Byju là một trong những nhà phát triển ứng dụng giáo dục hàng đầu Ấn Độ được rót vốn đầu tư từ Mark Zuckerberg vào năm 2016. Ông chủ Facebook đầu tư thông qua quỹ Chan Zuckerberg Initiative do vợ quản lý. Startup đang chuẩn bị kế hoạch lấn sân sang thị trường quốc tế, bắt đầu từ thương vụ mua lại một công ty khởi nghiệp khác.
Theo đó, Byju bỏ ra 120 triệu đô nhằm thâu tóm Osmo, startup có trụ sở tại Mỹ chuyên sản xuất các trò chơi giáo dục cho trẻ nhỏ. Sau khi thương vụ hoàn tất, Osmo sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm riêng, gồm cả hình thức ngoại tuyến và trực tuyến. Đồng thời, Osmo cũng giúp Byju mở rộng các loại hình video và trò chơi học tập trực tuyến hướng tới đối tượng trẻ nhỏ, hoạt động tại Mỹ và các quốc gia khác.
Ứng dụng Byju. |
Bước tiến của Byju ra thị trường quốc tế diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ giáo dục phần lớn còn hoạt động lẻ tẻ, mang tính địa phương, đang “khát” các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Theo số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu EdSurge, các startup ở Mỹ trong lĩnh vực này đã huy động được gần 1,5 tỷ đô la từ các nhà đầu tư vào năm ngoái, tăng 20% so với năm 2017.
Raveendran từng là giáo viên. Anh thành lập Byju vào năm 2011. Lần đầu tiên anh biết tới startup Osmo là khi thấy con trai năm tuổi chơi một số trò chơi của Osmo. Byju hiện có 30 triệu người dùng và 2 triệu tài khoản trả tiền, đã có rất nhiều trò chơi và video trực tuyến. Nhưng không dừng lại, startup muốn mở rộng thêm các hoạt động ngoại tuyến và hướng tới đối tượng trẻ em dưới chín tuổi.
“Khi nghiên cứu thói quen học tập của các nhóm tuổi mới, chúng tôi nhận thấy các em vừa học theo phương thức online, vừa kết hợp với sách vở” , Raveendran chia sẻ. ” Osmo tích hợp cả hai hình thức giáo dục tương tác ngoại tuyến và trực tuyến này”.
Osmo được thành lập vào năm 2013 bởi cựu kỹ sư Google là Pramod Sharma và Jerome Scholler. Các sản phẩm trò chơi của startup tập trung vào các hoạt động giáo dục sớm cho trẻ nhỏ, gồm lĩnh vực toán học, lập trình và mỹ thuật, hiện đã có mặt tại hơn 25.000 trường học. Trong một trò chơi Osmo điển hình, một đứa trẻ có thể sắp xếp các hình khối gắn với chữ cái. Ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng có thể tự động ghi lại, khuyến khích, phản hồi hoặc đưa ra chỉ dẫn.
Các trò chơi từ Osmo dạy trẻ em tư duy lập trình, toán học, nghệ thuật. |
Với số vốn mới nhất huy động từ công ty đầu tư Naspers của Nam Phi là 540 triệu đô, Byju hiện được định giá 3,6 tỷ đô la, trở thành một trong những công ty khởi nghiệp Internet giá trị lớn nhất Ấn Độ. Trước đó, Byju được hậu thuẫn bởi người đứng đầu Facebook, General Atlantic, IFC, Lightspeed Ventures và gã khổng lồ Internet Trung Quốc là Tencent.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Raveendran cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô bằng cách mua thêm các startup, có thể là những công ty cung cấp các sản phẩm giáo dục miễn phí, sở hữu lượng lớn người dùng”.
Phạm Vân (Theo Fortune)