Đó là câu chuyện dám nghĩ, dám làm của anh Hà Văn Chục (37 tuổi, bản Chiềng Cồng, xã Tén Tằn, Mường Lát). Từ xuất phát điểm thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng, phấn đấu, anh Chục đã khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất cằn, trơ sỏi đá của quê hương mình.
Một góc xưởng sản xuất gạch của anh Hà Văn Chục.
Cũng như hàng trăm hộ dân đang sinh sống nơi bản Chiềng Cồng, anh Hà Văn Chục từng có những ngày tháng lăn lộn với khoảnh ruộng nhỏ, chăn nuôi vài con trâu, con bò làm kế sinh nhai. Thu nhập chẳng đáng là bao, đủ ăn đã xem như may mắn. Trời không thương, năm nào mưa lũ nhiều có khi còn đói. Chán nản với cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, anh rời quê đi làm thuê, làm mướn khắp nơi những mong cuộc sống có gì đó đổi khác. Tuy nhiên, ngoài kinh nghiệm tích luỹ được sau mỗi chuyến đi, thử sức với nhiều công việc, anh Chục vẫn không thoát được hoàn cảnh sống khó khăn, eo hẹp. Anh trở về quê tiếp tục sống những ngày buồn tẻ. Khởi đầu cho sự thay đổi đến với anh Chục vào năm 2011, trong một lần đưa em gái xuống TP Thanh Hóa khám chữa bệnh, dọc đường đi, anh quan sát thấy rất nhiều nơi sản xuất gạch từ bột đá và xi măng (gạch vồ), khách hàng vào ra mua bán nhộn nhịp. Ngẫm nghĩ nghề này ở quê chưa có ai làm, với khát khao được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh quyết định khởi nghiệp từ những viên gạch vồ ấy.
Để hiện thực hoá ý tưởng của mình, anh Chục thuyết phục gia đình cho phép bán đi 4 con bò lấy vốn làm ăn. Anh bảo: “Nếu không chấp nhận mạo hiểm thì chúng ta sẽ mãi quẩn quanh trong nghèo đói”. Gia đình thuận theo ý anh, chấp nhận đánh cược toàn bộ gia tài, vốn liếng của mấy miệng ăn trong nhà vào cậu con trai có chí hướng. Nhiều người trong bản biết chuyện nói anh “gàn dở”, “xôi hỏng bỏng không”, anh Chục vẫn kiên định với mục tiêu của mình. Anh thành thật chia sẻ: “Đôi khi, bản thân cũng có cảm giác lo lắng bởi mình vốn ít, chưa có thị trường, kinh nghiệm với nghề gần như là con số 0 tròn trĩnh”. Nhưng anh luôn tin, nếu mình có quyết tâm thì khó khăn thế nào cũng có thể vượt qua được.
Anh Hà Văn Chục trao đổi kinh nghiệm về phát triển mô hình khởi nghiệp với đoàn viên, thanh niên trong xã.
Nghĩ là làm, có tiền từ việc bán mấy con bò, anh tập trung nhập nguyên liệu, đầu tư máy trộn, khung đóng gạch, tự mày mò cách làm. Lứa sản phẩm đầu tiên thất bại, phần vì nóng vội, phần do không đảm bảo kỹ thuật, quy trình nên gạch đóng ra bị vỡ nhiều. Anh nén nỗi buồn vào lòng, anh học cách điềm tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn. “Phải thành thợ rồi mới có thể thành chủ được” – anh Chục nghĩ bụng. Sau thất bại đó, anh khăn gói đi “tầm sư học đạo”, xin vào một số cơ sở sản xuất gạch vồ có tiếng ở các vùng lân cận xin làm thợ để học hỏi kinh nghiệm. Trải qua hơn nửa năm trực tiếp làm và tìm hiểu các công đoạn sản xuất gạch vồ, một lần nữa, anh trở về quê, tiếp tục hành trình khởi nghiệp. Chính sự quyết tâm cùng với tinh thần ham học hỏi, anh Chục đã thành công với nghề. Thời điểm hiện tại, anh Chục đã xây dựng được cơ sở sản xuất gạch với 6 công nhân lao động thường xuyên, mức lương ổn định ở mức 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường khoảng 5 vạn gạch, thu nhập bình quân khoảng trên 20 triệu đồng. Gạch do cơ sở sản xuất không chỉ được khách hàng trên địa bàn huyện Mường Lát mà ở các huyện lân cận đều ưa chuộng, tin dùng.
Ngoài sản xuất gạch vồ, anh Hà Văn Chục nghiên cứu sản xuất thêm một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bột đá và xi măng.
Tiếp nối thành công từ sản phẩm gạch vồ, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, trong thời gian tới, anh Chục dự định sẽ mở rộng xưởng sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm để nhằm tiếp cận nhiều các đối tượng khác nhau, tăng thêm việc làm, đảm bảo hơn nữa nguồn thu nhập của công nhân. Ngoài sản phẩm gạch vồ, anh sẽ nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên chất liệu bột đá và xi măng. Đặc biệt, một phần thu nhập sẽ được anh Chục sử dụng vào mục đích hỗ trợ thanh niên trong bản lập nghiệp để cuộc sống của người dân trong bản được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cơ ngơi khang trang của anh Hà Văn Chục giữa bản nghèo Chiềng Cồng (Mường Lát),
“Nếu muốn cuộc đời thay đổi, trước tiên bạn phải thay đổi chính mình” luôn là triết lý sống mà anh Hà Văn Chục tâm niệm trong suốt những ngày tháng gian nan, vất vả từ khi khởi nghiệp cho đến lúc bước đầu chạm tay vào thành công. Chặng đường phía sau sẽ còn nhiều hơn nữa những gian nan, thử thách. Dẫu có thế nào đi chăng nữa, anh Chục vẫn không bao giờ bỏ cuộc bởi một niềm tin mãnh liệt: Đôi bàn tay ta và những kiến thức chắt lọc được từ trong gian khó sẽ giúp ta làm nên tất cả. Chỉ cần có vậy, từ nơi khô cằn, đất sẽ nở hoa.