Khởi nghiệp và chuyện nhân sự

0
1108

Chuyện được châm ngòi từ bài viết trên blog cá nhân của nữ kỹ sư Susan Fowler, đăng ngày 19/2, về tình trạng phân biệt đối xử, về môi trường làm việc “cạnh tranh tới mức chà đạp người khác” và về một phòng nhân sự luôn làm lơ trước những sai phạm của cấp trên ở Uber.

Đọc E-paper

Sau loạt bài của tờ The New York Times về tình hình nhân sự của Uber (thành lập năm 2008), với dẫn chứng là những cuộc phỏng vấn trực tiếp các cựu nhân viên của doanh nghiệp hiện được định giá gần 70 tỉ USD này, ngày 21/2, Kalanick – CEO của Uber phải tổ chức một cuộc họp toàn thể công ty trong vòng 90 phút. Trong cuộc họp này, ông đã giải đáp mọi khúc mắc, trực tiếp đưa ra lời xin lỗi công khai tới toàn thể nhân viên và hứa giải quyết tận gốc những vấn đề tồn đọng để tránh cho Uber rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân sự trong tương lai.

Bên cạnh lời khen ngợi cho phản ứng rất nhanh nhạy ấy của Uber, giới phân tích cũng cho rằng, vấn đề mà Uber gặp phải, thực ra bắt nguồn từ một câu hỏi khiến hầu hết công ty khởi nghiệp (startup) đau đầu, rằng có nên xây dựng bộ máy nhân sự hoàn chỉnh, trong đó có một bộ phận chỉ chuyên tâm vào phát triển nhân sự cho công ty ngay trong những bước đi đầu tiên hay không?

Không, bởi vì…

Jeff Wald hiện là giám đốc điều hành của Work Market, một công ty chuyên về quản lý và tuyển dụng, từng được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách America’s Most Promising Companies 2014 (những công ty triển vọng nhất nước Mỹ năm 2014), đồng thời thường xuyên có những bài viết về quản trị được đăng tải trên các trang như Forbes, Inc, Fortune

Theo ông, thông thường nhiệm vụ của người làm nhân sự là huấn luyện nhân viên, hỗ trợ giám đốc điều hành trong xây dựng kế hoạch hay chiến lược phát triển, tuyển dụng – sa thải, theo dõi, thúc đẩy, tạo sự gắn kết trong nội bộ công ty, đảm bảo nhân viên luôn đi theo đường lối và chính sách, các công việc hành chính… và nhìn chung, những việc này là không cần thiết trong doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Theo kinh nghiệm của tôi và của những bạn bè tôi biết cũng đang khởi nghiệp, thì một doanh nghiệp ra đời thường là để giải quyết những vấn đề, với những giải pháp hiếm hoặc chưa từng tồn tại trước đây. Vì vậy ngay cả giám đốc điều hành, ban đầu cũng chưa chắc hiểu hết quy trình, thủ tục, trình tự công việc để giải thích và hướng dẫn cho nhân viên của mình. Do đó, nhiệm vụ huấn luyện nhân viên, hỗ trợ giám đốc điều hành hay theo dõi nhân viên khác và giúp họ hoàn thành lộ trình công việc của người phụ trách nhân sự rất dễ trở nên không cần thiết hoặc gặp phải những thiếu sót. Điều này càng dễ xảy ra nếu doanh nghiệp không đủ tiền để thuê một người làm nhân sự thực sự xuất sắc và có kinh nghiệm sâu rộng trong mọi vấn đề.

Tiếp theo, một công ty khởi nghiệp thường thu hút nhân viên ở ba điều, đó là lợi ích kinh tế (lương hoặc số cổ phần tăng trưởng từ sự phát triển vượt bậc của công ty sau này), là kinh nghiệm, trải nghiệm toàn diện trong tất cả các lĩnh vực công việc và là niềm vui, sự mới mẻ trong môi trường làm việc. Cả 3 thứ này, cũng là những điều duy nhất công ty có thể mang lại cho nhân viên so với những công ty lâu đời. Chính vì lý do đó, không cần sự tác động quá nhiều của bộ phận nhân sự, nhân viên ở công ty khởi nghiệp cũng sẽ tự biết họ gia nhập hay rời bỏ doanh nghiệp vì điều gì.

Cuối cùng, công ty khởi nghiệp, vốn dĩ đã mang sẵn trong mình một sự thú vị. Bởi ở đó toàn là những điều mới mẻ, những ước mơ hơi xa vời, những thứ luôn giúp nhân viên hưng phấn. Cùng với việc những nhân viên của doanh nghiệp thuộc dạng này thường xuyên phải chia sẻ với nhau không gian văn phòng chật hẹp, chưa tới 50 người thường xuyên ra vào, nên cũng không cần những khóa huấn luyện, những buổi làm việc nhóm định kỳ để tạo niềm vui và sự gắn kết cho nhân viên”.

Vì thế, theo Jeff Wald, với nguồn lực hạn hẹp, cùng với cơ cấu ít nhân viên và phải dồn sức để hoàn thiện sản phẩm cũng như để bán hàng, các công ty khởi nghiệp không nên thuê nhân viên phụ trách nhân sự trong thời gian đầu thành lập, thường là năm năm đầu tiên.

“Sau 5 năm thành lập và hoạt động, chúng tôi mới tuyển dụng nhân viên nhân sự đầu tiên cho Work Market, và đó thực sự là một quyết định mà chúng tôi không bao giờ phải ân hận cho đến tận bây giờ”.

Có, bởi vì…

Theo Libby Sartain – cựu Giám đốc nhân sự của Yahoo và Southwest Airlines, thì công ty khởi nghiệp nên có nhân viên phụ trách nhân sự ngay từ đầu, mục đích là để giải quyết “con dao hai lưỡi” mang tên văn hóa công ty.

“Đây là những công ty thường tập trung toàn bộ nguồn lực vào sự tăng trưởng, phát triển sản phẩm, với tập hợp những con người trẻ, những ý tưởng táo bạo, trong một môi trường mới và khá thoải mái. Chính vì thế, nhân viên rất dễ xem thường và ngó lơ ý nghĩa cũng như giá trị của những quy tắc, chuẩn mực đạo đức thông thường, để rồi doanh nghiệp sẽ sớm tạo ra những “gã khốn tài giỏi”, những kẻ có thể sẵn sàng chà đạp lên tất cả mọi thứ nhằm đạt được mục tiêu doanh số và tăng trưởng cho công ty. Và nếu những vấn đề trong nội bộ công ty cứ mãi kéo dài cho tới khi một số nhân viên không biết nói với ai, đành phải nhờ tới luật sư, báo chí hoặc mạng xã hội, thì lúc này cuộc khủng hoảng nhân sự cũng chính thức bắt đầu”.

Cuối cùng, mọi thứ luôn tùy thuộc vào giám đốc điều hành

Theo tạp chí Fast Company, không có câu trả lời thỏa đáng nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp, rằng nên có hay không có nhân viên nhân sự trong những bước đi đầu tiên. Bởi điều này tùy thuộc hoàn toàn vào giám đốc điều hành, vào những điều mà người ấy muốn xây dựng để trở thành triết lý làm việc cho đội ngũ nhân viên của mình sau này.

Nếu công ty có những triết lý khác biệt, như đề cao sự cạnh tranh, sự phá cách, tư duy phá bỏ mọi rào cản, sự không khoan nhượng… và giám đốc điều hành không đủ kinh nghiệm cũng như thời gian để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng, thì rất nên có một chuyên viên nhân sự toàn thời gian ngay từ đầu. Đây là người luôn sẵn sàng kiềm chế những cái tôi bốc đồng của người trẻ, điều chỉnh hướng đi lệch lạc của đội ngũ nhân viên và giúp công ty không rơi vào những cuộc khủng hoảng nhân sự lớn trong tương lai.

Còn nếu như giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp cảm thấy điều đó chưa cần thiết, như Jeff Wald phân tích ở trên, thì “5 năm sau” sẽ là thời điểm hợp lý.

Khởi nghiệp và chuyện nhân sự
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here