Mỗi nhân viên không có chỗ ngồi cố định mà có thể linh động lựa chọn vị trí phù hợp, văn hoá Clean Desk, bàn ghế cao – thấp đa dạng,… cùng môi trường sáng tạo, được trao quyền là những gì One Mount đang xây dựng, để nhân tài từ nước ngoài cũng như nhân tài từ chính nước nhà có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.
Ngày 19/9, One Mount Group vừa đón sinh nhật tuổi thứ 3. Hành trình 3 năm của một doanh nghiệp mới chỉ là bắt đầu. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn lớn từ các đối tác tập đoàn hàng đầu, cùng việc sở hữu những nền tảng công nghệ mang tính tiên phong (VinID, VinShop, OneHousing), One Mount Group tự tin tuyên bố là “hệ sinh thái số tin cậy và lớn nhất Việt Nam”, cung cấp các giải pháp và dịch vụ xuyên suốt chuỗi giá trị, từ lĩnh vực dịch vụ tài chính, phân phối, bất động sản và bán lẻ.
Bên cạnh đó, One Mount cũng tham vọng xây dựng một môi trường, văn hóa làm việc tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân tài từ nước ngoài cũng như nhân tài từ chính nước nhà có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.
Mục sở thị trụ sở chính One Mount Group
Văn hóa làm việc linh hoạt
Trụ sở của One Mount tại Hà Nội được đặt tại khu đô thị Times City, gồm 5 tầng, là nơi làm việc của gần 700 kỹ sư công nghệ và dữ liệu.
Khuôn viên tầng 1 được thiết kế làm nơi tiếp đón khách, bao gồm cả khu vực “open space” để tổ chức các sự kiện quan trọng. Thiết kế nổi bật ở chính giữa mô phỏng theo dải Mobius – lấy cảm hứng từ logo của One Mount, thể hiện sự gắn kết, tương tác giữa nhân viên với nhân viên và với khách hàng.
One Mount LifeWear là một điểm nhấn khác trong khuôn viên tầng 1, nơi trưng bày BST đồng phục do chính đội ngũ nhân sự tập đoàn thiết kế, sản xuất.
Toàn bộ tầng 2 là không gian ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện của nhân viên. Tại đây, nhân viên sắp xếp các túi đựng đồ ăn của mình vào một khu vực riêng, đảm bảo sự gọn gàng mà không mang lên bàn làm việc.
Các kệ tủ được thiết kế theo phong cách tối giản nhưng sang trọng, không kém gì phòng bếp trong gia đình. Gần chục lò vi sóng được lắp đặt để phục vụ nhân viên hâm nóng đồ ăn, cùng với đó là khu rửa bát rộng rãi và sạch sẽ.
Các bàn ăn cá nhân, bàn cho nhóm lớn – nhỏ được bố trí khắp nơi. Nhân viên cũng có thể xuống khu vực này để làm việc.
One Mount thiết kế một khu Sleep Box cho nhân viên nghỉ ngơi, cùng với đó là phòng tập gym và yoga.
Tầng 3 đến tầng 5 là không gian làm việc. Ông Nguyễn Chí Kiên – Giám đốc Nhân Sự One Mount Group chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập, Tập đoàn đã xác định xây dựng một môi trường, văn hóa làm việc theo phong cách Agile (linh hoạt). Điều này được thể hiện rõ nét trong cách bố trí văn phòng.
Mỗi nhân viên không có chỗ ngồi cố định mà có thể linh động lựa chọn vị trí phù hợp với tính chất và nhiệm vụ công việc được giao. Các bàn làm việc cũng được thiết kế theo nhiều phong cách: bàn ngồi truyền thống, bàn cao để tạo ra sự đa dạng, thuận tiện với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Có những khu vực là không gian mở, cũng có khu vực được thiết kế riêng tư cho những ai cần sự yên tĩnh, tập trung. Mọi thiết kế đều đi vào chi tiết để mang lại cho nhân viên trải nghiệm tốt nhất, thúc đẩy tối đa khả năng sáng tạo và phối hợp đội nhóm.
Bên cạnh đó, hệ thống bảng di động và cố định được trang bị để các nhóm không cần thiết phải vào phòng họp mà có thể nhanh chóng tập trung, cùng cập nhật công việc hoặc tìm kiếm ý tưởng mới.
Nếu đến thăm quan không gian làm việc tại One Mount, không khó để bắt gặp các nhóm họp ở khu vực quầy pantry khô hay thậm chí là bàn bóng bàn.
Một văn hóa đặc trưng khác được tập đoàn này xây dựng là Clean Desk. Hiểu đơn giản, nhân viên sẽ không trang trí bàn làm việc mà giữ không gian gọn gàng, tối giản nhất có thể và không để lại đồ dùng cá nhân sau mỗi ngày làm việc. Do đó, có một hệ thống các tủ cá nhân này được đặt rải rác ở các khu vực trong văn phòng. Mỗi nhân viên được sử dụng 1 tủ, dùng QR để mở.
Văn hóa “Thành công”
Bên cạnh việc chiêu mộ nhân sự trong nước, One Mount là nơi tụ hội của rất nhiều nhân tài Việt Nam từ nước ngoài trở về. Giám đốc Nhân sự One Mount Group – Nguyễn Chí Kiên cho rằng, về kỹ năng, không có nhiều sự khác biệt giữa nhân sự trong và ngoài nước, trừ một số vị trí còn mới so với mặt bằng phát triển chung của thị trường lao động tại Việt Nam như Khoa học dữ liệu…
“Điều mà tôi thấy khác biệt nhiều nhất nằm ở việc bản thân nhân sự từ nước ngoài từng được làm việc trong một thị trường lao động đã phát triển rất lâu, mức độ trưởng thành của thị trường tương đối cao, nên họ sẽ có một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về nghề nghiệp, văn hóa, cách thức làm việc, hỗ trợ lẫn nhau. Sự khác biệt đó vừa là thách thức, vừa là động lực để One Mount cố gắng xây dựng một môi trường nếu không nói là đầy đủ như những tiêu chuẩn của các thị trường đã phát triển thì cũng phải tiệm cận và hướng đến tiêu chuẩn như vậy. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta thu hút được nhân sự nước ngoài, cũng đồng thời nâng tầm thị trường lao động Việt Nam, đội ngũ lao động tại Việt Nam”, ông Kiên chia sẻ.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để vận hành và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. One Mount cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Nói về văn hóa, vị Giám đốc Nhân sự nhấn mạnh văn hóa Thành công mà One Mount hướng đến. “Văn hóa Thành công đề cao tư duy kinh doanh mạnh mẽ, thông qua những góc nhìn độc lập, đột phá. Điều đó có nghĩa là làm gì cũng phải nghĩ đến triết lý kinh doanh, phải nhìn thấy những “điểm nghẽn” của thị trường – từ đó tìm thấy cơ hội mà chúng ta có thể làm gì tốt hơn cho khách hàng, cho thị trường. Trong thực thi, chúng tôi luôn hướng đến thành quả bằng sức mạnh của đội ngũ thông qua việc phối hợp vì mục tiêu chung và đề cao tính hiệu quả của các giải pháp”.
Bên cạnh đó, các nhân sự trẻ đều được trao quyền, được thử thách với những sáng kiến mới, cùng đóng góp vào sự phát triển chung của tổ chức. Tại One Mount, không khó để bắt gặp những trưởng nhóm, trưởng quản lý dự án, bộ phận, cán bộ quản lý… có tuổi đời chưa đến 30.
Và để quản trị một đội ngũ nhân sự trẻ và đến từ nhiều thị trường lao động khác nhau, ông Nguyễn Chí Kiên nhấn mạnh “3 điều mà nói thì dễ nhưng cần cả hành trình để thực thi”: Right People (đúng người), Right Job (đúng việc) và At the Right Pay (đúng mức đãi ngộ). Trong đó, “Right Pay” không đơn thuần nằm ở câu chuyện công ty trả cho nhân viên mức lương bao nhiêu. Tiền lương chỉ là ngoại động lực, mà ngoại động lực chỉ mang lại tác động trong khoảng thời gian rất ngắn.
“Khi được tăng lương, con người thường cảm thấy có động lực, hạnh phúc ở 2 thời điểm: một là khi nhận thông báo tăng lương vì những nỗ lực, cố gắng của bản thân đã được ghi nhận; hai là khi nhận khoản tiền lương tăng lần đầu tiên. Đến tháng tiếp theo, số tiền nhận được bằng y chang tháng trước và động lực ấy mất đi, sự hưng phấn giảm đi đáng kể, thậm chí là không còn nữa.
Tác động lâu dài nằm ở nội động lực, là sự ghi nhận, là thử thách, cho nhân viên nhìn thấy điều họ đang làm cống hiến cho một mục tiêu gì đó lớn hơn. Nguồn năng lượng đó dai dẳng, như cục pin sạc đi sạc lại. Còn tiền như một ngọn lửa, cháy bùng lên rồi tắt. “Right Pay” phải được hiểu bao gồm cả ngoại và nội động lực, như thế mới tạo ra sự gắn kết với tổ chức, có động lực cao để đi cùng tổ chức trong thời gian dài”.
Hoàng Thuỳ