Theo Gerber, một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với các quán bar và nhà hàng hiện nay là trả tiền thuê mặt bằng.
Là người có 30 năm kinh nghiệm trong ngành khách sạn, Scott Gerber, CEO của Gerber Group từng chứng kiến rất nhiều sự thăng trầm trong kinh doanh. Tuy nhiên, có lẽ ông chưa bao giờ trải qua tình cảnh như hiện tại: Sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Gerber cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Trong cuộc suy thoái năm 2008, nhiều hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã phải hủy bỏ nhưng mọi người vẫn đi ra ngoài. Nếu được trả lương khá, họ vẫn có thể đi ăn uống ngoài tiệm. Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng ít ra chúng tôi vẫn cầm cự và sống sót. Nhưng đại dịch Covid-19 thì khác. Chẳng có ai ra ngoài để tiêu pha và rất nhiều người mất việc”.
Gerber Group điều hành 10 quán bar và nhà hàng tại các thành phố New York, Washington và Atlanta. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, họ đã đóng cửa tất cả các cơ sở cho đến khi có thông báo mới và sa thải 400 người – phần lớn đội ngũ nhân viên của công ty.
Gerber Group không phải nơi duy nhất làm như vậy. Nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đã yêu cầu các nhà hàng dừng hoạt động kinh doanh để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới tình trạng sa thải hàng loạt. Hiệp hội Nhà hàng Mỹ ước tính ngành công nghiệp nhà hàng sẽ thiệt hại hàng trăm tỷ USD trong 3 tháng tới và từ 5 triệu đến 7 triệu người trong ngành này sẽ mất việc.
Scott Gerber, CEO của Gerber Group.
Theo Gerber, một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với các quán bar và nhà hàng (tại Mỹ nói riêng và ở những nước bị ảnh hưởng khác trên thế giới nói chung) hiện nay là trả tiền thuê mặt bằng, lĩnh vực mà ông hy vọng chính phủ sẽ vào cuộc để hỗ trợ. Dù vậy, để chủ động hơn, vị CEO cho biết có 3 điều mà các cơ sở kinh doanh có thể thực hiện để bảo toàn tiền mặt trong thời gian này.
1. Ưu tiên thanh toán cho các nhà cung cấp nhỏ hơn, những người cần tiền mặt của bạn để tiếp tục hoạt động
Gerber cho biết công ty của ông không cố gắng đàm phán với những nhà cung cấp nhỏ để hoãn thanh toán: “Ví dụ, nếu chúng tôi nợ một người làm bánh mì 500 USD tiền hàng, tôi nhận ra rằng họ cần số tiền đó để sống. Và vì vậy, chúng tôi sẽ không tìm cách hoãn thanh toán. Còn những công ty thực phẩm khổng lồ mà tôi biết họ có thể tồn tại mà không cần vài nghìn USD của Gerber Group trong vài tháng, tôi đã đàm phán và họ đồng ý gia hạn thanh toán cho chúng tôi”.
2. Đàm phán với các nhà cung cấp lớn về kế hoạch thanh toán
Gerber nói: “Chúng tôi cũng đàm phán với các nhà cung cấp lớn để cùng nhau vượt qua đại dịch và hầu hết đều sẵn sàng linh hoạt trong vấn đề thanh toán”.
Một số công ty rượu là nhà cung cấp của Gerber Group đã mở rộng thời hạn thanh toán ngoài 30 ngày như thông thường. Ngoài ra, họ còn cho công ty trả lại một số sản phẩm đã mở nắp, chẳng hạn như những chai tequila mà quán bar không thể bán thêm được trong thời gian tới.
Gerber khuyên: “Đừng ngại nói chuyện với nhà cung cấp lớn, đặc biệt là đơn vị có đủ khả năng để giúp doanh nghiệp của bạn ‘dễ thở’ hơn trong đại dịch. Hãy thể hiện thái độ rằng không phải bạn không muốn trả tiền mà bạn chỉ cần thêm thời gian để thanh toán, khi việc kinh doanh được phép hoạt động trở lại”.
3. Hoãn mọi hợp đồng không thiết yếu
Gerber Group đang tạm dừng các hợp đồng mà quán bar và nhà hàng của họ không cần sử dụng đến khi đóng cửa như hợp đồng với đối tác marketing hay điểm bán lẻ – hệ thống xử lý khoản thanh toán của khách hàng, thường dùng trong nhà hàng ăn uống, khách sạn.
Gerber nói: “Về cơ bản, chúng tôi chỉ đề nghị đối tác cho phép tạm ngưng dịch vụ và hoãn thanh toán luôn. Nếu bạn khéo léo trình bày tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng ra sao bởi Covid-19, tôi tin đối tác của bạn sẽ thông cảm”.
Theo Gerber, ngay cả khi cố gắng hết sức để bảo toàn tiền mặt trong thời gian ngừng hoạt động, có một thực tế là nhiều nhà hàng và quán bar nhỏ lẻ sẽ không đủ khả năng mở lại sau khi dịch bệnh được ngăn chặn. Tuy vậy, ông vẫn bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ngành này và hy vọng mọi thứ sớm trở lại bình thường.
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ