Bạn biết không? Hãy cứ để ý mỗi thứ bạn trải qua trong quá khứ, bạn không cảm nhận được luôn đâu, phải tới tận sau này mới nhận ra là nó ảnh hưởng tới tính cách, hành động của mình nhiều như thế nào. Nên hãy học hỏi, chỉn chu khi làm dù nó là một công việc nhỏ nhất.
Mình 22 tuổi, học xong rồi nhưng vẫn chưa lấy được bằng vì dịch. Trong suốt 4 năm đại học, mình cũng thử lăn vào nhiều nghề, còn làm trong ngành khách sạn thì được 2 năm. Hiện tại mình đang làm Marketing nhưng cũng muốn chia sẻ “cái lò” đã tạo ra tính cách khá cẩn thận của mình hiện tại.
Khi bảo với bất kì ai là mình học du lịch thì người ta đều nghĩ mình làm hướng dẫn viên, thực ra thì không phải vậy. Mình học quản trị khách sạn, những gì được học, môi trường được tiếp xúc nó vượt ngoài những cái thứ mình có thể tưởng tượng ra được.
Nếu các bạn đã từng đi làm thêm ở một nhà hàng, phục vụ một đám tiệc, bạn thấy mệt 1 thì trong môi trường khách sạn cao cấp bạn sẽ thấy nó khắc nghiệt gấp ít nhất 5 lần.
Nơi làm việc thì lúc nào cũng lộng lẫy, sang xịn nhưng đổi lại thì nó áp lực cao, tần suất làm việc liên tục, thái độ luôn phải chừng mực, vui vẻ. Mặc đồng phục, đeo đôi hài đen đứng suốt cả một ngày, cảm giác chỉ muốn từ bỏ chân mình. Cẩn thận tới từng cái dao, cái dĩa, cách đi, cách lau bàn, rót rượu trải khăn cho khách.
Trường mình học có thể không nổi nhưng khoa thì lại rất có tiếng trong nghề, đi thực tập hay xin việc lúc nào cũng được tạo cơ hội hơn hẳn. Do Khoa mình nghiêm khắc khủng khiếp.
Bọn mình còn phải tập cả những chuyện như bê 2 tay 3 đĩa, đĩa được đúc riêng, siêu nặng, tay chân run lẩy bẩy rồi vẫn không được hạ. Trời đông Hà Nội rét căm căm cũng chỉ được mặc áo sơ mi đi ra ngoài, do nhân viên khách sạn khi tổ chức sự kiện outside cũng không được mặc áo ấm. Hay sự kiểm soát từ cái nhỏ nhặt như móng tay, tóc tai.
Mình không phải con ngoan trò giỏi gì, ngày trước mình muốn bỏ học cho rồi, thế nhưng bây giờ nhìn lại thì những điều đó là một phần tạo nên mình hiện tại.
Vậy mình được ảnh hưởng từ những điều gì?
1. Đúng giờ
Đó là thói quen tốt nhất của mình giữ được tới tận giờ, có thể bỏ hẳn buổi học chứ đến muộn thì không. Mình không thích muộn, dù đi làm hay cả trong cuộc hẹn với bạn bè. Bởi lẽ, Khoa của mình tới muộn thì không được vào học và không có một khách hàng nào đợi người phục vụ cả, bạn chậm thì khách đi.
Mình sẽ luôn đợi người hẹn trước ít nhất 5 phút, không bao giờ cho mình cái suy nghĩ là con gái thì có thể “cao su”. Thời gian của ai cũng quý. Mọi lý do tới muộn chỉ là cái cớ cho sự không biết thu xếp trước đó.
Có thể là nghe hơi nghiêm khắc một tí nhưng tập nhiều thì thành quen, mình thấy nó ổn.
2. Khả năng quan sát và cách ăn nói
Hồi chưa lên đại học mình ngáo ngơ lắm, kiểu tồ tồ và rất ít khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là gặp người lạ mình câm luôn. Nhưng làm nghề này, không nói cũng phải nói. Lúc đầu là lí nhí, nói không nghe được, khách cáu, quản lý mắng vài lần là bắt buộc phải thay đổi.
Mình tự tập nói một mình ở nhà, và bắt đầu quan sát người xung quanh, anh chị quản lý ở những nơi mình làm. Tới năm 4 đi thực tập, mình có thể tự hoạt động ở một nhà hàng buffet sáng đón 70-100 khách mà không có quản lý nào, mình phân việc cho bạn khác và phục vụ khách.
Mình có thể nhanh chóng nhìn thấy được khách của mình đang cần thêm gì, hay khách không vui hoặc đang ngại trong việc lấy thức ăn chẳng hạn. Mình sẽ chủ động với khách trước. Nhờ vậy mà mình được đánh giá rất cao dù chỉ là thực tập sinh, mình được chủ đầu tư của khách sạn chủ động tạo thêm cơ hội làm việc khác, mình đã được tiếp xúc thêm với những người rất giỏi.
(Ảnh minh họa)
3. Ghi nhớ tiểu tiết
Mình hay nhớ đến những chi tiết nhỏ về người khác, kiểu như sẽ quan sát hành động, ghi nhớ sở thích. Chẳng hạn như khi phục vụ ở nhà hàng, mình có 1 khách người Sài Gòn, anh thích cà phê nâu đá và xuống sảnh vào lúc 7h để đi làm, mình sẽ pha trước và khách xuống là có đồ để uống. Dù 2 tháng sau anh ý quay lại, mình chỉ cần đọc tên trong danh sách trước vẫn nhớ để phục vụ đúng.
Hay như nhớ được chú khách này thích ăn súp bí đỏ đặc một chút, bác Tây kia thích Capu còn nóng. Sự phục vụ càng ở chi tiết nhỏ, khách hàng càng vui. Mà không biết vì sao mình rất thích phục vụ và khiến người khác vui.
4. Thái độ và nụ cười
Từ những ngày đầu tiên học, thầy cô mình lặp đi lặp lại về điều quan trọng nhất của cái nghề này là thái Độ, chỉ cần thái độ tốt thôi thì chắc chắn sẽ đi xa.
Chúng mình đi làm, phải tiếp xúc với đủ kiểu người. Không phải trong một khách sạn năm sao hào nhoáng nào cũng toàn là người lịch sự, cũng có những khách rất khó chịu, hay thậm chí là phải gọi những người đáng tuổi ông mình bằng anh. Nhưng mà ghi nhớ rằng, thái độ xấu của một nhân viên có thể ảnh hướng tới toàn bộ công sức của cả một tập thể.
Một feedback xấu thì coi như hỏng. Dù có ở ngoài có bất cứ chuyện gì không vui, nhưng xuất hiện trước mặt khách hàng là nụ cười luôn cần hiện diện. Không ai quan tâm cảm xúc của bạn ra sao cả, đây là công việc, cần sự chuyên nghiệp.
Làm trong khách sạn càng lớn thì điều này thể hiện càng rõ. Có những lúc mình đứng liên tục 12 tiếng, mình mệt rồi nhưng khách hỏi là luôn phải nhẹ nhàng, niềm nở. Có một câu luôn được dán ở cửa back đó là “Cười lên, bạn chuẩn bị bước ra sân khấu”.
Mình thấy nghề này đặc biệt lắm, nó hào nhoáng, lúc nào cũng ở trong những căn phòng xịn xò, những bữa tiệc quy mô lớn, nó rất nhiều áp lực. Có những khi làm tới 1-2h sáng tan tiệc tối thì 6h sáng hôm sau lại bắt đầu làm rồi.
Nó là một guồng quay liên tục, bạn bè mình cũng có nhiều người không muốn theo hoặc dịch bệnh bắt buộc phải rời đi. Nhưng mình thấy nghề này cũng hay lắm, những anh chị lâu năm trong nghề họ rất khéo, rất giỏi.
Cứ mỗi một vài chi tiết nho nhỏ rồi làm tính mình cẩn thận hơn hẳn. Giờ mình lựa chọn thử làm cái mới mình thích là Marketing dù trái ngành nhưng rất được anh chị quý, giúp đỡ. Bởi vì mình vẫn duy trì những cái mình được học từ nghề cũ, nghề gì cũng vậy, cẩn thận, tỉ mỉ, thái độ tốt, chưa có kinh nghiệm cũng sẽ được chỉ dạy.
Bạn biết không? Hãy cứ để ý mỗi thứ bạn trải qua trong quá khứ, bạn không cảm nhận được luôn đâu, phải tới tận sau này mới nhận ra là nó ảnh hưởng tới tính cách, hành động của mình nhiều như thế nào. Nên hãy học hỏi, chỉn chu khi làm dù nó là một công việc nhỏ nhất.
B.T
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị