Từ nhỏ tôi học không xuất sắc, lớn lên thì lại thích lan man nhiều thứ, đâm ra đọc không tập trung theo một hướng mà cứ tự đi theo kiểu riêng chả giống ai. Đợt CEO Hà Nội 1 vừa rồi ngồi cạnh anh Trần Kim Thành, nghe anh ấy nói về việc đối nhân xử thế thì không gì bằng đọc các sách từ thời cổ. Lúc nghe xong thì giật mình nhưng không phải là cái giật mình đầu tiên trong đời. Vì đã từng nhiều lần hoảng hốt như thế khi phát hiện ra cái cách truyền tải kiến thức cho quần chúng thâm sâu của các “cụ nhà ta” ngày xưa. Không màu mè, rắc rối, viện dẫn lý do mà chỉ đơn giản tóm gọn trong vài câu. Nhưng nếu chịu khó đi sâu thì không gì là không động tới, không gì là không có chữ “CƠ” – tức là quy luật vận hành bất biến trong đó! Dưới đây là vài ba điều như vậy. Khái quát ở đây là các cụ chỉ nói tới lỗi, nhưng suy luận ngược lại chúng ta sẽ thấy ngay nếu làm đúng thì “sự thể” nó cần phải như thế nào!
3 lỗi về cấu trúc tổng thể nặng nhất của tướng mặt:
CÔ PHONG VÔ VIỆN: Mặt có ngũ nhạc – năm đỉnh núi, một ngọn núi nổi lên lừng lững cao vòi vọi nhưng không có hỗ trợ xung quanh. Tức là 4 đỉnh còn lại không có cái nào cao như vậy mà ngược lại còn thấp hãm không tạo thế cho ngọn cao nhất đó. Điều này bị coi là thất thế.Xét ra, các cụ cho rằng, nếu một người giỏi xuất sắc mà không có người giúp rập thì về lâu về dài cũng không thành nhân tài được, hoặc giả có thành cũng không có sự nghiệp bền vững hay lừng lẫy. Trong công ty, ông chủ lúc nào cũng cho rằng mình là tài nhất, họp là để dạy chứ không phải là để bàn bạc hay trao đổi với người dưới, thậm chí là học từ họ thì không sớm thì muộn doanh nghiệp đó cũng chỉ dừng ở mức phát triển đúng theo tầm cố định ở mức hiện tại của ông chủ! Trong tổ chức, vị đứng đầu cứ bao biện, gì cũng dành lấy phần hơn, vượt trội các thành viên khác mà không biết đứng sang một bên cổ suý cho họ phát triển, cho họ bằng và hơn mình thì ai cũng sẽ thấy tổ chức ấy bị hạn chế cả về tư duy chiều rộng cũng như bề sâu. Sư phụ của tôi ngày xưa tôi rất kính phục về cách nghĩ vì ông từng nói: “Dạy học trò mà chúng nó không giỏi hơn mình thì dạy làm quái gì?”.
HỮU VIỆN BẤT TIẾP: Các đỉnh núi là có, nhưng sự tương hợp hỗ trợ nhau là không có. Phần trung tâm nổi lên nhưng 4 phần trái phải, trên dưới lại không tạo đà cho nó. Hoặc một nghĩa khác là các đỉnh đều cao cả, nhưng phần nối giữa chúng thì lại thấp hẳn xuống hay không tốt bằng nếu xét theo định tính về mặt chất lượng của các phần này. Vậy là trong tổ chức mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy phát triển theo hướng của mình mà không cần quan tâm sự phát triển ấy có tạo sức ép gì cho các phần còn lại hay không. Tình hình này rất giống như trong thời phong kiến cát cứ, cứ hễ quan lại nơi nào trội hơn nơi khác là ngay lập tức manh nha có ý tách riêng ra độc lập không còn muốn theo chính quyền trung ương. Dẫn tới hiện tượng tan đàn xẻ nghé. Khiến cho tổ chức không còn sức mạnh tập trung tổng thể. Tới lúc va chạm với tổ chức khác giống như cạnh tranh trên thị trường thì tự rơi vào thế yếu. Mà cũng không cần tới lúc va chạm, qua đỉnh cao phát triển là đã tự xuống dốc không phanh rồi. Tôi đã từng gặp nhiều công ty, đứng đầu các bộ phận toàn người tài, nhưng vì tài nên không ai chịu nghe ai, cuối cùng cũng sụp đổ.
QUẦN SƠN VÔ CHỦ: Có đủ cả các đỉnh núi, nhưng không có cái đỉnh nào hơn hẳn để thống lĩnh các đỉnh còn lại. Tại sao phải thống lĩnh? Vì cũng giống như trong tổ chức nếu không có một bàn tay sắt đủ mạnh hay một nhân cách lớn lao đủ để người ta phục mà nghe theo thì không sớm thì muộn cũng xảy ra trường hợp cát cứ, tự tung tự tác ở từng bộ phận. Hoặc giả nếu chưa có chuyện gì xảy ra từ bên trong, khi gặp đối thủ bên ngoài tấn công, tổ chức ấy sẽ rã đám từng bộ phận. Chỉ một từ có thể nói trong trường hợp này, đó là HỖN LOẠN.
Chỉnh thể của một tổ chức hay các phần tạo ra năng lực hay tính cách của một con người có nhiều điểm tương đồng. Tôi không tin có tổ chức hay người nào thành công lâu dài mà lại không tự nhìn lại tự xét đoán mình để tránh các lỗi các “cụ nhà ta” đã tổng hợp kể trên!
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt
Bài viết đăng trên group QTvKN