Sáng 7/11, 15 đội xuất sắc của Startup Việt 2018 bước vào vòng thuyết trình trước ban giám khảo tại Hà Nội và TP HCM. Đây đều là các startup được hội đồng chuyên môn đánh giá cao về ý tưởng, năng lực vận hành, tiềm năng phát triển cũng như mức độ công nghệ ứng dụng vào mô hình kinh doanh.
Thành phần ban giam khảo gồm ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT và ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch công ty tư vấn GIBC.
Startup TopCV đang thuyết trình về dự án trước hội đồng chuyên môn. |
Trong vòng 3 phút mỗi đội, đại diện 15 startup lần lượt trình bày trước hội đồng giám khảo về dự án, với những điểm nổi bật nhất về sản phẩm, giải pháp, tình hình kinh doanh và kế hoạch tương lai… Nhiều ý tưởng được đánh giá là độc đáo, tiên phong trên thị trường. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT có mặt trong hội đồng giám khảo thậm chí phải thốt lên: ”Concept hoạt động của các bạn quá xuất sắc”.
15 startup trong vòng này đến từ khắp nơi trên cả nước, hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như vận tải, bất động sản, giáo dục, nông nghiệp…Các dự án hướng tới nhiều vấn đề thời sự như giải cứu nông sản, bảo mật và an ninh mạng cho thấy hướng tiếp cận sát với hơi thở thực tiễn của các startup năm nay. Tiêu biểu như Cystack – giải pháp bảo mật cho website doanh nghiệp SMEs hay Chatbot – trợ lý ảo bán hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận được đánh giá cao. Nhiều ý tưởng cũng được hội đồng chuyên môn nhận định là mới mẻ và mang tính toàn cầu như mô hình kết nối du học sinh Ella Study, hệ thống tìm kiếm cơ sở lưu trú Manmo…
Bên cạnh đó, công nghệ cao ứng dụng vào mô hình kinh doanh cũng là điểm nhấn được các startup thể hiện trong bài thuyết trình. Ông Phạm Hồng Quất, đại diện ban giám khảo đánh giá cao tính công nghệ trong các đội năm nay. Ông cho biết: ”Không chỉ ứng dụng công nghệ 4.0, các startup đã tích hợp để tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh. Mặc dù nhiều dự án đã có sẵn những đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nhưng các bạn vẫn tìm được hướng đi riêng và khác biệt”.
Sau phần thuyết trình, phần phản biện từ hội đồng chuyên môn tập trung khai thác vào điểm khác biệt của sản phẩm trên thị trường, tính sáng tạo, đột phá và đặc biệt là công nghệ ứng dụng. Không bị làm khó bởi các câu hỏi, các startup được nhận định đã có quá trình nghiên cứu kỹ thị trường, thấu hiểu mô hình kinh doanh và hoạch định kế hoạch rõ ràng trong tương lai.
Ông Trương Gia Bình nhận xét về phần thuyết trình của các đội. |
Ngoài việc đặt câu hỏi, hội đồng chuyên môn còn đưa ra góp ý, đặt ra các tình huống cụ thể để startup thể hiện khả năng xử lý, đưa ra giải pháp. Nhiều đội tỏ ra khá thoải mái khi trao đổi cùng hội đồng chuyên môn, nhất là khi đề cập đến vấn đề phổ biến là sản phẩm của startup có điểm gì khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhắc đến sự khác nhau giữa khởi nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp bình thường khi trao đổi cùng Lavite. Đại diện công ty cho rằng đông trùng hạ thảo hiện là một sản phẩm khác phổ biến nhưng sáng tạo ở điểm kết hợp với collagen, khử mùi tanh tự nhiên của đông trùng hạ thảo, tạo ra sản phẩm thơm ngon và được khách hàng đánh giá là dễ uống, là chai uống tiện dụng có thể mang theo bất cứ đâu. Trong khi đó, ông Phạm Phú Ngọc Trai đánh giá dự án mang tính lập nghiệp hơn là khởi nghiệp.
Với trò chơi tương tác trực tuyến Jingo, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng việc thu hút người chơi đã khó chứ chưa tính đến chuyện thương mại hóa. Nhà sáng lập Trần Bá Duy Linh lý giải anh cùng cộng sự muốn xây dựng nội dung thu hút, từ đó người chơi sẵn sàng đón nhận trả phí. Ông Phạm Bảo Long – đại diện VIISA cho biết đã tư vấn cho Jingo thực thi chiến lược vừa phát triển ở thị trường Việt Nam vừa nhượng quyền mô hình ra châu Âu, châu Phi, Trung Đông vì đã có sẵn công nghệ.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch công ty tư vấn GIBC, trao đổi cùng các startup. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Nhận xét về dự án Bất động sản sạch, ông Phạm Phú Ngọc Trai đặt vấn đề việc startup có thẩm quyền hay không khi tự đứng ra đánh giá tính pháp lý của các sản phẩm địa ốc. Đại diện startup giải thích bộ chứng nhận chỉ là dấu hiệu giúp người mua nhận biết được rằng bất động sản này có an toàn hay không. “Nếu có chứng nhận thì luật sư sẽ theo dõi cùng và một khi có tranh chấp thì luật sư sẽ bảo vệ rủi ro cho khách hàng”, đại diện chia sẻ.
Bà Lưu Thị San đến từ quỹ đầu tư Innovatube đánh giá cao các giải pháp công nghệ cũng như tư duy quản trị của đội ngũ startup. Đồng thời, đại diện quỹ đầu tư cho biết rất ấn tượng và đã có sẵn tên các startup muốn đầu tư sau chương trình.
”Cuộc thi đã cho thấy khát vọng Việt từ những thanh niên trẻ tuổi, có nhiệt huyết và khát vọng vươn ra quốc tế. Đây sẽ là bệ phóng nâng bước cho sự thành công của các bạn”, ông Trương Gia Bình chia sẻ sau sự kiện.
Số điểm bình từ vòng chọn từ vòng thuyết trình và một phần nhỏ từ vòng bình chọn từ ngày 15/10 đến 5/11 sẽ là cơ sở để ban giám khảo chọn ra Top 5 startup vào vòng chung kết. Gala diễn ra vào 15/11 tại Gem Center, quận 1, TP HCM.
Chương trình Startup Việt là sự kiện bình chọn khởi nghiệp thường niên do báo VnExpress tổ chức nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế – xã hội.
Hội đồng giám khảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), ông Phạm Văn Tam – sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo và ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học – công nghệ Việt Nam.
Phạm Vân – Trương Sanh
Video:Vũ Thịnh