Bài viết rất hữu ích của anh Vũ Trung Hiệp đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Một doanh nghiệp với hơn 20 năm trong ngành, chọn được một tên thương hiệu rất đại chúng, dễ nhớ và phù hợp ngành hàng cực kỳ. Bao năm làm ăn ngon lành, thênh thang bước đi, không cần nghĩ đến việc sở hữu hay có vi phạm của ai không. Bỗng một ngày đẹp giời, có một tổ chức quốc tế có tên y trang tên nhãn hiệu của DN kia đâm đơn kiện. Mặc dù họ là tổ chức quốc tế về một lĩnh vực “chả liên quan” nhưng họ “thích thì họ kiện thôi”. Không những “thích” họ còn thuê một công ty luật ở Việt Nam, phân tích về mặt pháp luật một cách rất chi hợp tình hợp lý. Và một khi đã bị “có ý kiến” thì một loạt các hệ lụy có liên quan lẫn không liên quan ào ạt đôt xuống đầu DN. Đầu tiên là bị thu hàng hóa trên thị trường, nộp đơn thì bị từ chối…. Hàng thì vẫn cứ sản xuất, cứ kinh doanh, nhưng vướng cái tên, thỉnh thoảng quản lý thị trường hỏi thì lại phải giải trình này nọ. Đầu tư phát triển thêm thì không dám, mà chuyển sang tên mới thì lại tốn kém biết bao. Cơ khổ.
Môt doanh nghiệp khác thành lập với một cái tên mà chỉ đổi thủ, nhà phân phối, nhà cung cấp biết, còn người tiêu dùng và xã hội hầu như không biết. Họ chỉ biết đến những nhãn hiệu trên các sản phẩm do công ty này sản xuất thôi. Cũng hơn 20 năm sừng sững tồn tại. Rồi một ngày cũng đẹp trời, họ muốn quay ra phát triển các dòng sản phẩm mới với cái tên của công ty mẹ. Chưa kịp hào hứng vác đơn đi đăng ký nhãn hiệu như lời tư vấn thì họ biết được nhãn hiệu giống với tên công ty họ đã bị đăng ký cho dòng sản phẩm tương tự mất rồi.
Trên đây là trường hợp của hai DN mà tôi đã từng cung cấp dịch vụ. Thế chuyện gì đang xảy ra với hai DN trên thế? Vâng, đó là những vấn đề của Sở Hữu Trí Tuệ (IP: Intellectual Property), là đăng ký nhãn hiệu đó ạ. Nói ra thì ai cũng bảo là “biết rồi khổ lắm nói mãi”, thê nhưng không ít DN rơi vào trường hơp như hai DN trên đâu. Không chỉ các công ty ra đời cách đây nhiều thập kỷ chưa nắm rõ luật đâu. Khối DN mới toanh cũng vẫn thờ ơ, lơ là lắm.
Các cụ nhà ta có câu: Mất bò mới lo làm chuồng. Trong trường hợp của đăng ký nhãn hiệu thì bò chưa ra đời đã phải làm chuồng thật ngon lành rồi. Sẽ là quá muộn nếu có sản phẩm rồi mới nghĩ tới IP. Doanh nhân, doanh nghiệp thời 4.0 không thể kinh doanh mà đầu óc không có khái niệm nào về IP được. Đó là một lĩnh vực nhức óc, nhưng không thể vì thế mà doanh chủ, người lãnh đạo được phép phó mặc cho nhân viên, luật sư hay công ty luật.