Bỏ học thạc sỹ Mỹ về nước khởi nghiệp… bán vé xe

0
1730

Bỏ ngang chương trình đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) ở Mỹ với học bổng trị giá 86.000 USD, Trần Nguyễn Lê Văn về nước … bán vé xe đò, sáng lập Vexere.com với 1,5 triệu lượt truy cập và đặt vé mỗi tháng.

Câu chuyện khởi nghiệp của Văn đã chứng minh rằng, nếu đam mê thực sự, sẽ có nhiều con đường để khởi nghiệp.

Vexere.com không phải dự án khởi nghiệp đầu tiên của Trần Nguyễn Lê Văn.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2008, Văn mượn 20 triệu đồng của gia đình để làm bánh đúc, với suy nghĩ đưa thương hiệu nổi tiếng bánh đúc Đồng Nai ra… thế giới chắc không khó. Nhiều người đã làm và đã thành công. Nhưng, cả 2 yếu tố quan trọng nhất là thị trường và khách hàng Văn đều chưa có, nên giấc mộng… chuỗi cửa hàng bánh đúc nhanh chóng vỡ tan…

Không dừng lại, Văn nhận làm đại lý cung cấp thịt cho các cửa hàng. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Văn đã kiếm được, lãi không nhỏ.

Nhưng, khi công việc kinh doanh đang thuận lợi, Văn nhận được học bổng toàn phần học MBA tại Mỹ. Anh dừng kinh doanh, đến với “giấc mơ Mỹ”.

Vào dịp Tết ở xứ người, Văn đọc báo và thấy cảnh hàng triệu người lao động và sinh viên Việt Nam mệt mỏi, vật vã, chen chúc xếp hàng mua vé về quê. Văn tự hỏi, tại sao ở Mỹ không có tình trạng này? Văn nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình đặt vé xe trực tuyến như ở Mỹ. Nói là làm, Văn tìm hiểu thị trường vận tải hành khách, nhu cầu hành khách, khó khăn của hệ thống giao thông vận tải trong nước.

Dù chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, nhưng chàng trai này quyết định trở về Việt Nam để có thể bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng mới. Quyết định này của Văn bị mẹ phản đối quyết liệt, dù rất khó khăn nhưng anh vẫn quyết định bỏ ngang. Văn nghĩ, ở lại Mỹ cũng không giải quyết được vấn đề gì, trong khi nếu cải tiến nhanh được các phương thức tổ chức, quản lý, điều hành trong ngành vận tải hành khách, Văn sẽ tạo ra lợi ích lớn cho cộng đồng.

Và ý tưởng của Văn thành hiện thực với website Vexere.com. Tuy nhiên Văn khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Tiền ít, kỹ năng chưa đủ, kiến thức công nghệ thông tin không nhiều… Nhưng bù lại, Văn có một sự đam mê mãnh liệt và một niềm tin vững chắc về điều mình đang làm.

Sau đó, Vexere.com có thêm 2 đồng sáng lập nữa là Đào Việt Thắng và Lương Ngọc Long. Thắng từng là quản trị viên tập sự của Ngân hàng ANZ, tốt nghiệp hạng ưu Cử nhân tài chính ở Mỹ, hiện đảm nhận vai trò quản lý tài chính, kinh doanh của hệ thống Vexere.com. Còn Long là bạn học với Văn ở Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, từng đoạt giải Olympic tin học cấp quốc gia năm 2005. Long phụ trách mảng công nghệ thông tin và sản phẩm của Vexere.com.

Cả hai đã từ chối nhiều lời chào mời với mức lương vài ngàn USD/tháng để hợp sức với Văn tạo nên một sản phẩm mà họ tin là sẽ mang lợi ích cộng đồng. Thế chân kiềng của Vexere.com thành hình và vững chắc hơn.

Trần Nguyễn Lê Văn
Trần Nguyễn Lê Văn

Tháng 7/2013, Vexere.com chính thức ra đời. Không có vốn, nhưng Vexere.com hiểu nhu cầu khách hàng. Kinh nghiệm chưa đủ, 3 nhà sáng lập lao vào việc, vừa thiết kế, xây dựng trang web, vừa thuyết phục các hãng xe hợp tác. Tuy nhiên, thực tế không như giả định trường lớp. Đề nghị hợp tác từ Vexere.com bị từ chối.

“Chủ nhà xe phần nhiều đi lên từ tài xế nên không dễ thay đổi thói quen. Họ thấy vẫn làm ăn được, vẫn có khách thì tại sao phải hợp tác với chúng tôi, tại sao phải đau đầu với công nghệ mới làm gì”, Văn kể lại.

Để có tiếng nói chung, Văn quyết định bám theo nhu cầu hiện tại của nhà xe trước khi đưa ra kế hoạch mới. Bắt đầu từ cung cấp phần mềm quản lý vé xe khách miễn phí cho 2 nhà xe. Kết quả, họ tiết kiệm 40% chi phí điện thoại, giảm thiểu sai sót so với quy trình thủ công và tăng doanh thu vé bán lên 10-20%. Thấy có lãi, chủ nhà xe đồng ý hợp tác với nhóm của Văn.

Và cũng chính chủ nhà xe này đã giới thiệu nhóm Văn với doanh nghiệp khác. Thế là Vexere.com được chấp nhận.

Nhưng, đó mới là ở phía nhà xe, về phía khách hàng còn rất nhiều khó khăn để thay đổi thói quen mua vé online thay vì mua vé truyền thống bởi họ đa số là người lao động có thu nhập trung bình, thấp, ít sử dụng Internet. Nếu không giải được bài toán này, vexere sẽ đi vào ngõ cụt.

Đứng trước khó khăn, Văn và 2 người đồng sáng lập đưa ra 2 lời giải. Một là, giá vé mua online tiện lợi, rẻ hơn hoặc bằng mua trực tiếp. Hai là, phải đưa hình thức mua vé này tới giới trẻ. Các cuộc thi về công nghệ được chọn để quảng bá Vexere.com.

May mắn, giới trẻ mê công nghệ tiếp cận hào hứng với hình thức mới và Vexere.com kiếm được tiền, không chỉ trực tiếp từ khách hàng mà còn từ các đại lý bán vé.

Tiếp nối thành công, Vexere.com gọi vốn thành công từ 2 quỹ đầu tư là CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và Pix Vine Capital (Singapore).

Không tiết lộ lượng vé bán hàng ngày, nhưng theo Văn, Vexere.com có hơn 20.000 đại lý, 2.000 nhà xe tham gia. Hệ thống này cho phép hành khách chọn giá vé, nhà xe, ghế ngồi, tuyến đường theo ý muốn với các hình thức thanh toán linh hoạt.

Tùy từng thời điểm và chính sách của hãng xe, hành khách có thể mua được vé xe rẻ hơn giá thực tế từ 10-50%. Còn Vexere.com nhận được chiết khấu 10%/vé.

Dự định sắp tới của Vexere.com là sẽ tiếp tục gọi vốn để thực hiện mục tiêu trong 2 năm nữa là sẽ bán cả vé xe lửa, vé máy bay và 3 năm nữa sẽ phát triển hệ thống ra khu vực Đông Nam Á…

Bỏ học thạc sỹ Mỹ về nước khởi nghiệp… bán vé xe
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here