Hiện, giá hỗ trợ các hộ dân có lợn bị tiêu hủy chỉ là 38.000 đồng một kg, giá này chưa sát với thị trường. Đặc biệt, với lợn nái, nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi trên thị trường ở các tỉnh, thành có dịch đều khoảng 40.000 – 53.000 đồng một kg.
Cơ quan chức năng diễn tập ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại Lào Cai cuối năm 2018. Ảnh: Bộ NN. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc giá hỗ trợ lợn bệnh không sát thị trường sẽ khiến người nông dân có thể giấu lợn bị dịch bệnh, khiến dịch tả lợn châu Phi khó kiểm soát vì dịch này chưa có vaccine điều trị.
Ngày 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo việc phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y nói tại Hưng Yên có 2 ổ dịch với hơn 130 con lợn. Tại Thái Bình, có một ổ dịch với 123 con lợn. Ngay sau khi phát hiện, toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy; chính quyền địa phương lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm thịt lợn, đồng thời khử trùng toàn bộ môi trường khu vực chăn nuôi, các chợ dân sinh.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh này hiện không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.
Thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn một triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2, có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Hồng Châu