Muốn bán được sản phẩm trên Amazon, Hân Nguyễn cho rằng các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt mọi mặt, nhưng trước hết phải bắt đầu từ khâu nghiên cứu thị trường.
Hân Nguyễn là nhà sáng lập, CEO của Andre Gift Shop, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ làm bằng da, đồ nhà bếp, phụ kiện,… tại Việt Nam và bán trên Amazon.
Kể từ khi chính thức bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu vào năm 2012, từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, Andre Gift Shop đã phát triển thành xưởng sản xuất rộng 300m2 với 35 nhân viên. Hân tiết lộ trong năm 2018, doanh số từ Amazon đóng góp 35% vào doanh số chung của công ty và 70% nếu chỉ tính riêng trong mảng thương mại điện tử.
“Nếu doanh nghiệp của các bạn có sản phẩm tốt và đã/đang dự định xuất khẩu B2C (Bussiness to Consumer, từ doanh nghiệp tới khách hàng, PV) tại Mỹ thì bây giờ là lúc thích hợp nhất chứ không phải lúc nào khác để tham gia Amazon. Vì kinh nghiệm của tôi là càng tham gia sớm các bạn càng có lợi, còn càng về sau thì đối thủ xuất hiện càng nhiều”, CEO Andre Gift Shop khẳng định tại sự kiện do Amazon Global Selling phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức cách đây không lâu.
Ở thời điểm hiện tại, Amazon đang là trang thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu, tiếp cận tới 300 triệu khách hàng tại hơn 180 quốc gia khác nhau.
Từ kinh nghiệm bán hàng lâu năm trên Amazon, Hân Nguyễn chia sẻ hiện nay có 2 nhóm người bán chính: Các doanh nghiệp đứng ra sản xuất trực tiếp và các doanh nghiệp chỉ “trading”, nghĩa là mua từ các doanh nghiệp sản xuất rồi bán lại trên Amazon.
So với nhóm chỉ mua đi bán lại, nhóm doanh nghiệp sản xuất có nhiều lợi thế hơn như chủ động về mặt giá cả, tồn kho, điều chỉnh được các chi tiết cụ thể trên sản phẩm, bao bì,… để đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.
Với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang có ý định bán hàng trên Amazon, Hân Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm bán hàng theo 4 bước dưới đây:
“Không phải sản phẩm nào bán được ở Việt Nam cũng là sản phẩm bán được trên Amazon và các thị trường khác”, CEO Andre Gift Shop khẳng định.
Vì vậy, Hân cho rằng bước đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là lên Amazon, nghiên cứu xem sản phẩm của họ đã có ai bán chưa, hay khách hàng đang dùng từ khóa gì để tìm ra những sản phẩm đó.
Ở bước này, họ cũng cần xem đối cạnh tranh trực tiếp là ai, sản phẩm của đối thủ được đặt ở tầm giá bao nhiêu, số lượng đã bán ra là bao nhiêu,…Đặc biệt, nếu xuất qua Amazon thì hàng hóa có cần giấy tờ chứng nhận gì không rồi mới đi tiếp vào bước 2.
2. Chuẩn bị sản phẩm
Trong bước này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị bao bì, giấy chứng nhận để chuyển sản phẩm qua Amazon. Phần chuẩn bị cũng bao gồm các hình ảnh, nội dung miêu tả, cơ cấu giá để liệt kê sản phẩm trên website Amazon.
Sản phẩm ốp điện thoại Andre Gift Shop bán trên Amazon.
3. Vận chuyển
Theo Hân Nguyễn, với các doanh nghiệp lần đầu xuất hàng qua Amazon, nên dùng dịch vụ có sẵn FBA (Fulfillment by Amazon) để Amazon trực tiếp vận chuyển hàng thay doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp không cần tự chuyển từ Việt Nam qua người mua ở Mỹ.
Vì là lần đầu nên CEO này cũng khuyên các doanh nghiệp không nên gửi hàng tại kho của Amazon quá nhiều, khoảng 1-2 thùng để thử nghiệm thị trường sau đó mới tùy vào doanh số bán hàng để cân nhắc số lượng nên gửi tại kho Amazon.
“Đừng bao giờ để tồn kho ở Amazon quá lớn vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của các bạn. Thuật toán của Amazon sẽ là hàng bán càng nhiều, thứ hạng của sản phẩm càng cao. Còn để hàng tồn nhiều trong kho Amazon thì thứ hạng này thấp đi, đây chính là tối kỵ”.
4. Bán hàng và tối ưu hóa
Theo Hân Nguyễn, đây là bước cuối cùng nhưng lại là bước khó nhất.
Ở bước này, doanh nghiệp cần sử dụng tốt các công cụ quảng cáo để tiếp cận khách hàng trên Amazon. Vì thực tế, Amazon có hơn 300 triệu khách hàng nhưng có hàng tỷ sản phẩm được rao bán. Muốn bán được hàng các doanh nghiệp phải làm sao để khách hàng thấy sản phẩm của họ, sau đó phải biết cách tối ưu sản phẩm, sử dụng đúng từ khóa,…
“Bước này các bạn cần kiên nhẫn vì có những mặt hàng mất nhiều thời gian để có doanh số ổn định trên Amazon chứ không phải cứ đưa lên là bán được luôn. Ví dụ một số mặt hàng bên mình tốn tới 6 tháng để có lượng sales ổn định nên các bạn doanh nghiệp có ý định bán trên Amazon cần chuẩn bị tư tưởng trước, đừng nên nghĩ ngắn hạn mà hãy nghĩ tới dài hạn”.
Hồng Lam
Theo Trí Thức Trẻ