“Nếu các bạn bảo phân tích kỹ thuật có gì khó đâu thì… đúng là về diện lý thuyết thì nó dễ thật. Nhưng không phải học 300 chỉ số kỹ thuật là trở thành một chuyên gia phân tích kỹ thuật. Quan điểm của tôi là kỹ thuật đó dùng để đầu cơ, vậy phải áp dụng vào thực tiễn”, một chuyên gia khác theo đuổi trường phái phân tích kỹ thuật bổ sung.
“Lướt sóng” là thuật ngữ không còn xa lạ với giới đầu tư chứng khoán, đối với F0 mới vào thị trường hay cả những nhà đầu tư lâu năm. Để “lướt sóng”, các nhà đầu tư thường phải tìm hiểu các phương pháp phân tích (cơ bản/kỹ thuật) và theo dõi đường xu hướng của cổ phiếu.
Hiểu đơn giản, đường xu hướng là đường nối các đỉnh hoặc các đáy, để diễn tả hướng đi hiện tại của giá. Nếu đường xu hướng nối giữa các đáy liền nhau là đường hỗ trợ trong sóng tăng, bất cứ khi nào giá chạm đường này thì sẽ có xu hướng bật lên tăng tiếp. Ngược lại, đường xu hướng nối các đỉnh liền nhau là đường kháng cự trong sóng giảm, bất cứ khi nào giá chạm đường này thì giá có xu hướng tiếp tục giảm. Khi giá phá vỡ các đường này là dấu hiệu của sóng đảo chiều.
“Lướt sóng” vốn được coi là bộ môn khá mạo hiểm trong đầu tư chứng khoán và không dành cho tất cả. Không ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường, ham mê “lướt sóng” nhưng rơi vào tình trạng mua đỉnh, bán đáy. Tuy nhiên, “sóng” không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực.
“Mọi người đang nghĩ ‘sóng’ theo chiều hướng hơi tiêu cực. Thực ra, ngay cả sóng (tự nhiên) cũng không phải lúc nào cũng bắt đầu từ gió, có những sóng bắt nguồn từ những địa chấn dưới lòng biển mà tạo ra sóng thần.
Chứng khoán cũng vậy thôi. Ví dụ có những con sóng do yếu tố vĩ mô tốt, một số ngành được hưởng lợi từ diễn biến đó và tăng là chuyện rất bình thường, không hề có yếu tố tạo lập ở đây. Cổ phiếu tăng vì kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong ngành đó tăng. Đó là điều rất bình thường và chúng ta không cần phải có một kỹ thuật quá phức tạp để lướt những ‘con sóng’ đó, vì nó rất lớn.
Còn có những con ‘sóng’ mang tính chất nhân tạo, ví dụ như tát nước theo mưa, thấy thị trường tốt thì kéo – xả một tí”, ông Phạm Lưu Hưng – PGĐ Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc CTCP Chứng khoán SSI nhận định trong chương trình Bí mật đồng tiền.
Ông Phạm Lưu Hưng – PGĐ Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc CTCP Chứng khoán SSI
Một lần nữa, vị chuyên gia nhấn mạnh bộ môn “lướt sóng” chứng khoán không dành cho tất cả mọi người. Đồng thời, các nhà đầu tư nên học phân tích kỹ thuật nhưng hầu hết rất khó để học đến nơi, đến chốn.
“Nếu chúng ta chỉ học đơn giản vài đường, học vài buổi, biết kẻ một số đường mà chúng ta nghĩ rằng với lượng kiến thức đó có thể đi bắt bài của lái, kiếm được tiền thì tôi nghĩ rất ảo tưởng“, vị chuyên gia bày tỏ.
Cũng chia sẻ quan điểm về phân tích kỹ thuật, ông Nguyễn Tuấn Anh – một nhà đầu tư kỳ cựu theo đuổi trường phái này nhận định: “Nếu các bạn bảo phân tích kỹ thuật có gì khó đâu thì… đúng là về diện lý thuyết thì nó dễ thật. Nhưng không phải học 300 chỉ số kỹ thuật là trở thành một chuyên gia phân tích kỹ thuật. Quan điểm của tôi là kỹ thuật đó dùng để đầu cơ, vậy phải áp dụng vào thực tiễn. Thời gian va vấp trên thực tiễn mới lâu, chứ không phải thời gian đi học. Vấn đề ra trận, bắn trúng đích lại là chuyện khác”.
Nhà đầu tư này cho rằng điều quan trọng là nguyên tắc, kỷ luật vững vàng. Ông thậm chí cho rằng không có khái niệm “liều”, mà việc đầu tư là công việc.
“Nghề của tôi, bao nhiêu năm qua, không bao giờ tôi ra quyết định trong thời gian giao dịch. Bao giờ tôi cũng phải ra quyết định từ tối hôm trước. Nếu đúng thì làm, nếu điều đó không xảy ra thì không làm. Liều là cảm xúc rồi”, chuyên gia trading kỹ thuật chứng khoán Tuấn Anh chia sẻ.
https://cafebiz.vn/nha-nha-ham-me-luot-song-chung-khoan-sep-ssi-nhan-nhu-song-khong-han-tieu-cuc-nhung-biet-vai-duong-co-ban-ma-doi-bat-bai-doi-lai-la-ao-tuong-20220105132559006.chn
Hoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị