Từ Chi hội nghề nghiệp trồng chanh…
Ông Phong cho biết: An Hiệp là xã cù lao nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Sa Đéc, đa số người sống bằng nghề làm vườn, sản xuất lúa, mua bán nhỏ. Riêng đối với ấp An Hoà, có 584 hộ với 410 hội viên, nông dân. Trong đó, hơn 90% hội viên, nông dân sống và thu nhập kinh tế từ nghề làm vườn.
Gia đình ông Phong là trong những hộ trồng chanh đầu tiên ở ấp An Hòa. Trên diện tích 4.600 m2, ông trồng khoảng hơn 300 gốc chanh. “Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao, lúc cao điểm thu hoạch chanh hay bị thương lái ép giá.
Sau khi đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình trồng chanh ở nhiều nơi, cùng với kinh nghiệm tích lũy của bản thân, tôi đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Trần Thanh Phong là 1 trong 90 Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc được Trung ương Hội ND Việt Nam tuyên dương và tặng Bằng khen nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội ND Việt Nam vào tháng 10/2020 vừa qua.
Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ áp dụng thành công kỹ thuật xử lý chanh ra hoa trái vụ mà cây chanh đã mang về nguồn thu cho gia đình 250 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn thu lãi từ 180 – 200 triệu đồng/năm” – ông Phong phấn khởi cho biết.
Theo ông Phong, trước đây, nông dân làm vườn trong ấp thường có tập quán canh tác theo kiểu truyền thống là sản xuất manh mún, tự phát, nhỏ lẻ; sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, giá cả không ổn định.
Không giấu giếm bí quyết làm giàu từ trồng chanh trái vụ, với kinh nghiệp tích lũy của bản thân, ông Phong đã thành lập tổ hội nông dân xử lý ra hoa chanh trái vụ do ông làm tổ trưởng để hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật cho bà con nông dân trong ấp.
Thực hiện Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, với vai trò là chi hội trưởng, ông Trần Thanh Phong đã định hướng 11 tổ hội chuyển đổi thành Tổ hội nghề nghiệp; đề nghị thành lập chi hội nghề nghiệp trồng chanh ấp An Hoà.
Hùn vốn giúp nhau thoát nghèo
Đến nay, chi hội trồng chanh ấp An Hoà đã có 272 hội viên tham gia sản xuất với diện tích 87ha. Chi hội cũng đã nhân rộng thêm 9 tổ xử lý ra hoa chanh trái vụ với 81 thành viên tham gia.
Nhiệm vụ của tổ là tuyên truyền, hướng dẫn nông dân làm đúng kỹ thuật trồng chanh theo quy trình đã được tập huấn. Khi đến đợt xử lý ra hoa chanh thì ông Phong cùng với các thành viên của tổ và chủ vườn tính toán dùng các loại phân bón, chế phẩm vi sinh nào để vườn chanh tăng năng suất, đạt chất lượng, chia thời vụ chanh ra hoa hợp lý nhất.
Được hướng dẫn cặn kẽ, bài bản, nhiều hội viên nông dân trong ấp An Hoà đã vươn lên khấm khá nhờ trồng chanh trái vụ như hộ ông Võ Thanh Phước, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Văn Trum, Lê Minh Trí…
Nguồn thu nhập khá cao từ cây chanh đã giúp nhiều hộ gia đình ở ấp An Hòa vươn lên khá giàu. Nếu như năm 2002 – 2003 tỷ lệ hộ nghèo của ấp chiếm trên 30% thì đến nay chỉ còn 1.02%. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được cải thiện đáng kể.
Không chỉ tổ chức hoạt động hiệu quả chi hội nông dân trồng chanh ấp An Hoà, với vai trò chi hội trưởng, ông Phong còn xây dựng thành công mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Từ mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, chi hội tiếp tục tham mưu Hội cấp trên thành lập mô hình tuyến đường không có rác thải nhựa tại khu dân cư ấp An Hoà.
Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ các hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, Chi hội trưởng nông dân Trần Thanh Phong đã thành lập các mô hình tổ hùn vốn xoay vòng, mô hình hùn vốn cất nhà kiên cố.
Ông Phong tâm sự: “Lúc đầu vận động thành viên tham gia các tổ hùn vốn rất khó khăn. Tôi đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục từng hội viên hiểu được cách làm tích cực, tham gia hùn vốn nhằm giúp nhau có vốn sản xuất…”.
Hàng năm có 54 lượt cán bộ, hội viên tham gia với số tiền hùn vốn xoay vòng trên 56 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi hội vận động thành lập được 3 tổ cất nhà kiên cố với 15 thành viên góp vốn bằng tiền mặt 30-50 triệu đồng/hội viên.
“Từ năm 2016 đến nay, Chi hội trồng chanh ấp An Hoà, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã giúp 10 hội viên, nông dân thoát nghèo. Đến nay, toàn ấp chỉ còn 23 hộ cận nghèo, 6 hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2021 không còn hộ cận nghèo và hộ nghèo trong địa bàn ấp”, ông Trần Thanh Phong.