Ở nông thôn có nhiều người chăn nuôi, nhiều trang trại được mở ra nên kinh doanh thức ăn chăn nuôi được rất nhiều người chọn lựa.
Tuy nhiên đây không phải là mô hình dễ làm và dễ thành công.
Dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị khi muốn kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Nghiên cứu thị trường, đầu ra sản phẩm
Trước khi kinh doanh bạn phải dành thời gian tìm hiểu về thị trường thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu thị trường địa phương mình cũng như liên kết, xác định đầu ra cho sản phẩm thật chu đáo.
Bạn cần phải xác định được mình sẽ cung cấp sản phẩm gì, của ai, đối tượng khách hàng và mặt hàng gì đang thiếu ở nơi bạn sinh sống, kinh doanh, người dân đang có nhu cầu về thức ăn chăn nuôi gì, nhãn hiệu nào được người dân tin dùng, đã có đại lý nào, cửa hàng nào gần đó kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay chưa…
Từ đó bạn sẽ tìm ra được mặt hàng mình sẽ buôn bán cũng như liên kết, lôi kéo chủ trang trại để tìm đầu ra cho sản phẩm, cung cấp thức ăn cho người chăn nuôi…
Các trang trại quy mô lớn, vài nghìn con lợn chẳng hạn, khi mới kinh doanh bạn sẽ rất khó vào được. Vì cỡ đó họ mua trực tiếp luôn thức ăn chăn nuôi cho rẻ mà đỡ chi phí vận chuyển. Trang trại bé vài chục con và người chăn nuôi nhỏ lẻ mới là khách chính của những ai mới bán mặt hàng này. Mà tầm đó họ thường không chuyên lắm về thú y, dinh dưỡng, nếu bạn tư vấn được cho họ thì họ mới yên tâm mua sản phẩm của mình.
Ngoài ra bạn cũng cần biết về thú y, hiểu về thức ăn, hiểu về động vật, gia súc gia cầm chăn nuôi để còn đi thăm vật nuôi của KH, biết họ làm ăn ra sao… Nhỡ dịch, bệnh, sau này không đòi được tiền làm thế nào?…
Bạn có thể học hỏi, đọc kiến thức từ mạng internet, báo chí, diễn đàn chăn nuôi, tham gia các lớp huấn luyện của các tổ chức khuyến nông địa phương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn… hoặc học của đơn vị phân phối thức ăn nông nghiệp để có kiến thức… Có kiến thức sẽ thuận lợi hơn trong việc bán hàng và tư vấn cho người dân, khi họ tin tưởng thì bạn sẽ kiếm được nhiều hơn.
Tìm nhà phân phối, làm đại lý
Khi xác định được thị trường, khách hàng thì sẽ là điều kiện thuận lợi để bạn có thể tìm kiếm một nhà cung cấp phù hợp và uy tín trong vô số những nhà cung cấp hiện nay.
Lựa chọn được một nhà cung cấp chất lượng thì bên cạnh có những sản phẩm chất lượng, bạn còn nhận được nhiều sự hỗ trợ cần thiết.
Hiện nay, các nhà sản xuất có nhiều chương trình để hỗ trợ người dân trở thành đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi như hỗ trợ vốn ban đầu, hỗ trợ băng rôn quảng cáo….
Tuy nhiên, bạn cần phải nghiên cứu kỹ trước khi bắt tay hợp tác vì có thể để nhận được những ưu đãi này bạn cần phải đạt được một số chỉ tiêu kinh doanh nhất định.
Nếu tính toán không chính xác nó vô tình lại trở thành gánh nặng khi mới bước vào kinh doanh.
Bên cạnh đó, kinh doanh thức ăn chăn nuôi để gia tăng thêm lợi thế cạnh tranh là phải đảm bảo được cửa hàng luôn có sẵn thức ăn và phong phú về chủng loại. Người kinh doanh phải là người am hiểu nhất sản phẩm mình bán ra thích hợp cho đối tượng vật nuôi nào nhất. Có như vậy mới giúp người chăn nuôi lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất để giúp tạo ra thành công cho họ.
Điều kiện bắt buộc về Pháp luật
Để kinh doanh được thuận lợi, ngoài việc tìm nhà cung cấp, chuẩn bị vốn, bạn phải làm đủ các điều kiện kinh doanh theo Pháp luật.
Để có thể một cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi, người kinh doanh phải có giấy đăng ký kinh doanh thức ăn chăn nuôi do cơ quan có thẩm quyền cấp; có cửa hàng, địa điểm kinh doanh cụ thể; có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ kinh doanh rõ ràng; có công cụ, thiết bị, phương tiện để chứa đựng, lưu giữ hoặc vận chuyển phù hợp với từng loại sản phẩm hàng hoá thức ăn chăn nuôi; có nơi bày bán hàng hoá bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người kinh doanh phải có hợp đồng mua bán với nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi. Trong hợp đồng này cần phải thể hiện và trình bày rõ các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thức ăn chăn nuôi và trách nhiệm của các bên liên quan…
Chuẩn bị vốn
Theo nhiều người có kinh nghiệm, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải cần số vốn lớn, ngâm vốn lâu và am hiểu nhiều về chăn nuôi, thú y mới làm được.
Bởi lẽ rất ít người chăn nuôi đủ chi phí để vừa trang trải cho việc mua con giống và thức ăn cho nó, nên hình thức mua trước trả tiền sau rất phổ biến trong lĩnh vực này.
Khi người dân thu hoạch được đợt nuôi thì họ mới hoàn lại chi phí thức ăn cho người kinh doanh – nếu họ chăn nuôi thành công. Nếu thất bại thì chi phí mua thức ăn khó có thể hoàn lại trong thời gian ngắn.
Chính vì những lý do này người kinh doanh cần có những tính toán cụ thể để vừa có được khách hàng vừa không bị ứ đọng vốn trong khoảng thời gian dài.
Đây cũng là một trong những yếu tố gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia vào lĩnh vực này vì khởi đầu bạn cần một số vốn khá lớn để nhập hàng và duy trì hoạt động.
Định giá và kinh doanh
Làm thức ăn chăn nuôi nếu bạn giảm giá bán để lấy khách thì theo nhiều người kinh doanh là không nên. Giá cạnh tranh, chứ không nên cạnh tranh bằng giá rẻ. Thường muốn giàu thì phải dò dẫm mùa vụ, dịch bệnh, trữ hàng đúng lúc mới ăn to được.
Kinh doanh ở nông thôn cần sự tận tình, chu đáo, tư vấn kỹ càng, càng nhiệt tình và tư vấn sâu sắc thì người chăn nuôi càng tin tưởng ở cửa hàng của bạn và sẽ trở thành khách hàng trung thành lâu dài. Do đó, dần dần bạn sẽ có nhiều khách hàng thân thiết hơn nếu biết cách buôn bán và tạo thiện cảm với khách.