Bài viết của Nguyễn Thị Ngọc Diệp, ActionCoach, đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Khi tuyển một nhân viên có lẻ các chủ DN thường tập trung đánh giá kiến thức và các kỷ năng của một ứng viên mà ít quan tâm hoặc đặt nhẹ việc đánh giá thái độ của ứng viên ấy. Bạn có biết để một con người thành công thì kiến thức chỉ đóng góp 4%, kỹ năng đóng góp 26% trong khi đó thái độ đóng góp 70% cho sự thành công của một ai đó. Vì vậy, nếu bạn có được một nhân viên vừa có thái độ đúng vừa có chuyên môn giỏi thì bạn quả là may mắn.
Nếu giữa một người giỏi mà thái độ không đúng với người có thái độ đúng nhưng chuyên môn không cao thì bạn sẽ chọn ai? Doanh nghiệp bạn cũng giống như một chuyến xe bus, chở những vị hành khách là những nhân viên bạn đi về một đích đến, nếu những người không có thái độ đúng thì hẳn trước sau họ cũng sẽ xuống xe vì giá trị của họ và của DN bạn không cùng một hướng. Với một người không có chuyên môn hoặc chuyên môn thấp, kỹ năng thấp bạn có thể đào tạo họ, việc cải thiện chuyên môn lâu hoặc mau tuỳ khả năng từng người nhưng ít nhất bạn cũng có thể đào tạo, trong khi thái độ thì khó thay đổi. Tại sao tôi nói thái độ khó thay đổi?
Thái độ của một con người được hình thành trãi qua một quá trình dưới sự tác động của nhiều yếu tố. Đó là những yếu tố về hoàn cảnh, môi trường gia đình, môi trường giáo dục, xã hội… tất cả được thẩm thấu qua thời gian và hình thành cho mỗi người một động lực, từ động lực ấy dẫn dắt đến hành vi, thái độ ứng xử của một con người. Quá trình hình thành động lực ở một con người sẽ diễn ra từ nhỏ cho đến năm 22 tuổi. Chính vì thế, những giá trị ưu tiên của các động lực này sẽ ít biến động ngoại trừ họ có những biến cố nhất định.
Câu hỏi đặt ra làm thể nào để tuyển được người có thái độ đúng? Ở một số công ty họ sử dụng những bài test về tâm lý, hoặc test Motivators (test để tìm hiểu đâu là những giá trị động lực ưu tiên sâu thẳm bên trong của một người). Hoặc trong quá trình phỏng vấn bạn có thể sử dụng hình thức phỏng vấn nhóm. Tức là bạn cho nhiều ứng viên đến gặp phỏng vấn viên cùng một lúc. Cùng một câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người trả lời. Bạn sẽ dễ dàng quan sát thái độ thể hiện của mỗi người trước đám đông, trước their peers (những người cùng cấp cùng vị trí).
Hình thức này cũng cho phép bạn dễ dàng so sánh các ứng viên với nhau. Người phỏng vấn viên khéo léo đưa ra một câu hỏi có lời đáp ở nhiều góc độ, nhiều chiều để chính những người trong cuộc sẽ tự tạo mâu thuẩn cho nhau. Qua đó bạn sẽ có dịp quan sát chọn ra một nhân viên có thái độ phù hợp với văn hoá Doanh Nghiệp bạn nhất. Nhớ, không phải là câu trả lời đúng sai mà là thái độ của họ!
Chúc các bạn may mắn có được cho mình những nhân viên thành công cùng bạn.