“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi mạnh mẽ và làm cho các kỹ năng có “tuổi thọ” ngắn hơn, và cũng thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Cho nên bên cạnh những kỹ năng cơ bản, người lao động còn cần thêm một yếu tố nữa – khả năng học hỏi LQ – Learnability Quotient”, đại diện ManpowerGroup cho biết.
Chia sẻ tại một sự kiện về phát triển bền vững mới đây, đại diện ManpowerGroup cho biết hiện rất nhiều nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đang tìm kiếm những ứng viên có LQ – Learnability Quotient – chỉ số đo lường sự học hỏi.
“Chúng ta đã biết đến IQ, EQ là những chỉ số đo lường sự thông minh, đo lường cảm xúc, nhưng hiện rất nhiều nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những ứng viên có LQ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi mạnh mẽ và làm cho các kỹ năng có “tuổi thọ” ngắn hơn, và cũng thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Cho nên bên cạnh những kỹ năng cơ bản, người lao động còn cần thêm LQ“, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc quốc gia về nhân sự của ManpowerGroup, chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019.
Chia sẻ sâu hơn về LQ, bà Lê Thị Kim – Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam – cho biết: ““Khả Năng Học Hỏi” (Learnability) là thuật ngữ mô tả mức độ mong muốn học hỏi và khả năng thích nghi nhanh chóng của một người”.
“Khác với các dạng chỉ số khác (như IQ, EQ…), Chỉ Số Khả Năng Học Hỏi – Learnability Quotient (LQ) – thể hiện khả năng và mong muốn tiếp thu kiến thức, kỹ năng của người lao động , nhờ đó họ có thể tìm được công việc họ mong muốn trong suốt sự nghiệp của mình“.
Bà Kim có 20 năm kinh nghiệm về quản lý nhân sự tại các tập đoàn đa quốc gia và công ty trong nước. Bà từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhân sự Toàn quốc tại ManpowerGroup Vietnam từ năm 2011 trước khi giữ vai trò Giám đốc cấp cao tại ManpowerGroup Việt Nam kiêm nhiệm vai trò lãnh đạo đội ngũ Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại Lao động năm 2014.
* Xin bà cho biết vì sao LQ lại là chỉ số quan trọng trong tuyển dụng của các tổ chức ngày nay?
Bà Lê Thị Kim.
Bà Lê Thị Kim – Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam: Theo nghiên cứu “Kỷ Nguyên Nhân Tài” của ManpowerGroup, sự phát triển vượt bậc và ngày càng nhanh của công nghệ đã khiến cho vòng đời của kỹ năng ngày càng ngắn đi. Các kỹ năng mới liên tục xuất hiện trong khi đó kỹ năng hiện tại sẽ dần bị lỗi thời.
Lấy ví dụ như kỹ năng đàm phán trước đây chỉ được yêu cầu ở các vị trí cấp cao, nhưng trong thời gian gần đây, các vị trí cấp trung cũng yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng này.
Vì vậy, để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân tài, các doanh nghiệp cần phải liên tục đào tạo và phát triển kỹ năng của nhân viên và điều này đòi hỏi nhân viên phải có khả năng học hỏi, mong muốn tiếp thu kỹ năng mới để phát triển sự nghiệp của chính mình.
* Cụ thể thì LQ được đo đạc thế nào? Làm thế nào xác định được một ứng viên có chỉ số LQ phù hợp với tổ chức?
Learnability QuotientTM là cách thức tiếp cận mới giúp người dùng đánh giá được khả năng học hỏi của mình và được tư vấn để có thể phát triển bản thân, đồng thời mang đến cho doanh nghiệp những hiểu biết sâu về khả năng học hỏi và tiềm năng phát triển của người lao động.
Kết quả từ bài đánh giá được thể hiện qua 3 nhóm tính cách chính:
– Adventurous bao gồm Thrill-seeker (người thích khám phá), Explorer (nhà thám hiểm), Planner (chiến lược gia)
– Intellectual bao gồm Scholar (học giả), Thinker (nhà nghiên cứu) và Doer (người thực hành)
– Unconventional bao gồm Free Spirit (tinh thần tự do), Innovator (nhà cải cách), Traditionalist (người theo truyền thống)
Khi đã phân loại các khả năng học hỏi khác nhau của người lao động, LQ sẽ trình bày điểm mạnh và điểm yếu của họ và gợi ý thực tiễn về cách mỗi cá nhân cần học hỏi để phát triển.
Để nhận biết được ứng viên có chỉ số học hỏi phù hợp hay không, doanh nghiệp cần yêu cầu ứng viên làm bài khảo sát trực tuyến Learnability Quotient của chúng tôi. Dựa trên kết quả có được, doanh nghiệp cần so sánh với các chương trình đào tạo mình đang cung cấp xem có phù hợp hay không.
Bên cạnh đó, với một lực lượng lao động đa dạng, doanh nghiệp cần phát triển, sắp xếp chương trình đào tạo phù hợp với từng nhóm người. Chúng tôi chia thế hệ Y thành 3 nhóm: Mong muốn học hỏi cao (High Learners) chiếm 29%, Có tiềm năng học hỏi (Potential Learners) chiếm 64% và Ít mong muốn học hỏi (Low Learners) chiếm 7%. Mỗi nhóm có các đặc điểm khác nhau, đòi hỏi nhà tuyển dụng phải có những cách thức đào tạo, khích lệ, khen thưởng… khác nhau.
Ảnh minh họa.
* Làm thế nào để cá nhân tăng cường được chỉ số LQ cho bản thân?
Khi tham gia bài đánh giá về chỉ số LQ nói trên, ứng viên sẽ được gợi ý và cung cấp những bài viết giúp cải thiện khả năng học hỏi của mình.
Như đã đề cập trong nghiên cứu “Kỷ Nguyên Nhân Tài”, Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 sẽ phân hóa lực lượng lao động thành 2 nhóm: Người có kỹ năng phù hợp (The Haves) và Người không có kỹ năng phù hợp (The Have Nots). Người có kỹ năng phù hợp sẽ có tỷ lệ tăng thu nhập cao và luôn tìm được công việc như mong muốn, trong khi Người không có kỹ năng phù hợp sẽ không được tăng thu nhập hay thậm chí khó tìm được việc làm như mong muốn.
* Bà đề cập đến những doanh nghiệp đang tìm kiếm chỉ số LQ ở người lao động, cụ thể họ là những doanh nghiệp trong lĩnh vực nào?
Theo tôi, hầu hết các doanh nghiệp đều cần người lao động có khả năng học hỏi, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo nghiên cứu “Cuộc Cách Mạng Kỹ Năng 4.0 – Robot Cần Chúng Ta” của ManpowerGroup, các vị trí dự kiến sẽ tăng số lượng tuyển dụng bao gồm IT, sản xuất, nhân viên tuyến trên và dịch vụ khách hàng. Điều đáng chú ý là các vị trí này đều đòi hỏi ứng viên phải có những kỹ năng mới.
Nguồn: ManpowerGroup.
* Những lao động có thiên hướng chân tay nhiều hơn, trong các nhà máy, xưởng sản xuất chẳng hạn, thì chỉ số LQ có quan trọng không?
Những công việc mang tính lặp đi lặp lại hay lao động tay chân đơn giản sẽ có nguy cơ bị máy móc thay thế. Do đó, các lao động trong lĩnh vực này cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng để sử dụng và điều khiển máy móc thay vì bị máy móc thay thế.
Bên cạnh đó, như được mô tả trong biểu đồ trên, các vị trí mà doanh nghiệp yêu cầu ngày nay đòi hỏi những kỹ năng rất khác so với trước đây. Đơn cử như vị trí nhân viên tuyến trên và chăm sóc khách hàng trước đây chỉ yêu cầu kỹ năng: nhập dữ liệu, đọc, hiểu, tính toán và giao tiếp cơ bản.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện tại yêu cầu ứng viên cho vị trí này cần phải sở hữu kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ….
* Xin cảm ơn bà!
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ