Datamart là một trong những dự án nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức. Công ty đang nhắm đến thị trường mục tiêu là 2,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 30% mỗi năm và ước tính đạt 8 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, theo báo cáo của Google và Temasek.
Trong phần chất vấn cùng nhà sáng lập Bùi Hải Nam, giám khảo Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, đặt vấn đề về hiệu quả với các nhà bán hàng trực tuyến được đo lường bằng cách nào. Hải Nam cho biết điều này thể hiện ở doanh số và chi phí mà các đơn vị tiết kiệm được. Phần mềm Powersell giúp quản lý bán hàng đa kênh thương mại điện tử, hỗ trợ những nhà bán hàng trên Lazada, Facebook, Shopee hay Sen Đỏ có thể mở rộng kinh doanh và bán hàng tốt hơn thông qua công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Anh nhận thấy vấn đề của hầu hết nhà bán hàng là chỉ kinh doanh tốt trên một kênh và rất muốn phát triển nhiều kênh khác. “Tuy nhiên, càng mở rộng thì họ càng quản lý kém hiệu quả bởi mỗi sàn thương mại điện tử lại có hệ thống, quy trình khác nhau. Những người bán hàng thường ra quyết định dựa vào cảm tính và có người quản lý thủ công mất rất nhiều thời gian, chính vì vậy họ không phát triển được”, Nam trình bày.
Khi mở sang sàn thứ hai hay ba, các doanh nghiệp này thường thuê tối thiểu một nhân viên để quản lý với chi phí rơi vào khoảng 7-8 triệu một người mỗi tháng. Trong khi đó, Powersell đưa ra hệ thống duy nhất kết nối tất cả các sàn sao cho các nhà bán hàng chỉ cần phải quản lý qua một hệ thống. Phần mềm sẽ phân tích mọi tình hình kinh doanh của thị trường và tự động đưa ra những tư vấn làm thế nào bán hàng tốt hơn. Cụ thể là sản phẩm nào nên bán, giá nào nên đặt, bao giờ cần nhập hàng…
Nhà sáng lập cho biết mức chi phí dao động cho tất cả hình thức này từ 2,7-3 triệu đồng mỗi tháng, tiết kiệm hơn khi thuê một người lao động chỉ để quản lý cho một kênh. Ngoài ra, hiệu quả còn thể hiện ở việc một khi đã bán tốt ở một kênh thì thời điểm mở kênh thứ hai sẽ tăng doanh số trung bình 20%.
Nhà sáng lập Datamart Bùi Hải Nam tham vọng mở rộng phần mềm Powersell ra các vùng lãnh thổ khác trong vài năm tới. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Ông Quất cũng muốn biết sản phẩm và giá bán có khác nhau với từng kênh. Câu trả lời của Nam là “có”. Anh cho biết phần mềm giúp theo dõi toàn bộ sản phẩm tương tự đang có trên thị trường. Với từng kênh, khi đối thủ thay đổi giá thì hệ thống thông báo để nhà bán hàng ra quyết định về giá bán. Vì vậy, họ có thể điều chỉnh giá bán khác biệt theo từng kênh và thậm chí là để hệ thống tự ra thuật toán tạo giá tối ưu, đồng thời tư vấn và giải thích lý do cụ thể.
Hiện Powersell kinh doanh theo mô hình miễn phí và chỉ thu tiền những nhà bán hàng nào đủ lớn hoặc có nhu cầu đặc biệt. Dựa theo mô hình kinh doanh đó, trong vòng hơn một năm startup đã có hơn 4.000 khách hàng, giúp họ quản lý 5 triệu sản phẩm với 40.000 đơn hàng mỗi ngày.
“10% trong đó khách hàng bắt đầu trả tiền và đủ để chúng tôi đạt điểm hòa vốn trong thời gian vừa qua. Kế hoạch sắp tới muốn đưa sản phẩm này đến 6 nước Đông Nam Á, đạt lợi nhuận 3 triệu USD vào 5 năm tới”, Nam chia sẻ.
Giám khảo Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT thắc mắc liệu Datamart có cần làm việc trực tiếp với các sàn thương mại điện tử. Theo Nam, trên thực tế là nên có việc này nhưng cũng không quá cần thiết bởi hầu hết các sàn phát triển đã có API mở cho các đối tác khác có thể kết nối vào.
“Trong tương lai, các khách hàng của bạn còn mong muốn gì nữa?”, ông Bình tiếp tục chất vấn. Nhà sáng lập cho rằng khách hàng luôn mong đợi rất nhiều thứ và muốn Powersell có thể tự động hóa hỗ trợ hoạt động kinh doanh, cập nhật nhanh nhất những thay đổi trên thị trường để có những hướng xử lý phù hợp. “Ví dụ họ cần bán sản phẩm này thì xu hướng hiện giờ đang là gì, giá của tôi thế này thì các đối thủ thay đổi như thế nào hay cho biết tôi đã cần phải nhập hàng chưa, nhập bao nhiêu và giải thích cho tôi lý do tại sao”, anh dẫn chứng.
Chủ tịch FPT tiếp tục xoáy sâu vào nội hàm phần mềm làm sao có thể đánh giá được là các sản thương mại điện tử đang bán bao nhiêu sản phẩm với một mặt hàng. Nam thừa nhận điều này Powersell không thể làm được nhưng công ty có những thuật toán nhận biết các sản phẩm đang bán chạy. Kết quả được đo bằng tần suất xuất hiện trên trang chủ của các kênh thương mại điện tử, chứng tỏ có lượng mua tốt. Mặt khác, phần mềm do lượng đánh giá mà khách hàng để lại trên các sàn theo tuần và nếu số này càng nhiều thì là tín hiệu có nhiều người mua.
Các dữ liệu không chỉ ở Việt Nam mà còn được thu thập từ các thị trường khác như AliExpress hay Philippines, Indonesia để tư vấn cho các nhà bán hàng trong nước, từ đó đưa cho họ những ý tưởng bán hàng mới.
Tính năng phân tích chuyên sâu về sản phẩm, tư vấn, gợi ý hành động cho nhà bán hàng của Powersell |
Ý tưởng được ông Bình đánh giá cao nhưng giám khảo lo ngại tính cạnh tranh để các đối thủ khác không sao chép. Nhà sáng lập đồng thuận là bất cứ đối thủ hay ý tưởng nào cũng có thể sao chép, điều quan trọng là tốc độ. Dữ liệu được Powersell thu thập từ toàn bộ thị trường, từng sản phẩm, giá cả và khuyến mãi trong suốt một năm qua. Công ty dùng dữ liệu này để xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể tự động tư vấn, phân tích cho từng nhà bán hàng ở từng quy mô và ngành hàng khác nhau. Anh tin tưởng nếu có đối thủ muốn thực hiện mô hình tương tự cũng cần một khoảng thời gian tương đương.
“Công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích nhưng thực tế tất cả dữ liệu còn đến từ đội ngũ là những người nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử để làm nên mô hình đó. Vì thế, lợi thế của chúng tôi là có một năm trước khi người khác bắt kịp”, anh diễn giải.
Trong một năm qua, Datamart đã đập đi xây lại hệ thống ba lần và đến nay đã đạt điểm hòa vốn. Ưu tiên hàng đầu của startup thời điểm này là tìm các đối tác để hai bên cùng phát triển, từ đó tiến gần đế mục tiêu lợi nhuận triệu USD và phủ sóng Đông Nam Á trong 5 năm tới.
Kết quả Top 5 Startup Việt 2018 sẽ công bố tại Gala chung kết diễn ra từ 13h ngày 15/11 tại Gem Center, quận 1, TP HCM.
Hội đồng giám khảo có ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Phạm Văn Tam – sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo và ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học – công nghệ Việt Nam.
Trương Sanh