Ross LaJeunesse, cựu giám đốc quan hệ quốc tế của Google, tiết lộ rằng ông đã bị buộc thôi việc sau khi báo cáo các hành vi phân biệt đối xử trong công ty.
Ross LaJeunesse, cựu giám đốc quan hệ quốc tế của Google, tiết lộ rằng ông đã bị buộc thôi việc sau khi báo cáo các hành vi phân biệt đối xử trong công ty.
Một cựu lãnh đạo Google khẳng định ông đã bị “đá bay” khỏi công ty vì ủng hộ quyền con người, đồng thời cáo buộc Google trong một bài blog công khai rằng công ty này ngày càng đặt lợi nhuận lên trên mọi người.
Theo tờ Guardians, Ross LaJeunesse, cựu giám đốc quan hệ quốc tế tại Google, nay là một ứng viên Đảng Dân chủ, cho biết ông đã bị buộc phải rời khỏi công ty sau khi báo cáo các hành vi phân biệt đối xử trong công ty, và rằng những việc ông thực hiện nhằm đấu tranh với vấn đề kiểm duyệt tại đây đã xung đột với tham vọng mở rộng vào thị trường Trung Quốc vốn ngày một tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Google.
“Trên thực tế, tôi không nghĩ chúng ta có thể tin tưởng Google” – ông nói. “Có một điều đã được chứng minh từ lần này qua lần khác, trong cách họ xử lý dữ liệu cá nhân đến những vụ việc mà họ được yêu cầu phải giải quyết các nội dung bạo lực trực tuyến, là chúng ta không thể tin lời Google nữa“.
LaJeunesse từng là nhân vật chủ chốt đưa ra một quyết định nhằm ngừng kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm trên Google tại Trung Quốc vào năm 2010, và cũng là người chỉ đạo thiết lập chương trình quyền con người trong toàn công ty – tuy nhiên, chương trình này đã gặp những vấn đề nhất định khi Google quay lại thị trường Trung Quốc với một sản phẩm tìm kiếm mới, có kiểm duyệt, tên mã Dragonfly vào năm 2017.
Trong bài blog của mình, vị cựu lãnh đạo Google còn miêu tả những vụ gây hấn tại trụ sở, bao gồm nhiều hành vi khác nhau (mà ông gọi là “đa dạng hóa”) nhằm phân chia các nhân viên theo chủng tộc và giới tính, và khuyến khích họ bêu xấu lẫn nhau. Các nhân viên lâu năm hơn trong công ty “bắt nạt và la hét vào mặt những nữ nhân viên trẻ, khiến họ khóc ngay tại bàn làm việc của mình” – LaJeunesse viết.
LaJeunesse cho biết những nỗ lực của ông nhằm giải quyết những vấn đề trong bộ phận quản trị nhân sự đã bị ngó lơ cho đến tháng 2/2019, khi mà dù được đánh giá cao, nhưng ông không còn được giao bất kỳ công việc nào trong công ty vì lý do “tái tổ chức”.
“Đứng lên vì phụ nữ, vì cộng đồng LGBTQ, vì các đồng nghiệp với mọi màu da, và vì quyền con người – đã lấy đi của tôi cả sự nghiệp” – ông nói.
Google, tất nhiên, không đưa ra bình luận vào về LaJeunesse.
Ross LaJeunesse
Được biết, LaJeunesse là thành viên cao cấp gần đây nhất phải ra đi khỏi Google sau nhiều năm xung đột nội bộ trong công ty. Vào tháng 10/2018, hàng chục ngàn nhân viên Google tại nhiều văn phòng trên toàn thế giới đã bỏ văn phòng để tuần hành biểu tình phản đối các chính sách xoay quanh vấn đề quấy rối tình dục của công ty. Vào tháng 12/2019, 4 cựu nhân viên Google đã đâm đơn kiện công ty, cáo buộc công ty sa thải họ vì tổ chức các hoạt động kêu gọi quyền người lao động.
Vào cuối năm 2019, các đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã chính thức rời khỏi vị trí của họ tại công ty mẹ Alphabet, nhường chỗ cho CEO Google, Sundar Pichai, quản lý cả Alphabet và Google dưới một vai trò duy nhất.
Sự ra đi của Page và Brin cho thấy một động thái lớn trong quá trình chuyển đổi đang diễn ra tại Google nhiều năm trở lại đây – LaJeunesse nói. Page và Brin chính là những người đã viết ra slogan ban đầu của Google, “Don’t be evil” (Đừng làm điều ác), mà theo LaJeunesse là đã bị lãng quên trong suốt thập kỷ qua để đổi lấy sự tăng trưởng bùng nổ. Google đi từ một công ty chỉ có 15.000 nhân viên vào năm 2007, đến hơn 100.000 vào năm 2019.
“Khi tôi khởi sự tại Google, chúng tôi thực sự tin vào sức mạnh của công nghệ có thể biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn” – LaJeunesse nói. “Nó không còn như thế nữa“.
Theo Minh.TT
VnReview