Thế giới sẽ thay đổi ngày một dữ dội hơn trong những năm sắp tới. Chúng ta cần dự đoán được điều gì sẽ xảy ra để lèo lái doanh nghiệp của mình tránh khỏi các hố sâu tử thần – tôi hay gọi là hầm chông vô hình – đã kéo các doanh nghiệp một thời gian lừng danh, tiền nhiều, hoặc tuổi đời dài sụp đổ như Kodak, Nokia, Sears… Chúng ta dựa vào gì để phân tích và dự đoán.
Bạn hãy cùng tôi hình dung vài tình huống rất thường gặp 10 năm về trước như sau:
Đi công tác xa mà bạn không quen thuộc, bạn cùng vài đồng nghiệp cần thuê xe để đi vào lúc nửa đêm. Bạn tìm kiếm thông tin thuê xe taxi vất vả, gọi điện thuê xe với giá cắt cổ và chờ gần cả tiếng đồng hồ mới đặt được xe sau vài lần gọi. Bạn mệt mỏi, cáu bẳn và chẳng còn mấy tinh thần cảm nhận cái đẹp ở nơi mình đang đến, tinh thần làm việc tuột giảm nghiêm trọng ảnh hưởng đến kết quả công việc, đến sự nghiệp và cả cuộc sống riêng.
Rất nhiều người trong chúng ta đã có thể rơi vào tình huống nêu trên. Chắc chắn chúng ta bực bội, có thể giận dữ tới mức chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp nhưng sau đó chúng ta bỏ mặc chuyện đó, không nghĩ thêm gì về chuyện đó, để nó trôi đi.
Có một nhóm người không bỏ qua tình huống này, và họ đã tạo nên Uber của ngày hôm nay. Theo đánh giá từ một bài viết trên Bloomberg vào tháng 10, 2018 của Alex Barinka và Eric Newcomer, Uber có thể được đánh giá 120 tỷ USD khi tung ra bán cổ phần cho công chúng. Uber mới được được thành lập năm 2009, gần được 10 tuổi. Nếu so sánh với các công ty taxi truyền thống, chúng ta sẽ không thể so sánh nổi dù tuổi đời của các công ty kia có lâu đời tới đâu, tiềm năng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với Uber của năm 2009.
Bạn vào sáng Chủ Nhật, mệt mỏi khi chưa được hồi sức đầy đủ sau một tuần làm việc cực nhọc, nhưng nhận ra nhà bị thiếu rất nhiều thứ cho sinh hoạt, bạn quyết định phải tới siêu thị. Cũng vẫn thiếu những món quen thuộc như dầu ăn, gạo, bột giặt,… Bạn đã phải thực hiện những bước gì? Đi lấy xe (bước 1), chạy xe đến siêu thị (2), gửi xe (3), bước vào siêu thị lấy xe đẩy (4), đi lòng vòng trong siêu thị tìm các món mình muốn (5), xếp hàng tính tiền (6), đẩy hàng ra lấy xe (7), chạy về nhà (8).
Đấy là khi mọi chuyện thuận lợi. Bạn hãy hình dung tâm trạng như thế nào nếu kẹt xe, tìm không ra chỗ để xe, đông người xếp hàng tính tiền và về đến nhà mới nhận ra mình quên mua món nào đó. Kiệt sức, bực bội, hẳn vậy. Nhưng rồi bạn sẽ bỏ qua vì mọi người đều như vậy.
Chỉ có một nhóm người tại Amazon không nghĩ vậy, và họ tạo ra Amazon Dash Button – nút bấm đặt hàng siêu nhanh, mới được tung ra vào năm 2014 – kết nối với vài trăm thương hiệu, sản phẩm bạn thường mua. Hãy hình dung bạn đến máy giặt của mình và thấy sắp thiếu bột giặt, bạn nhấn vào nút Dash Button thương hiệu X bạn thường xài, và 48 giờ sau, Amazon sẽ giao gói bột giặt tới trước nhà của bạn. Bạn bớt được hàng chục giờ mệt mỏi, bực bội và có thêm thời gian để hưởng thụ, kết nối với gia đình bạn bè hay nâng cấp bản thân. Đến nay, theo tôi được biết, Amazon chưa có đối thủ xuất hiện. Và họ đã được đánh giá trên ngàn tỷ đô năm 2018 vừa qua.
Bây giờ bạn hãy cùng tôi chuyển tới 10 năm sau, năm 2028 và hình dung tình huống sau.
Đứa con gái của bạn hẹn đưa bạn trai đầu tiên về giới thiệu gia đình. Cả nhà hồi hộp chờ đợi cậu ấy. Cô bé đưa bạn trai về và bạn choáng váng nhận thấy, bạn trai ấy là một… robot mà cô bé đặt mua về! Cả nhà phản đối, nhưng cô bé bảo rằng cô ấy không tìm thấy ai hiểu cô ấy hơn “anh ấy”. Rằng “anh ấy” vô cùng ngọt ngào, hiểu được mọi nỗi sợ hãi của cô ấy, biết an ủi, biết làm cô ấy vui, toàn tâm toàn ý với cô ấy 24/7. Không chỉ có thế, “anh ấy” còn rất giỏi cả chuyện “giường chiếu”. Cô bé vô cùng hạnh phúc.
Câu chuyện tưởng tượng thứ ba này tôi lấy ý từ phim “Trí tuệ Nhân tạo – AI” – do đạo diễn lừng danh Steven Spielberg thực hiện cùng với diễn viên nhí Haley Joel Osment và tài tử điển trai Jude Law. Trong phim Jude Law vào vai một “trai điếm” robot được các cô gái trả tiền để lên giường với anh ấy. Gần 20 năm trước, các nhà làm phim đã hình dung thế giới tương lai như vậy.
Nhiều bài báo trong hai năm qua đã dự đoán thị trường robot cho tình dục sẽ phát triển vượt trội trong các năm tới. Và “lạ thay”, chính phụ nữ lại có thể là thị trường béo bở nhất của loại “sản phẩm” này. Câu chuyện tưởng tượng thứ ba mà tôi và bạn vừa cùng hình dung có thể sẽ thành sự thật, dù con của bạn có là trai hay gái.
Hầm chông vô tình
Thế giới sẽ thay đổi ngày một dữ dội hơn trong những năm sắp tới. Chúng ta cần dự đoán được điều gì sẽ xảy ra để lèo lái doanh nghiệp của mình tránh khỏi các hố sâu tử thần – tôi hay gọi là hầm chông vô hình – đã kéo các doanh nghiệp một thời gian lừng danh, tiền nhiều, hoặc tuổi đời dài sụp đổ như Kodak, Nokia, Sears… Chúng ta dựa vào gì để phân tích và dự đoán.
Đó là nhu cầu, khát vọng của con người. Bạn dự đoán được nhu cầu đó, bạn chiến thắng. Bạn dự đoán sai, như trường hợp Kodak tin vào giấy ảnh và phim sẽ còn chiếm thị trường nhiều năm sau chứ không phải máy ảnh kỹ thuật số dù Kodak đã nhảy vào nghiên cứu ra con chip cho máy ảnh này từ những năm 70 đi trước thời đại rất xa. Bạn có thể sẽ bị phá sản như trường hợp của Kodak – đăng ký phá sản năm 2012 sau gần 130 năm tồn tại. Kodak đã không dự đoán được con người muốn chụp hàng chục ngàn tấm hình để chọn ra được những tấm đẹp nhất, điều mà giấy ảnh và phim không thể làm nổi. Máy ảnh kỹ thuật số, được Kodak tham gia sáng tạo ra, hài hước cay đắng thay lại giết chết chính Kodak.
Đọc đến đây, bạn có thể cãi tôi rằng, doanh nghiệp của bạn nhỏ xíu vài chục nhân viên, chẳng có liên quan gì đến công nghệ như các câu chuyện nêu trên, bạn không cần phải nghiên cứu sâu như họ.
Sai! Khi không hiểu nhu cầu, khát vọng của con người, bạn sẽ không kích hoạt được khát khao của đội nhóm bạn, hoặc tệ hơn, thay vì vun đắp ước mơ của đội nhóm, bạn lại vùi dập khát khao của họ. Hoặc tệ hơn nữa, bạn đối xử với họ không ra gì, để rồi họ phải ra đi. Tôi đã chứng kiến hàng ngàn trường hợp như vậy.
Chúng ta đang lãng phí bằng cách làm ngược lại những gì người ta muốn chúng ta làm, dù đối tượng có là khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp hay nhà đầu tư. Bạn biết cách, họ sẽ ở lại với bạn, gắn kết yêu thương bạn, doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của bạn. Bạn hiểu sai cách. Họ chia tay bạn. Đừng đổ lỗi cho họ. Hãy xem lại chính mình. 70% trường hợp, nhân viên ra đi là vì sếp. Họ bỏ đi là họ “sa thải” bạn với tư cách nhà quản lý, và có thể chính bạn đang tạo ra đối thủ mạnh cho doanh nghiệp bạn trong tương lai. Khách hàng ra đi thì sẽ vì ai?
Con người muốn gì?
Câu hỏi muôn thuở của loài người nhưng dường như câu trả lời mỗi lúc một phức tạp hơn.
Chúng ta cần TỒN TẠI, KẾT NỐI và PHÁT TRIỂN.
Với bất kỳ đối tượng nào, bạn cũng sẽ đối mặt với ba nhu cầu trên. Họ cần những gì giúp họ tồn tại tốt hơn, kết nối tốt hơn, phát triển tốt hơn.
Ăn uống đủ no, sạch sẽ, an toàn là nhu cầu cơ bản. Ăn ngon hơn, được trân trọng khi bước vào quán ăn, được ăn trong môi trường lịch sự, lãng mạn, cùng với người mình yêu, để được người yêu và chính mình nhìn nhận mình là người thành đạt khi bước vào quán là nhu cầu kết nối. Được biết thêm về ẩm thực, về món ăn, về văn hóa, về con người tại đất nước đó, khu vực đó là nhu cầu phát triển.
Với nhân viên cũng tương tự. Họ muốn có việc làm để có thu nhập giúp tồn tại tốt hơn, an toàn hơn, tiện nghi hơn, bớt bực bội hơn. Chắc chắn rồi, nhưng đó chỉ là cơ bản. Họ muốn được gắn kết với những đồng đội trong doanh nghiệp của mình, được trân trọng với từng thành tích mình đạt được, được động viên mỗi khi vấp ngã, được giúp đỡ để vươn lên vượt qua các thách thức đang và sẽ phải đối mặt, được vươn lên, nâng cấp chính mình và sống có ý nghĩa với mọi người, hạnh phúc với việc mình đang làm.
Đơn giản chỉ có như vậy. Nhưng rất ít các cấp quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp hiểu thấu đáo trong các tình huống phải xử lý mỗi ngày hay dự đoán tương lai để lèo lái chiến lược công ty. Chính chúng ta sa lầy với những bài toán vụn hàng ngày, nhưng việc lặp đi lặp lại được làm theo một cách không sáng tạo qua nhiều năm, chúng ta càng bận để rồi không nhìn thấy những cách làm mới, sáng tạo ra môi trường mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới với đội nhóm rực lửa khát khao. Như cơn bão U23 đỏ lửa trên tuyết trắng Thường Châu đã đốn hàng triệu con tim người hâm mộ Việt. Bạn không làm được và có thể bạn cho rằng điều này không bao giờ làm được, chỉ các tập đoàn lớn họ mới làm nổi. Bạn quên rằng, tất cả các tập đoàn lớn đều xuất phát từ rất nhỏ, có thể còn nhỏ hơn quy mô doanh nghiệp của bạn ngày hôm nay. Họ làm được những điều tưởng chừng không thể, họ mới trở nên vĩ đại.
Họ hiểu con người muốn gì và họ thiết kế xây dựng doanh nghiệp của họ đem lại điều đó. Đem lại giấc mơ, hy vọng và khát khao của con người. Bất kể đối tượng là ai, khách hàng hay nhân viên, nhà cung cấp hay nhà đầu tư, mỗi bên tham gia cuộc chơi đều nhận được điều mình muốn và họ dự đoán được tương lai sẽ đi về đâu để thiết kế xây dựng đón đầu. Cuộc chơi đó mới bền vững. Doanh nghiệp mới phát triển bùng nổ.
Bạn cần thấu hiểu con người, không chỉ lý trí mà còn bằng cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc đã trở thành vô cùng quan trọng. Quan trọng tới mức Harvard mới ra cả loạt sách về các chủ đề Hạnh phúc, Cảm xúc, Cảm thông dành cho các lãnh đạo cấp cao nhất các tập đoàn. Bởi vì bạn luôn cần kết nối với con người.
Bạn cần trí xét đoán minh bạch, phân tích logic, phản biện rõ ràng (chú ý phản biện khác rất xa với phê phán, chê bai người khác), biết tìm kiếm nhiều nguồn thông tin để đánh giá được hiện trạng và hình dung được tương lai. Bởi vì bạn luôn cần đánh giá tình huống chính xác.
Bạn cần tài lãnh đạo, giao tiếp khéo léo, tầm nhìn rõ ràng, năng lực mạnh để kết nối đội nhóm, biến những con người rời rạc thành một đội gắn kết, chiến đấu rực lửa. Họ tin vào tầm nhìn, con người, năng lực của bạn, họ mới đi theo bạn. Nói cho cùng, họ cần bạn từ những điều này. Bạn luôn cần có nó, để có một đội nhóm đúng nghĩa.
Sau cùng, bạn sẽ cần công nghệ để đem lại những giá trị vượt trội nhất cho con người, giảm tải cho con người, giúp con người tồn tại tốt hơn, kết nối tốt hơn, phát triển nhanh hơn. Nhưng công nghệ chỉ đóng vai trò cuối. Nếu không có lý, nếu không có tình, công nghệ cũng không tồn tại. Steve Jobs nói rằng: Công nghệ chẳng là gì cả. Điều quan trọng là bạn có niềm tin vào con người, rằng về bản chất họ là tốt và thông minh, và nếu bạn đưa cho họ công cụ, họ sẽ làm được những điều tuyệt vời từ đó.
Hay bắt đầu bằng những điều cơ bản. Bằng việc tò mò đặt câu hỏi: Con người (sẽ) muốn gì?
*Nhà sáng lập Missionizer
Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng