Bài viết của anh Bùi Đỗ Mạnh, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển ONEBANK, đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Rất nhiều học viên than vãn với tôi về việc nói mãi mà nhân viên không nghe, không làm theo yêu cầu của Sếp. Tôi biết nhiều cơ quan lắp cả máy chấm công bấm vân tay nhưng nhân viên vẫn lãng công ăn cắp giờ làm; Có công ty mất hàng trăm triệu do nhân viên được tin tưởng nhất lại tham ô; Có nhân viên cãi sếp thậm tệ ngay trước mặt khách hàng. Tại sao vậy? Đai đa số các Sếp đều bất ngờ khi tôi nói là lỗi do sếp trước khi nói tới lỗi do nhân viên.
Nếu Bạn là Ban Quản lý hay Ban Cán sự lớp, Bạn phải thay đổi để trở thành hình mẫu mà bạn muốn học viên trong lớp noi theo. Hỡi ôi, nói khó hơn làm. Đã bao lâu rồi Bạn cùng thảo luận với học viên trong lớp? Đã bao lâu rồi bạn đến trực nhật lớp? Đã bao lâu rồi Bạn không chen ngang khi check in vào lớp? Và ở Cơ quan cũng vậy, đã bao lâu rồi Bạn vào họp đúng giờ? Đã bao lâu rồi Bạn trả lương đúng hạn? Đã bao lâu rồi bạn đến thăm nhà một nhân viên trong công ty? Bạn đã bao giờ mắng nhân viên trước mặt khách hàng hay các nhân viên khác chưa? Khi có vấn đề khó phát sinh, Bạn nhận trách nhiệm và xử lý hay đùn đẩy cho cấp dưới?
Bạn không thể yêu cầu các học viên đến lớp đúng giờ nếu như bạn chưa có mặt trước đó.
Bạn không thể yêu cầu các học viên tham gia tích cực vào buổi học nếu bạn đang lướt Facebook trong giờ.
Bạn không thể yêu cầu các học viên yêu quý lớp nếu như bạn không thực sự yêu quý và dành toàn bộ tâm trí cho lớp.
Và ở cơ quan cũng vậy.
Bạn không thể bắt nhân viên yêu quý khách hàng nếu như Bạn chưa yêu quý nhân viên.
Bạn không thể bắt nhân viên có trách nhiệm với công việc nếu như bạn bỏ mặc họ với khó khăn mà không hỗ trợ.
Bạn không thể bắt nhân viên yêu quý công ty yêu quý lẫn nhau nếu như bạn chưa yêu quý gia đình của họ, chưa công bằng trong công việc.
Dù muốn hay không thì khi làm lãnh đạo, bạn luôn là hình mẫu cho nhân viên cấp dưới.
Làm sao chúng ta có thể mong đợi người khác thay đổi nếu chúng ta không sẵn sàng thay đổi bản thân?
Sự tác động của Bạn đối với nhân viên lớn hơn Bạn nghĩ rất nhiều. Vì vậy, đừng coi nhẹ những lời phê phán gay gắt (kể cả có căn cứ) đối với nhân viên đặc biệt chỗ đông người, hành động cẩu thả và thái độ thiếu tích cực kể cả khi không có nhân viên vì thói quen đó sẽ có một ngày lộ ra. Khi giảng cho học viên (quản lý cấp trung) về lập kế hoạch, tôi đều hỏi họ có kêu ca, phản đối kế hoạch được giao không? Đa phần họ nói có và đặc biệt là kêu ca với nhân viên (không dám cái sếp).
Tôi lại hỏi họ là nếu họ kêu ca như thế thì nhân viên sẽ thế nào khi họ giao chỉ tiêu xuống. Rất nhiều học viên giật mình và tâm sự vơi tôi rằng chưa để ý đến tác động của việc này. Bạn chưa tự tin vào công việc thì không thể bắt nhân viên làm theo được. Là Lãnh đạo thì chúng ta phải truyền cảm hứng và niềm tin để nhân viên vững tin vào công việc của họ. Tôi vẫn nhớ câu chuyện về 100 chiến binh hát vang tiến vào thung lũng tử thần vì họ tin vào vị tướng của mình (trong film về cậu bé được nhận nuôi chơi bóng bầu dục).
Hãy là một lãnh đạo hình mẫu.
Để khuyến khích mọi người, Bạn cần phải bắt đầu nhận thức mình là một hình mẫu. Là một ví dụ tốt cho mọi người. Và không chỉ Bạn, mà hãy khích lệ để các quản lý cấp trung ý thức được mình là hình mẫu cho đơn vị. Để làm được việc này thì tinh thần trách nhiệm và hành vi của người lãnh đạo phải được đề cao. Nhà dột từ nóc. Nếu Bạn không thay đổi thì cấp dưới không bao giờ thay đổi vì họ hiểu muốn thay đổi nhưng cũng không được. Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của người lãnh đạo.
Một đội trưởng mẫu mực của đội bóng thì luôn xuất hiện ở các điểm nóng trên sân. Roy Keane là một hình mẫu điển hình trong vai trò đội trưởng của đội bóng lớn. Anh đã chấp nhận chơi máu lửa để rồi phải nhận thẻ vàng dù biết rằng như thế mình sẽ không được đá trận Chung kết UEFA Champion League 1998 – 1999. Chính chiếc thẻ vàng đó đã là động lực cho toàn đội Manu chơi máu lửa và lội ngược dòng thắng lại Juventus 4-3. Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của mình khi xem trần bóng đấy. Năm đó Manu đã có cú ăn 3 ngoạn mục.
Vậy làm thế nào để trở thành một người Lãnh đạo hình mẫu?
Để trở thành một người lãnh đạo hình mẫu, Bạn cần làm tốt 5 việc:
1. Luôn tự soi xét bản thân – Tự đặt ra các tiêu chuẩn cao cho bản thân và người khác. Biến mục tiêu thành kế hoạch và hành động để đem lại kết quả tốt nhất cho tổ chức.
2. Tự ý thức – Luôn cầu thị học hỏi những cái mới và biết lắng nghe tích cực. Bạn thực hiện nhất quán những công cụ đơn giản và áp dụng những kinh nghiệp thực tiễn hiệu quả nhất vào công việc.
3. Luôn cho thấy sự đồng cảm – Hãy thay đổi hành vi ứng xử và hãy nghĩ kỹ về tác động của Bạn đối với người khác.
4. Lãnh đạo bằng hình mẫu về tầm nhìn, giá trị cốt lõi, lòng can đảm và sự chính trực – Hãy truyền đạt rõ ràng tầm nhìn và mong đợi của Bạn để mọi người biết Bạn đang đi đâu.
5. Sẵn sàng dẫn dắt – Bạn dẫn dắt bằng các bài thực hành mẫu. Bạn thành thật , chân thành và luôn thực hành những gì Bạn rao giảng .
Vào buổi học CEO cuối cùng, khi mà cả lớp đã nhận bằng tốt nghiệp và vừa trải qua một buổi liên hoan bùng nổ – mọi người đều mệt và tôi cũng rất mệt, khi thầy Trần Kim Thành và Cô Phạm Thị Bắc kết thúc bài giảng rất hay vào lúc 7 giờ tối, tôi hô nhỏ:
“Mời cả lớp CEO KH NH01 đứng lên cảm ơn Thầy Thành” và điều kỳ diệu đã xẩy ra. 150 bạn Học viên đồng loạt đứng dậy vỗ tay không dứt cho đến khi thầy Thành mời mọi người lên chụp ảnh chung. Tôi đã không đứng trong bức hình đó vì đang cảm nhận sự hạnh phúc dành cho riêng mình.
Cám ơn các Thầy đã dành thời gian, công sức và nhiều tình cảm cho Lớp CEO KN HN01. Cám ơn Thầy Lâm Minh Chánh chủ nhiệm lớp, Thầy Lý Trường Chiến, Bố Đỗ Long, Thầy Trần Kim Thành, Thầy Nguyễn Đức Sơn đã tổ chức và luôn đồng hành với lớp. Tôi muốn đặc biệt cám ơn đến thầy Đỗ Xuân Tung, cám ơn Anh Phạm Ngọc Linh và Ban Cán sự Lớp đã cùng tôi hỗ trợ quản lý 150 bạn học viên đầy tài năng nhưng cũng cá tính của lớp HN01. Họ sẽ thành công và sẽ là hình mẫu cho các lớp CEO HN tiếp sau. Tôi tin vào họ.
Bài viết cho Sách – Chuyện lớp mình của CEO KH NH01.