thi về tài chính và có sự lan tỏa thì khả năng vươn ra thế giới rất cao. Tuy nhiên còn phụ thuộc các nhà sáng lập có khả năng tăng quy mô hay không. Nếu các bạn được cố vấn, dẫn dắt, đồng hành… thì có thể ngày hôm nay chưa có năng lực nhưng khi các bạn nhận đầu tư, có hướng dẫn thì các bạn cũng từ từ làm được.
Bà Lê Diệp Kiều Trang (trái) trao đổi với startup thuộc Top 15 Startup Việt 2020. Ảnh: Hữu Khoa. |
– Bà xem xét yếu tố tác động của Covid-19 lên các startup như thế nào?
– Trong số các ý tưởng thuộc Top 15 tôi chia ra một số nhóm như sau: Những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hầu như không ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhóm thứ hai là nhóm kết nối cộng đồng thì không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà sẽ còn nhận được lợi thế trong thời gian đại dịch vì hạn chế giao dịch, tiếp xúc offline sẽ đẩy mạnh tiếp xúc online. Các bạn tận dụng được lợi thế đó.
Nhóm thứ ba, các bạn tập trung thị trường offline và không có sự chuẩn bị, khá bị động trước thời cuộc và không thấy được rằng mình có thể xoay chuyển thế cờ này bằng thế giới online. Khi offline bị đóng lại thì online được mở ra, nó không chỉ mở cho thị trường Việt Nam mà còn cho thị trường toàn cầu. Lúc đó các bên cung cấp dịch vụ rất bình đẳng, ăn thua là có mạnh trên môi trường online hay không.
Ví dụ trong thế giới online, mình có thể “liệu cơm gắp mắm”, hoạt động nào làm ra tiền được thì mình chi, đến đâu hay đến đó, nếu không ra tiền thì mình dừng lại, tìm cách khác. Trong khi đó thế giới offline buộc chúng ta trả một khoản tiền lớn ban đầu, ví dụ cho quảng cáo tiếp thị, mới biết thắng hay thua.
Các bạn cần mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, khi đang trong offline, các bạn có thể ngại không dám tiến tới. Nhưng Covid-19 là một hoàn cảnh đưa đẩy, buộc các bạn phải go online. Do đó các bạn đừng sợ và đừng ngại khó. Đây là cơ hội để học hỏi, thậm chí có lợi thế lớn hơn.
Khánh Anh
Bà Lê Diệp Kiều Trang sẽ tham gia hội đồng giám khảo và chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” khi khởi nghiệp cũng như những ý tưởng giúp startup biến nguy thành cơ sau Covid-19, tại Gala Startup Việt 2020 diễn ra vào ngày 2/12 tại InterContinental, quận 1, TP HCM. Độc giả đăng ký tham dự Gala Startup Việt 2020 tại đây.