Bà Trịnh Thị Huệ kể, sau khi tham quan các mô hình, tìm hiểu về cây mít, mùa mưa năm 2014, gia đình bà xuống miền Tây mua 800 cây mít giống Changai về trồng. Với số cây mít giống trên, gia đình bà Huệ chủ yếu trồng tập trung 600 cây, tương đương 1 ha, số còn lại trồng xen và trồng dọc hàng rào.
Bà Trịnh Kim Huệ (phải) cho hay, trồng mít có chi phí rất thấp so với các loại cây trồng khác mà thu nhập, lợi nhuận lại cao.
Theo bà Huệ, gia đình bà đã trồng nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, ổi, nhưng chưa thấy cây nào dễ trồng như cây mít và rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Gia Nghĩa. Trồng bao nhiêu cây là sống bấy nhiêu cây và phát triển tốt. Sau 14 tháng, vườn mít đã cho thu hoạch và hiện cành lá sum suê.
Mỗi năm, mít cho thu hoạch 2 vụ, trung bình, mỗi cây cho khoảng 1 tạ, bán với giá 20.000 đồng/kg. Ngay năm đầu tiên, vườn mít của gia đình đã đạt sản lượng hơn 100 tấn quả. Dự kiến, Tết Mậu Tuất này, vườn mít sẽ đạt khoảng 500 tấn quả. Tuy cho thu nhập tiền tỷ nhưng chi phí đầu tư cho vườn mít rất ít, mỗi năm chỉ hết 40 triệu đồng.
Bà Trịnh Thị Huệ (trái) giới thiệu về kinh nghiệm trồng mít Changai. Theo bà Huệ, việc dùng túi bao trái sẽ giúp trái mít có mẫu mã đẹp, không bị sâu cắn phá.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mít, bà Huệ cho biết, giống mít gia đình trồng là giống Changai (Thái Lan) loại da xanh, có trọng lượng từ 10-12kg/trái, múi to và có màu vàng đậm. Khi ăn, mít Changai có vị ngọt và ngon hơn nên được thị trường ưa chuộng, bán với giá cao hơn. Đến vụ thu hoạch, đa số nguồn hàng được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận vườn thu mua và chở đi các nơi bán lẻ.
Trong quá trình chăm sóc vườn mít, gia đình bà Huệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Gia đình đầu tư hệ thống tưới béc nên rất tiện lợi, vừa giảm công chăm sóc, vừa tiết kiệm nguồn nước. Phân bón cho vườn cây chủ yếu là phân hữu cơ. Quả được bọc bằng túi vải trắng vừa để tránh bị sâu bệnh hại, không phải phun thuốc trừ sâu mà quả lại đẹp.