Thanh niên biến muối mặn thành “vàng”, cử nhân điện tử viễn thông bán dừa tươi, nhân viên ngân hàng về quê làm trang trại… là những gương mặt điển hình cho lớp trẻ đi lên từ nông dân.
Hiện nay, không ít người quan niệm nghề nông là nghề “chân lấm tay bùn”, khó nhọc và không mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, ngược dòng với quan điểm đó, vẫn có những người trẻ tìm đến nghề nông vì đam mê và nhận thấy tiềm năng phát triển.
Từ bỏ các cơ hội nghề nghiệp lớn với mức thu nhập ổn định ở thành phố, anh Phạm Văn Cương, chị Đào Thị Diễm Kiều, anh Trần Thái Dương, anh Lê Anh hay anh Phạm Văn Quân đã tiên phong về quê lập nghiệp và đi lên từ nhà nông.
1. Chàng thanh niên biến muối mặn thành “vàng”
Sinh ra và lớn lên tại vựa muối Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định, anh Phạm Văn Cương (1988) gắn bó với nghề làm muối từ nhỏ. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh ngày càng có nhiều người bỏ nghề vì không tìm được thị trường tiêu thụ, anh đã suy nghĩ tìm hướng đi mới cho hạt muối Bạch Long.
Bắt tay nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân giá muối thấp hơn thị trường, anh nhận thấy, chất lượng muối của quê chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi tìm hiểu mô hình làm muối sạch của thạc sĩ Bùi Sơn Long – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển, anh Cương đầu tư hệ thống máy móc chế biến muối hiện đại, tăng năng suất, giảm nhân lực mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhà máy của anh còn thiết kế hệ thống nhà chứa nước chạt (nước biển để phơi lấy muối) được che phủ bằng màng chống thấm HDPE, giúp tận dụng nhiệt độ bức xạ làm muối khô nhanh hơn kể cả trong điều kiện thời tiết xấu.
Sau nhiều nỗ lực, sản lượng muối của công ty anh đạt tới 1.000 tấn mỗi tháng và có mặt trên khắp cả nước với thương hiệu Công ty TNHH Muối và thương mại Nam Hải. Năm 2014, anh được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
2. Cử nhân điện tử viễn thông bán dừa kiếm tiền triệu mỗi ngày
Chị Đào Thị Diễm Kiều là thế hệ thứ 3 trong gia đình nông dân ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghệ, chuyên ngành Điện tử viễn thông, trong lúc chờ xin việc, chị về quê phụ giúp gia đình trông coi vườn và bán dừa. Vườn nhà chị rộng khoảng 10.000m2, có tầm 500 gốc dừa, trồng xen kẽ với một số cây ăn quả khác.
Ban đầu, gia đình chị chỉ bán dừa tươi cho khách uống giải khát. Giá dừa tươi trung bình là 10.000 – 15.000 đồng một quả; dừa dứa là 20.000 – 25.000 đồng một quả. Dần dần, nhận thấy nhu cầu tham quan khu vườn của khách, chị Kiều đầu tư thêm bàn, ghế, võng, xuồng, chỗ ngồi có mái che… để khách vừa uống dừa, vừa có tận hưởng không khí trong lành của vườn.
Kết quả, ngoài bán dừa trái, chị còn phát triển dịch vụ cho thuê xuồng tham quan vườn dừa với mức giá trung bình 500.000 đồng một ngày. Vào những dịp lễ Tết, khách đến đông hơn ngày thường, thu nhập này cũng lên khoảng 2 triệu đồng mỗi ngày.
3. Thạc sĩ du học Australia về quê làm nông nghiệp sạch
Sở hữu hai bằng thạc sĩ về Tài chính ứng dụng và Quản trị kinh doanh tại Australia, trở về nước, từ bỏ cơ hội việc làm trong ngành ngân hàng, anh Trần Thái Dương (1983) quyết định mở trang trại Skyfarm trồng cà chua.
Khi Công ty cổ phần Skyfarm ra đời, anh Dương cùng bạn bè bắt tay vào tìm kiếm địa điểm. Sa Pa là vùng đất được chọn thí điểm để thực hiện mô hình do thời tiết mát mẻ, phù hợp với canh tác rau. Tuy nhiên, khi địa phương thu hồi đất để dành cho một dự án khác lớn hơn nên công việc tại Sa Pa phải tạm dừng.
Trước tình hình đó, anh Dương rời Skyfarm về thung lũng xã Cao Răm, Lương Sơn, Hòa Bình. Tại đây, các kỹ sư nông nghiệp ưu tiên áp dụng những tiến bộ khoa học của Israel vào sản xuất. Theo đó, cà chua được trồng và canh tác trong nhà kính, cách ly với những biến đổi của môi trường bên ngoài. Nông trại luôn ở trạng thái vô trùng nên vi sinh vật hại bên ngoài không thể xâm nhập vào. Công nghệ hữu cơ vi sinh EM (Effective Microorganism) cũng được ứng dụng, nhờ đó, cà chua thương phẩm đạt chất lượng cao và hình thức đồng đều.
Với mục tiêu kết hợp phương pháp canh tác hữu cơ cùng công nghệ cao để cho ra nguồn thực phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông trại Skyfarm chuyên canh cà chua của anh Dương đã đạt chứng chỉ Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu – GlobalGAP.
4. Kỹ sư bỏ lương nghìn đô về sản xuất nước mắm truyền thống
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lê Anh, ở xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương nghìn USD. Tuy nhiên, do muốn phát huy nghề làm nước mắm truyền thống của cha ông cũng như đóng góp cho cộng đồng sản phẩm sạch, anh xin nghỉ việc, về quê lập nghiệp.
Anh Lê Anh bỏ nhiều công sức để phát triển con đường mình chọn. Cụ thể, để có nguồn nguyên liệu tươi, suốt từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch, khi tàu cá về vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, anh cũng có mặt ngay tại bờ, trực tiếp xem và mua. Anh còn từng bước thuyết phục người tiêu dùng sử dụng nước mắm truyền thống thay cho nước mắm công nghiệp. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thị trường, anh cũng tìm cách cải tiến nhãn mác, bao bì, đổi mới logo và thiết kế nắp chai.
Sau hơn 3 năm, anh Lê Anh xây dựng thành công thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia với nhiều sản phẩm như nước mắm cho trẻ em, nước mắm hạ thổ, nước mắm chắt từ ruốc… Mỗi năm, cơ sở của anh cung cấp khoảng 15.000 lít nước mắm cho thị trường Hà Nội, TP HCM.
5. Cử nhân Mỏ địa chất khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch
Sau khi tốt nghiệp đại học Mỏ địa chất và tìm được công việc với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng, anh Phạm Văn Quân, thôn Đanh Xá, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, Hưng Yên lại quyết định về quê lập nghiệp.
Nhận thấy ếch phù hợp với môi trường sông nước, dễ nuôi, ít rủi ro, lợi nhuận khá ổn định nên sau thời gian tìm hiểu, đầu năm 2015, anh quyết định sử dụng trang trại gia đình với diện tích mặt nước 1,5 mẫu để nuôi ếch. Cuối năm đó, anh thu được 8 tấn ếch thương phẩm.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ếch, đầu năm 2016, anh mạnh dạn vay thêm vốn, thuê đất công điền của xã để làm trang trại quy mô 7 ha. Ngoài nuôi ếch thịt, anh Quân học hỏi thêm cách nuôi ếch sinh sản, để không phải mua ếch giống như trước. Năm 2016, thu nhập từ mô hình nuôi ếch của anh lên tới 1,9 tỷ đồng.
Các điển hình trên chỉ là số ít trong số những thanh niên Việt Nam gắn bó và khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Những tấm gương này góp phần khuyến khích thanh niên nông thôn tự tin tìm kiếm cơ hội lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Theo Vũ Đậu/Vnexpress.net