Đôi bạn thân rời tập đoàn Nhật để về nước khởi nghiệp với… túi xách

0
1080

Là công xưởng của thế giới nhưng điểm yếu của các công ty da giày, túi xách Việt Nam là thương hiệu yếu, phần lớn là làm gia công (OEM) với biên lợi nhuận thấp. Ước mơ xây dựng một thương hiệu Made in Vietnam trong ngành này cũng là lý do khiến Dũng và Khoa bắt tay vào Leka.

2 cựu sinh viên Bách Khoa bỏ công ty Nhật lương nghìn đô để khởi nghiệp

“Cứ làm như thế này không được cả đời đâu!!”, Lê Trung Dũng, đồng sáng lập startup chuyên sản xuất túi da Leka, cười lớn chia sẻ lại lời mắng của bố mình khi được hỏi quan điểm sự nghiệp công chức ổn định. Cũng không khó hiểu khi bố của Dũng vốn là một doanh nhân tự xây dựng nên công ty thiết bị y tế có tiếng tại Hà Nội. Ngồi cạnh Dũng, người cộng sự cùng tạo dựng Leka Nguyễn Việt Khoa cho biết gia đình cũng không muốn anh chọn con đường ổn định làm nhà nước.

Là đồng môn thời phổ thông (chuyên toán tin và chuyên lý thuộc trường THPT chuyên ĐH Tổng hợp Hà Nội), Dũng và Khoa chơi thân nhau từ khi vào đại học. Cả hai cùng học ngành Cơ khí và Tự động hóa tại Đại học Bách Khoa. Sau 3 năm học tập tại đây, hai người bạn chuyển tiếp học 2 năm cuối tại Đại học công nghệ Nagaoka, Nhật Bản.

Tốt nghiệp đại học tại Nhật, Khoa chọn con đường đi làm cho Sharp tại Nhật, còn Dũng tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành lên cao học rồi vào làm cho Panasonic. Năm 2010, Khoa quyết định nghỉ việc để về Việt Nam dù anh cho biết đã được kí hợp đồng vô thời hạn ở công ty cũ.

Sau khi về nước, với lợi thế biết tiếng Nhật, Khoa quyết định chuyển sang làm sales cho các công ty Nhật tại khu công nghiệp. Sự nghiệp thăng tiến tốt đưa Khoa lên tới vị trí quản lý cao cấp cho công ty xây dựng của Nhật có chi nhánh tại Việt Nam, vốn là đối tác của các tập đoàn lớn như Hòa Bình, Contecons. Năm 2017, với khao khát làm ra 1 sản phẩm Made in Vietnam dựa trên những kiến thức về cơ khí được học tại Nhật, một lần nữa Khoa nghỉ việc để startup.

Về phần Dũng, năm 2013 Dũng về nước sau hơn 3 năm làm việc tại Nhật. Quay trở về, Dũng làm việc cho Denso, một công ty con của Toyota. Từ vị trí kỹ sư, anh trải qua nhiều vị trí phiên dịch, hành chính cho tới trưởng phỏng thiết kế rồi sau này là trưởng phòng mua hàng. Những công việc này đem lại cho Dũng nhiều kinh nghiệm sản xuất cũng như vận hành công ty theo cách của người Nhật.

Ý tưởng khởi nghiệp đến với hai người bạn thân từ một dịp chứng kiến một thương hiệu túi xách lớn bán cháy hàng trong trung tâm thương mại. Chia sẻ lý do lựa chọn hướng đi này dù ngành học tưởng chừng như không hề liên quan, Dũng cho biết: “Về bản chất đồ da là thủ công. Để làm ra túi đẹp đòi hỏi cần rất chính xác. Ví dụ một cái cúc trên chiếc ví chỉ cần khâu lệch 1mm đã làm hỏng luôn cả sản phẩm. Áp dụng những kiến thức về cơ khí và tự động hóa có thể đem lại độ chính xác cao cho sản phẩm“.

Founder Lê Trung Dũng đang kiểm tra mẫu da cho thiết kế mới.

Startup nơi công xưởng của thế giới

Theo số liệu của Forbes, Việt Nam được xem là công xưởng của thế giới trong ngành da giày. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép. Ngành da giày là nơi làm việc của khoảng 1 triệu lao động và hơn 1.514 doanh nghiệp. Phần đông là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Chỉ 3% doanh nghiệp ngành này có quy mô trên 5.000 lao động. Leka hiện có thể xem là 1 phần trong nhóm 97% còn lại của ngành.

Tuy nhiên cũng giống như ngành dệt may, hiện điểm yếu của các công ty da giày, túi xách là thương hiệu yếu, phần lớn là làm gia công (OEM) với biên lợi nhuận thấp. Ước mơ xây dựng một thương hiệu Made in Việt Nam trong ngành này cũng là lý do khiến Dũng và Khoa bắt tay vào Leka.

“Chúng tôi làm mảng này hầu như làm ngược hết những doanh nghiệp khác. Phần lớn các công ty khác đều bán được hàng rồi mới nghĩ tới đưa hàng gia công của mình vào chuỗi ,trong khi Leka bắt đầu từ sáng tạo sản phẩm”, CEO Nguyễn Việt Khoa chia sẻ về thử thách đầu tiên của startup.

Một điểm thách thức khác của startup này là lựa chọn phân khúc cao cấp. Việc tìm nguyên liệu, phụ kiện đảm bảo chất lượng cao không hề dễ. Theo chia sẻ của Khoa, nếu lựa chọn nguồn da từ Trung Quốc thì rất rẻ và dễ, vận chuyển thuận tiện, có thể đặt hàng với số lượng rất nhỏ chỉ vài tấm nhưng đổi lại chất lượng của túi thấp, dễ bị “nổ da” (hiện tượng bục trên bề mặt sản phẩm).

Hay nguyên liệu đơn giản như chỉ để khâu túi cũng cần đảm bảo độ chịu nhiệt, chịu lực, độ bền cao để giữ được sự cân đối của sản phẩm, cũng như không bị xước khi sử dụng. Theo Khoa chia sẻ, các tấm da nhập từ các nước châu Âu như Ý sẽ có bản lớn và ít sẹo, xước so với da nhập từ châu Á, từ đó đạt chuẩn cao về đầu vào cho quá trình sản xuất sản phẩm.

Sau nhiều lần nhập thử từ các nguồn Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia nhưng chưa ưng ý, tình cờ Leka gặp được đại diện bán hàng của một tập đoàn Ý chuyên cung cấp da và nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp gia công cho một thương hiệu lớn tại Tp. Hồ Chí Minh. Tập đoàn này đang tìm đối tác nội địa tiềm năng trong quá trình tự xây dựng thương hiệu để cùng hợp tác. Nhờ vậy Leka được tập đoàn này hỗ trợ rất nhiều từ tư vấn, thiết kế, đánh giá chất lượng, nguồn nguyên liệu, phụ kiện cao cấp trên thế giới.

Với sản phẩm túi xách da thời trang, chất lượng nguyên liệu đầu vào là quan trọng, nhưng thiết kế càng quan trọng không kém. Đam mê nghề túi nhưng Khoa và Dũng đều là người ngoại đạo và không hề biết gì về thiết kế mẫu.

Ban đầu, hai nhà sáng lập này cũng tự mày mò thiết kế nhưng không thể ra được sản phẩm. Sau này nhờ nhiều mối quan hệ, hai anh quen được một chuyên gia trong ngành túi da, có hàng chục năm kinh nghiệm tại một nhà máy gia công của Ý đặt tại Hà Đông và được đào tạo bài bản từ người Ý. Vị chuyên gia này thời điểm đó cũng sắp nghỉ hưu và muốn truyền lại nghề cho người Việt Nam đam mê với nghề.

Công nhân thực hiện công đoạn may khóa túi.

Một thách thức với Leka cũng như nhiều startup ngành sản xuất khác là cơ sở hạ tầng và nhân công. Điều may mắn là startup này được sự hỗ trợ từ nhà xưởng từ công ty sản xuất thiết bị y tế chuyên về chấn thương chỉnh hình của gia đình Dũng. Vốn startup phần lớn được tích góp từ giai đoạn Khoa và Dũng đi làm cho các công ty Nhật Bản.

Câu hỏi sống còn tiếp theo của bất kỳ startup nào là đầu ra của sản phẩm. Hiện Leka lựa chọn chiến lược đi vào những trung tâm thương mại cao cấp như Vincom Bà Triệu hay Royal City. Cách làm này theo quan điểm của hai cựu sinh viên ngành kỹ thuật Bách Khoa, ngoài việc nhắm vào phân khúc khách hàng có thu nhập cũng là một cách chứng minh giá trị của sản phẩm bởi yêu cầu đầu vào cao của Trung tâm thương mại.

Để tồn tại trong giai đoạn đầu, hai nhà sáng lập Leka cho biết bên cạnh sản xuất thương hiệu riêng, startup này sẽ quay lại làm sản xuất OEM các thương hiệu Mỹ và Nhật. Hiện một công ty Nhật Bản đã tiến hành hợp tác cùng startup này để xây dựng thương hiệu riêng và bán sản phẩm qua kênh online tại thị trường khó tính này.

Đôi bạn thân rời tập đoàn Nhật để về nước khởi nghiệp với… túi xách
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here