Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di động còn tự tin khẳng định: “Nếu hai shop đối diện nhau thì doanh thu của Thế Giới Di Động gấp 1,5 thậm chí 2 lần đối thủ cạnh tranh. Tôi đoán tỷ lệ thuê mặt bằng trên tổng doanh thu của chúng tôi khoảng 2% thì phía FPT Shop chắc phải 4-5%”.
Chi phí mặt bằng trên tổng doanh thu luôn là câu chuyện trăn trở của những người làm trong ngành bán lẻ nói riêng và giới kinh doanh nói chung. Tại sự kiện Shark Tank Forum 2020, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di động (TGDĐ) lần đầu tiết lộ tỷ lệ này ở các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh chưa bao giờ vượt quá 2% doanh thu.
“Tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của chúng tôi chỉ khoảng 1,5-2% thôi. Mặt bằng nào bất thường sẽ bị “xử” ngay. Tất nhiên có nhiều shop phải đóng cửa vì doanh thu không tương xứng với tiền thuê mặt bằng”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh câu chuyện này không áp dụng với Bách Hóa Xanh, vì tỷ lệ thực tế sẽ cao hơn.
Đại diện TGDĐ cho biết 10 năm trước đây một công ty bán lẻ ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc ngẫu nhiên sang chơi, sau đó đưa người sang học hỏi mô hình của TGDĐ. Bản thân ông Tài cũng thắc mắc họ định học hỏi điều gì? Cuối cùng ông phát hiện ra shop mình 100m2 nhưng bán 1.000 cái điện thoại/tháng, trong khi shop của họ 700m2 nhưng lại bán chỉ 300 điện thoại/ tháng. Tiền thuê của họ trên doanh thu chiếm từ 20 – 25%, trong khi thời đó bên TGDĐ tiền thuê so với doanh thu chỉ dưới 20%.
So với giai đoạn hiện nay, khi nhiều người nghĩ rằng bán lẻ online có thể vượt mặt offline, ông Tài tự đặt câu hỏi liệu bao nhiêu sàn thương mại điện tử có khả năng giao hàng đến tận nhà khách mà chi phí logistics chiếm chưa tới 8% doanh thu, trong khi TGDĐ đang điều hành chuỗi lớn với chi phí thuê nhà chưa tới 5%.
“Tại sao vậy? Đơn giản vì doanh thu chúng tôi cao. Nếu hai shop đối diện nhau thì doanh thu của Thế Giới Di Động gấp 1,5 thậm chí 2 lần đối thủ cạnh tranh. Tôi đoán tỷ lệ thuê mặt bằng trên tổng doanh thu của chúng tôi khoảng 2% thì phía FPT Shop chắc phải 4-5%”.
“Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa tôi làm khó chủ nhà, bắt họ cho thuê rẻ. Cái này là quan hệ thương lượng, không ai chèn ép được ai. Thậm chí tôi có cảm giác là tôi còn trả cao hơn thị trường đâu đó 10-15% để giành lấy những vị trí chiến lược. Chỉ là doanh thu trên mỗi m2 thu về cao thì tỷ lệ mới thấp như vậy”, ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.
Tuy vậy, đại diện TGDĐ cũng cho rằng Covid-19 khiến công ty của ông phải đối diện với một năm kinh doanh khó khăn, “làm quá nhiều nhưng không thấy tăng trưởng”. Để đối phó với giai đoạn dịch bệnh, toàn hệ thống đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, thương lượng để chủ nhà đồng ý giảm giá thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, TGDĐ cũng cố gắng giữ tiền trong người càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt, chỉ ưu tiên thực hiện những dự án sinh ra tiền ngay.
Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn, họ chủ trương không kích cầu mà tập trung bán những dòng sản phẩm độc đáo, chỉ duy nhất TGDĐ mới có để kéo khách hàng về phía mình.
“Nhiều người nghĩ trong khó khăn càng cần kích cầu để bán thêm. Thế Giới Di Động nghĩ khác. Cầu có đâu mà bán. Tình hình yếu ớt như vậy, chi phí cho việc kích cầu còn tốn hơn tiền mang về, thôi kích làm gì. Đó là chiến lược xuyên suốt và đã cho kết quả tốt. Doanh thu năm nay của Thế Giới Di Động không tăng nhưng lợi nhuận tăng”, ông Tài khẳng định.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ