Tại buổi giao lưu giữa các sếp “Whose chance – Cơ hội cho ai” với sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra gần đây, sếp Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group và sếp Lưu Nga – Chủ tịch HĐQT Elise đã chia sẻ quan điểm riêng về vấn đề này.
Tại tập 7 của show truyền hình thực tế về việc làm “Whose Chance – Cơ hội cho ai” mùa 2, ứng viên Nguyễn Phi Văn đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi khi đưa ra quan điểm “Làm kinh doanh 30 tuổi không mua được nhà là thất bại”.
Theo đó, nam ứng viên đến từ Tp.HCM cho rằng: “Đối với những người có tính cách ổn định, thì có thể với họ, chỉ cần hạnh phúc là đủ. Nhưng đối với bản thân em, một người làm kinh doanh, thì năm 30 tuổi không mua được nhà gọi là thất bại!
Người làm kinh doanh là người luôn mong muốn có những đột biến trong sự tích lũy cũng như gia tăng về thu nhập. Nếu một người làm kinh doanh không đạt được điều đó, em cho là thất bại một phần”.
Ứng viên Nguyễn Phi Văn trong tập 7 “Cơ hội cho ai”.
Riêng anh chàng này đã mua được nhà từ năm 26 tuổi.
Tại buổi giao lưu giữa các sếp “Whose chance – Cơ hội cho ai” với sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra gần đây, câu hỏi “30 tuổi chưa mua được nhà có phải là thất bại?” một lần nữa được đặt ra. Lần này, chính sếp Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group và sếp Lưu Nga – Chủ tịch HĐQT Elise đã chia sẻ quan điểm riêng.
“Tối qua, một người em đến nhà của Nga. Người em ấy đang tham gia vào rất nhiều lớp học, khóa học và hiện 32 tuổi, chưa có nhà. Hai vợ chồng có công việc khá ổn định, thu nhập 80-100 triệu đồng/tháng. Sau khi đi học về, người em nói rằng mục tiêu trong 2 năm tới phải mua được nhà giá trị 5-6 tỷ đồng, như vậy mới gọi là thành công.
Người em ấy nói rằng sẽ mở một quán phở, nếu thành công thì sẽ mở thêm 2-3 quán nữa, khi ấy thu nhập sẽ cao và có thể mua được nhà 5-6 tỷ trong 2 năm nữa”, nữ founder Elise kể lại câu chuyện từ chính người thân của mình.
“Hạnh phúc không phụ thuộc vào việc mình có bao nhiêu tiền, mà hãy cảm nhận hạnh phúc và sự đầy đủ trong giới hạn hiện tại. Đồng thời, cố gắng làm tốt nhất công việc đang có bằng tất cả đam mê, cố gắng và nỗ lực.
Tùy thuộc vào quan điểm của mọi người về thành công. Nếu cứ quan niệm thành công là mua được nhà thì mọi người sẽ rất đau khổ, giống như người em của Nga”.
Theo sếp Nga, không nền đặt mục tiêu quá lớn như phải mua nhà mà thay vào đó, hãy đặt mục tiêu làm tốt nhất công việc hiện nay, tạo ra giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp mình đang làm. Đó là bàn đạp giúp bạn có thể mua được rất nhiều thứ trong tương lai.
Trong khi đó, sếp Phạm Thanh Hưng cho rằng nhiều người nhầm lần giữa mục tiêu và ước muốn. Những gì chúng ta muốn có, như nhà hay villa, biệt thự, xe sang,… chỉ là ước muốn. Ước muốn cao hơn một chút so với nhu cầu.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, tất cả phải quy đổi ra mục tiêu. Mục tiêu phải “SMART”, tức phải cụ thể, có kế hoạch, đường hướng, lộ trình và đo lường được.
“Tất cả các bạn nói rằng mình muốn cái này cái kia, nhưng đó mới chỉ là ước muốn chứ không phải mục tiêu của cuộc sống”, sếp Hưng nhấn mạnh.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị