Du học sinh bỏ cơ hội ở lại Singapore về nước khởi nghiệp
“Tôi thấy mình may mắn được là một người Việt Nam, được lớn lên và làm việc trong thời điểm đất nước mở cửa, hội nhập và có quá nhiều tiềm năng cho thế hệ trẻ chúng tôi thử sức và đóng góp“, nữ doanh nhân trẻ Giang Đặng chia sẻ với đối tác Hàn Quốc khi vừa quyết định rót vốn đầu tư vào công ty do mình sáng lập. Flexfit là một startup mới trong ngành nội thất đã nhận vốn từ 2 quỹ đầu tư. Tuy nhiên nhà sáng lập kiêm CEO startup này từ chối tiết lộ con số cụ thể.
Sau khi học ngành tài chính tại Singapore và làm việc cho 2 tập đoàn quốc tế, Giang Đặng quyết định “ra riêng” để xây dựng những công ty có cách tiếp cận thị trường mới mẻ.
“Thời điểm đấy tôi cảm nhận thị trường Việt Nam như một cánh đồng rộng lớn, đầy cơ hội cho những ai chịu khó gây dựng và nỗ lực mang lại giá trị mới cho thị trường“, nữ CEO sinh năm 1983 này nhớ lại.
Năm 2016, nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nội thất, Giang Đặng thành lập CTCP nội thất Flexfit. Khi nhắc đến nội thất “đồ rời”, khách hàng có thể dễ dàng kể tên Uma, JYSK, IKEA, nhưng nhắc đến nội thất “may đo”, khó để khách hàng hình dung đến một cái tên thực sự nổi bật.
“Các thị trường phát triển trước Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có 3 cột trụ chung trong quá trình phát triển nền kinh tế như: Đô thị hóa, phát triển ngành sản xuất, mở rộng sản phẩm tiêu dùng, trước khi đi đến nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ như hiện nay. Khi xu hướng đô thị hóa xảy ra sẽ kéo những nhu cầu, dịch vụ kèm theo. Ước tính tương lai Việt Nam sẽ có khoảng 60% dân số sống ở các đô thị. Nhìn vào 3 điểm này để từ đó mình xác định dịch vụ mà mình hướng đến còn rất nhiều cơ hội“, CEO Flexfit phân tích.
Bước chân vào thị trường tỷ đô
Trung bình các gia đình sẽ chi khoảng 10% giá trị căn hộ hoặc căn nhà vào đầu tư nội thất. Số liệu trong ngành cho thấy, khoảng 40% khoản đầu tư này dành cho nội thất may đo, 40% dành cho nội thất rời và 20% dành cho các sản phẩm điện máy.
Với nguồn cung lên tới hàng trăm nghìn căn hộ chung cư, CEO Flexfit cho rằng thị trường nội thất may đo tiềm năng lên tới hàng tỷ USD, khi đà tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam được thúc đẩy bởi cơ cấu nhân khẩu học vàng và triển vọng kinh tế khả quan. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang trên bước chuyển mình sánh ngang với các thành phố khác trong khu vực.
Nhưng khởi nguồn để làm được điều đó, Giang Đặng thành thật chia sẻ: “Nếu không có anh trai mình, có lẽ không thể có Flexfit như ngày hôm nay“.
Người anh trai được CEO này nhắc đến vốn xuất thân từ ngành công nghệ, hiện đang điều hành một công ty nội thất công nghiệp lớn, là đối tác cung cấp tủ bếp cho các dự án chung cư, khách sạn lớn tại Hà Nội. Với mong muốn xây dựng được một hệ thống quy trình sản xuất hiện đại áp dụng cho ngành nội thất, anh và đội ngũ chuyên gia đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu thành công các ứng dụng. Nền tảng công nghệ này chính là bệ đỡ lớn với Flexfit khi áp dụng công nghệ vào ngành nội thất, điều tạo nên sự khác biệt của Flexfit so với các đơn vị khác trên thị trường. Flexfit cũng đang phát triển và học hỏi những công nghệ mới, không chỉ về công nghệ sản xuất, logistics, mà còn áp dụng công nghệ hướng tới trải nghiệm của khách hàng.
Xưởng sản xuất của Flexfit.
Theo Giang Đặng, nếu một xưởng nhỏ lẻ sản xuất may đo nội thất thông thường dùng nhân công truyền thống chỉ có thể thực hiện được dưới 5 đơn hàng mỗi tháng thì hiện Flexfit xử lý tới 50 đơn hàng và hướng tới mục tiêu 100 đơn hàng mỗi tháng. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, vẫn còn nhiều việc chờ Flexfit phía trước nhất là khi làm nội thất may đo trên quy mô lớn không hề đơn giản.
“Thị trường nội thất vốn đã tồn tại những chuỗi lớn như Uma, Nhà xinh, Phố xinh hay JYSK nên để thành công, Flexfit chọn thị trường ngách. Nội thất may đo khó và đòi hỏi nhiều dữ liệu thông tin khách hàng từ đo đạc hiện trạng, đến thiết kế, tổ chức sản xuất và triển khai lắp đặt. Chúng tôi nỗ lực mỗi ngày để hiểu thị trường, hiểu nhu cầu của mỗi khách hàng và thiết kế không gian sống phù hợp theo mặt bằng của mỗi căn nhà và cá tính của chủ nhà, tuy nhiên vẫn đảm bảo được tiến độ và chất lượng cao nhờ áp dụng các yếu tố công nghệ“, chị Giang cho biết.
Một lý do khác khiến Giang Đặng tin vào tiềm năng những doanh nghiệp nội thất gỗ công nghiệp như Flexfit chính là sự thay đổi thói quen, nhận thức của người tiêu dùng thế hệ trẻ. Trước đây người dân thường ưa chuộng gỗ tự nhiên tuy nhiên hiện nay loại gỗ này ngày càng khan hiếm, chưa kể đến yếu tố cong vênh do thời tiết.
Trong khi đó gỗ công nghiệp hiện nay khắc phục được những nhược điểm thời tiết và đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường, do phần lớn rừng được trồng và khai thác trong thời gian 3-5 năm, hạn chế được tình trạng khai thác rừng bừa bãi hiện nay trên thế giới.
Để phát triển Flexfit hướng tới những thành công trong tương lai, trao quyền và áp dụng nguyên tắc 80-20 là triết lý quản lý quan trọng nhất đối với nữ CEO này.