Startup ‘khủng long’ của Jack Ma huy động vốn gần bằng tất cả các công ty fintech Mỹ và châu Âu

0
1169

Theo số liệu mới được công bố, Ant Financial, một chi nhánh của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã huy động được 14 tỷ USD tiền đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái. Con số này gần bằng tổng số 15,9 tỷ USD của tất cả các khoản đầu tư vào công ty fintech tại Mỹ và châu Âu trong cùng thời kỳ.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu sự phát triển đáng kinh ngạc của công ty fintech có giá trị nhất thế giới này là điều bất thường hay là dấu hiệu nào khác đến từ Trung Quốc.

Theo CB Insights, Ant Financial chiếm 35% tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào các công ty fintech năm 2018. Công ty này thành lập năm 2004 và là hãng sở hữu nền tảng thanh toán lớn nhất Trung Quốc, Alipay với hơn 700 triệu người dùng hoạt động.

Năm 2013, Ant Financial đã vượt qua PayPal của Mỹ để trở thành nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất thông qua các thiết bị di động. Hiện hãng đã cung cấp thêm hàng loạt dịch vụ như đầu tư, tín dụng và bảo hiểm. Sẽ rất khó để một công ty Trung Quốc hay bất cứ công ty nào khác trên thế giới lặp lại những gì Ant Financial đã đạt được.

Giá trị đầu tư vào các công ty fintech năm 2018. Giá trị đầu tư vào các công ty fintech năm 2018.

Giá trị đầu tư vào các công ty fintech năm 2018. Giá trị đầu tư vào các công ty fintech năm 2018.

Ant Financial “lớn lên” trong một hệ thống tài chính chưa phát triển với nhiều khoảng trống về pháp lý, ít nhất là khi so sánh với các nước phương Tây. Tuy nhiên, mọi việc đang bắt đầu thay đổi khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc củng cố quy định với các quỹ thị trường tiền tệ khiến quỹ Yu’E Bao của Ant Financial phải giới hạn số lượng khách hàng hàng ngày từ tháng 2/2018.

Bên cạnh đó, theo Financial Times, Cơ quan quản lý chứng khoán của nước này cũng áp đặt yêu cầu dự trữ mới đối với các quỹ thị trường tiền tệ trong năm 2017. Ant Financial đã chuyển trọng tâm từ tài chính thuần túy sang dịch vụ công nghệ.

Tuy vậy, có một điều khá rõ ràng là những điều tích cực đang diễn ra ở châu Á. Không tính Ant Financial, các công ty fintech trong khu vực đã thu về khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 8,6 tỷ USD vào năm ngoái so với 12,4 tỷ USD của các đối thủ ở Bắc Mỹ và 3,5 tỷ USD ở châu Âu.

Ngay cả khi cơ quan giám sát của Trung Quốc có xu hướng thắt chặt quy tắc với những công ty tài chính mới nổi, một số chuyên gia phương Tây vẫn tin rằng điều đó sẽ giúp Ant Financial thu hút thêm được nhiều khách hàng.

Giám đốc điều hành Eric Jing từng cho biết công ty được đặt tên là Ant (con kiến) vì kiến là loài nhỏ bé và chăm chỉ. Thế nhưng về mặt định giá, họ lại là một gã khổng lồ với 150 tỷ USD.

Đó là lý do tại sao tất cả các nhà điều hành tài chính luôn theo dõi chặt chẽ từng động thái của Ant Financial, đặc biệt là việc họ sẽ dùng số tiền khổng lồ huy động được để “tấn công” vào lĩnh vực tiếp theo nào. Hiện hãng đã xâm nhập thị trường Đông Nam Á chủ yếu theo phương thức liên doanh và thâu tóm. Họ đang nắm cổ phần sở hữu công ty thanh toán Paytm tại Ấn Độ.

Ngoài ra, Ant Financial cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán mã QR ở châu Âu và một số quốc gia khác. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hệ thống đó mới chỉ phục vụ đối tượng khách du lịch Trung Quốc, những người chủ yếu dùng smartphone để thanh toán và mua sắm khi ở nước ngoài. Tham vọng của Alipay và Ant Financial trong tương lai là tạo ra một sân chơi mới cho khách hàng không phải người Trung Quốc.

Startup ‘khủng long’ của Jack Ma huy động vốn gần bằng tất cả các công ty fintech Mỹ và châu Âu
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here