Một số sản phẩm Fintech tiêu biểu

0
1785

Hầu hết các sản phẩm thuộc lĩnh vực tài chính hiện nay đều ứng dụng Fintech dù ít hay nhiều, hay nói cách khác, Fintech đã có mặt trong phần lớn các sản phẩm dịch vụ tài chính.

Chẳng hạn, ngay ở phương thức gửi tiền tiết kiệm truyền thống của ngân hàng, các ngân hàng cũng đã áp dụng công nghệ để khách hàng có thể kiểm tra sổ online, biết ngày hết hạn, số dư, lãi suất… hiện hữu.

Tuy nhiên có rất nhiều sản phẩm mới mẻ khác biệt hoàn toàn so với lĩnh vực dịch vụ tài chính truyền thống nhờ bàn tay của công nghệ. Dưới đây là một trong những sản phẩm điển hình:

Các loại ví điện tử

Ví điện tử là một loại tài khoản điện tử, nó đóng vai trò là phương tiện thanh toán trực tuyến dành cho khách hàng, giúp khách hàng thanh toán các loại chi phí, gửi tiền và nhận tiền qua Internet một cách nhanh chóng.

Ví điện tử ra đời từ những năm 1990 nhằm giúp người tiêu dùng lưu trữ thông tin cá nhân và mua bán hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng qua mạng internet. Cùng với sự phổ biến của điện thoại di động, những năm gần đây lượng người sử dụng Ví điện tử tăng lên nhanh chóng. Ví điện tử đang có xu thế lấn lướt Mobile Banking với quy mô giao dịch năm 2017 trên toàn cầu dự báo đạt 1.600 tỷ USD.

Một số loại Ví điện tử nổi tiếng nhất trên thế giới có thể kể đến như:

1. PayPal

Ví điện tử Paypal được tạo ra vào năm 1998 tại Mỹ, cho phép người dùng lập một tài khoản và từ đó thanh toán online hoặc rút tiền dễ dàng.

Hiện ví điện tử này đã trở thành phương thức thanh toán được sử dụng bởi đa số người dùng eBay (chiếm 70%) với trên 160 triệu tài khoản đăng ký ở hơn 200 thị trường.

PayPal cũng cho phép thanh toán bằng 26 đồng tiền khác nhau. Đến nay PayPal luôn duy trì vị trí dẫn đầu khi nắm trên 40% tổng giá trị thanh toán qua điện thoại của toàn cầu.

2. Alipay

Thương hiệu ví điện tử Alipay thuộc Alibaba ra đời năm 2004 cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thanh toán điện tử với hơn 150 triệu người hiện đang sử dụng.

Nếu ở Mỹ, nhắc tới thị trường thương mại điện tử người dùng sẽ nhớ tới eBay, thì tại Trung Quốc – đất nước đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, Alibaba mới là số một với website mua bán trực tuyến Taobao.

3. Google Wallet

Ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2011, Google đã đi trước một năm so với các ông lớn công nghệ khác là Microsoft, Apple trong lĩnh vực ví điện tử.

Với Google Wallet, người dùng tại Mỹ có thể mua hàng, gửi tiền hoặc thực hiện các vụ mua bán trên Google Play.

Thay vì sử dụng trực tiếp thẻ, khách hàng sẽ chọn loại thẻ thanh toán đã được tích hợp trên smartphone quét lên hệ thống của Google được lắp đặt sẵn tại các siêu thị hoặc cửa hàng. Khi đó, hóa đơn sẽ hiện lên ngay trên màn hình của smartphone, khách hàng chỉ việc xác nhận để thanh toán mà không phải xếp hàng chờ đợi tại các quầy thu ngân như trước.

Trong hai năm đầu tiên ra đời, Google Wallet thu hút được khoảng 10 triệu lượt tải về từ Google Play và có 500 triệu USD được giao dịch tại Mỹ. Hiện nay ngoài thị trường Mỹ, khách hàng có thể sử dụng Google Wallet để mua hàng trên Google Play qua gần 150 nước.

Ngoài ra còn một số ứng dụng ví điện tử khác khá thành công như Passbook của Apple với tính năng đọc mã vạch, Paypass của Mastercard, V.me của Visa… đều là các ứng dụng kĩ thuật số cho phép sử dụng điện thoại di động thay cho chiếc thẻ thanh toán truyền thống thông thường.

Bitcoin – đồng tiền điện tử

Nhắc tới sản phẩm Fintech, không thể không nhắc tới Bitcoin. Có thể nói, Bitcoin là một trong những từ khóa ‘hot’ nhất trong ngành tài chính hiện nay.

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.

Chẳng hạn, một người hay một công ty ở Mỹ, chỉ cần qua vài thao tác trên điện thoại kết nối internet, có thể chuyển tiền Bitcoin ngay cho đối tác bên Nhật không cần qua ngân hàng hay bất cứ trung gian nào khác.

Bitcoin có cách hoạt động khác hẳn so với các loại tiền tệ điển hình: Không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên Internet.

Người ta cũng lập ra nhiều sàn giao dịch để những người không đào được có thể mua bán Bitcoin. Nguồn cung Bitcoin cũng được giới hạn ở mức tổng cộng là 21 triệu đồng Bitcoin. Vì vậy, Bitcoin nhanh chóng được đón nhận và sử dụng rộng rãi trong thương mại điện tử.

Đến tháng 8 năm 2017, lượng tiền cơ sở của Bitcoin được định giá hơn 71 tỷ đô la Mỹ – là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất. Giá Bitcoin ở thời điểm hiện tại đã là 7.200$/đồng Bitcoin, tăng hơn 60 lần so với 2 năm trước. Hiện tại Bitcoin đang được xem như Vàng 2.0 vì có những tính chất cơ bản của tiền tệ: có giá trị, lưu thông, dự trữ, thanh toán.

Thời gian đầu, Bitcoin được biết đến như 1 hình thức thanh toán siêu nhanh, an toàn và được áp dụng vào các dịch vụ online. Tuy nhiên từ 2015 trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã sử dụng đồng tiền này như 1 hình thức thanh toán cả ở môi trường online và môi trường offline.

Cuối tháng 5/2017, Peach Aviation – Một hãng hàng không nổi tiếng của Nhật chấp nhân thanh toán vé máy bay bằng Bitcoin. Tổng số công ty chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin đã lên tới trên 120.000 công ty, với nhiều tên tuổi lớn như Atomic Mall, Dell, Expedia, Microsoft, Paypal, PrivateFly, TigerDirect, Time., vv.

Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, máy ATM Bitcoin đã trở nên phổ biến. Tính đến giữa năm 2017, đã có khoảng 900 máy ATM Bitcoin trên toàn cầu (trong đó có 3 chiếc ở Việt nam).

TransferWise – chuyển tiền ngang cấp

TransferWise là dịch vụ chuyển tiền ngang cấp (peer-to-peer) mở cửa lần đầu vào tháng 01/2011 bởi 2 nhà sáng lập người Estonia mang tên Kristo Käärmann và Taavet Hinrikus.

Ban đầu, TransferWise được tạo ra nhằm cung cấp dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài tại London, nơi cứ 10 người thì có 4 người là dân nhập cư, mục đích là giúp các khách hàng có thể chuyển tiền ra nước ngoài với mức phí hợp lý, không bị các ngân hàng ‘bóc lột’.

Ứng dụng này nhanh chóng được ủng hộ và phát triển sang các cả khối Châu Âu, Mỹ La tinh. Hiện TransferWise đã mở thêm hàng chục văn phòng đại diện trên toàn cầu, với số tiền giao dịch đạt trên 800 triệu bảng Anh mỗi tháng.

Vì thế, TransferWise được đánh giá một trong những “nhà cách mạng fintech thực thụ”, có nguy cơ đe dọa các ngân hàng truyền thống. Hiện nay TransferWise cũng liên kết với Apple Pay và Facebook Messenger để mở rộng kinh doanh chuyển khoản thông qua việc tiếp xúc với cơ sở khách hàng của Apple và Facebook. Tiềm năng của TransferWise hiện được giới quan sát đánh giá khá cao.

GoBear – So sánh các dịch vụ

GoBear thành lập vào năm 2015 tại Singapore bởi Andre Hesselink, một doanh nhân người Hà Lan.

Đây là ứng dụng so sánh trực tuyến giúp người dùng tìm kiếm và so sánh các sản phẩm tài chính đầu tiên của châu Á. Công cụ này được thiết lập dựa trên một nền tảng đơn giản để khách hàng có thể được tự do, thoải mái lựa chọn các sản phẩm tài chính phức tạp như bảo hiểm, thẻ tín dụng và các khoản vay.

GoBear hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thông tin liên quan đến tài chính một cách minh bạch, rõ ràng, không có tính thiên vị, không mang tính chất quảng cáo hay thúc đẩy việc mua bán sản phẩm. Hiện GoBear đã phát triển đến nhiều nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Malaysia, Philipine, Hồng Kông…

Sau 2 năm đi vào hoạt động, hơn 4 triệu người đã sử dụng GoBear để thực hiện so sánh các sản phẩm tài chính trên khắp châu Á.

Lending Club – Cho vay vốn

Lending Club (câu lạc bộ cho vay) được coi là một trong những Fintech tiên phong tại Mỹ, cung cấp nền tảng cho vay ngang cấp cho phép khách hàng nhận được các khoản vay, và các nhà đầu tư có thể mua các phiếu ghi nợ hỗ trợ bởi các khoản thanh toán từ người vay.

Lending Club hiện là một ứng dụng quan trọng chuyên dành cho các doanh nghiệp và người kinh doanh nhỏ lẻ tại Mỹ. Kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2015, các khoản vay từ Lending Club đến nay đã lên tới con số 16 tỉ đô la.

Kickstarter – Gọi vốn cộng đồng

Gọi vốn cộng đồng cũng là một sản phẩm điển hình của Fintech. Có rất nhiều ứng dụng gọi vốn cộng đồng khác nhau tùy theo mục đích hay cách thức gọi vốn, mà Kickstarter là một trong những ứng dụng tiêu biểu nhất.

Kickstarter được tạo ra vào năm 2009 tại New York, cho phép các nhà phát triển, kinh doanh, sáng tạo có khả năng đem dự án của mình ra huy động vốn từ những người tiêu dùng thông thường trên mạng internet. Là một trong những trang đầu tiên giúp huy động vốn từ cộng đồng, Kickstarter đã giúp cho việc gọi vốn của các startup trở nên dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều.

Hiện Kickstarter đã trở thành trang gọi vốn lớn nhất với trên 15 danh mục khác nhau. Đến nay các startup và cá nhân đã huy động thành công hơn 2,8 tỷ đô la từ gần 10 triệu nhà tài trợ cho trên 280.000 dự án từ trang này.

Robinhood – hỗ trợ giao dịch chứng khoán

Một đại diện cho sản phẩm Fintech trong ngành chứng khoán là Robinhood. Được sáng tạo ra vào năm 2013, Robinhood là ứng dụng trên điện thoại di dộng cho phép các cá nhân đầu tư vào các công ty được niêm yết đại chúng và vào các quĩ giao dịch được niêm yết trên các sàn giao dịch tại Mỹ mà không phải trả phí môi giới.

Hiện lượng khách hàng của Robinhood đã lên tới trên 1 triệu người và tổng quĩ tổ chức gọi được lên tới gần 100 triệu đô la.

Theo khoinghiepsangtao.vn

Một số sản phẩm Fintech tiêu biểu
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here