Quản trị tài chính thời VUCA

0
540

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và trạng thái VUCA đang bao trùm lên toàn thế giới: Biến động (Volatile), không chắc chắn (Uncertani), phức tạp (Complex) và mơ hồ (Ambigous), vai trò của nhà quản trị tài chính (CFO) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhiều người cho rằng “khủng hoảng là thời của CFO” quả không sai. Không chỉ đóng vai trò quản trị dòng tiền trong việc giúp công ty đối phó với thiệt hại kinh tế, nguy cơ phá sản, tham gia vào các lựa chọn chiến lược sống còn để bứt phá, các CFO còn phải phối hợp nhịp nhàng với bộ phận marketing, sales, công nghệ… để kiểm soát hiệu quả, chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh, kiểm soát thị phần.

Tất cả những thách thức ấy đòi hỏi mỗi CFO phải thay đổi hoàn toàn về cách làm, cách tư duy, cách sống.

CFO trước thách thức của công nghệ

Trong chương trình CFOConnEx tháng 10/2020, hơn 40 nhà quản trị tài chính của Câu lạc bộ CFO Vietnam đã có chuyến tham quan trang trại bò sữa Tây Ninh 4.0 của Vinamilk và trao đổi với phóng viên TheLEADER về chủ đề “CFO thời VUCA”.

CFO thời VUCA
Hơn 40 nhà quản trị tài chính của CFO Vietnam tham quan trang trại bò sữa Tây Ninh 4.0 của Vinamilk.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra với các CFO là vai trò của công nghệ trong thời VUCA đòi hỏi các CFO phải thay đổi chính mình như thế nào?

Chị Mai Thị Thu Vân, CFO của Vitranschart JSC (CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam) cho biết, để có thể đưa doanh nghiệp vượt qua những thách thức của thời VUCA khi công nghệ đã trở thành người bạn đường, CFO cần thay đổi tư duy, hướng đến các giải pháp áp dụng công nghệ 4.0. Tuy nhiên đầu tư áp dụng công nghệ mới vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng không phải là việc dễ làm, chủ yếu do thiếu vốn và tùy ngành nghề kinh doanh.

“Tham quan trang trại bò sữa Tây Ninh, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, tự cung tự cấp, tự động hóa, tôi thực sự ngưỡng mộ ban lãnh đạo Vinamilk nói chung và CFO của Vinamilk nói riêng. Tôi đã học hỏi Vinamilk nhiều bài học quý trong công tác quản trị doanh nghiệp nói chung và tài chính kế toán nói riêng”, chị Vân nói.

Đánh giá về vai trò của công nghệ, CFO của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam cho rằng, ngày hôm nay, làm tài chính nếu không có công nghệ thì khó có thể hoàn thành được công việc, nếu có hoàn thành thì cũng chỉ trong phạm vi khối lượng công việc vừa phải.

“Ví dụ như ở công ty tôi, một đơn hàng ngay từ khi phòng dịch vụ khách hàng nhận từ nhà phân phối, tất cả đều được tự động hoá, nhà phân phối chuyển tin nhắn về công ty và kết nối vào hệ thống”, vị CFO này nói. “Thông tin đó chuyển thẳng về kho, và robot sẽ tự động lựa chọn phải giao mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, đưa hàng đúng vào vị trí của thùng và đưa hàng ra tận cửa xe. Chỉ còn khâu cuối cùng là người giám sát, hay thủ kho, bảo vệ duyệt đưa hàng lên xe.”

Trong cả một chuỗi hoạt động đó, người làm kế toán phải tin vào công nghệ ở mức độ nào? Kiểm soát ra sao?

Theo kế toán tài chính truyền thống, kho phải có người làm phiếu xuất, người kiểm kê, đánh giá khách hàng… Còn bây giờ, hoạt động kho hoàn toàn bằng công nghệ, kế toán không có điều kiện lên đó để kiểm kê, nhưng trách nhiệm vẫn rất nặng nề.

Trong bối cảnh hội nhập với công nghệ, người làm kế toán buộc phải thay đổi hẳn cách suy nghĩ, tin vào sự hỗ trợ của hệ thống khi có công nghệ tham gia, song vẫn phải xác định được mức độ tin cậy đồng thời phải có phương pháp để kiểm tra lại độ xác thực của những hoạt động đó.

Anh Hoàng Văn Nghiên, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kế toán và tài chính, từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp hàng đầu như Vifon, Marico, Masan cũng thừa nhận vai trò quan trọng của công nghệ.

“Công nghệ đã làm thay đổi cả cách làm, cách nghĩ, cách sống của các CFO. Đó là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và sự hội nhập với thế giới”, anh Nghiên nói.

Còn theo anh Huỳnh Tiến, Giám đốc BTM Global, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu tự động hóa đang xuất hiện tại tất cả các doanh nghiệp. Dù muốn hay không thì mọi người trong doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi. Các CFO đã thấy được điều này và mọi người đang tự làm mới quan điểm, cách nhìn của mình về vấn đề áp dụng công nghệ trong doanh nghiệp của mình.

Làm thế nào để hài hoà mối quan hệ giữa những người làm sales, marketing và CFO?

Tại nhiều doanh nghiệp, mối quan hệ giữa những người làm sales, marketing và CFO thường khá căng thẳng.

“Khi có những biến cố xảy ra trong doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là sự chia sẻ chân thành từ ban giám đốc, bao gồm CFO với các phòng ban về tình hình của doanh nghiệp, nhất là những khó khăn đang gặp phải và cần các phòng ban hỗ trợ gì; cố gắng tạo sự đoàn kết giữa các phòng ban và sự hy sinh từ các cá nhân để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn”, anh Nghiên cho biết.

Theo CFO Vitranschart JSC, để giữ được những giá trị bền vững trong mối quan hệ giữa người làm CFO và các bộ phận còn lại của guồng máy, hướng tới tính hiệu quả và giá trị nhân văn, CFO phải là người cân chỉnh.

Một thành viên chủ chốt của CFO Vietnam phân tích, nếu bộ phận kế toán tài chính chỉ lo giữ tiền, kiểm soát chi phí thì đó không phải là công việc của hôm nay. CFO cần có sự đồng hành, thấu hiểu marketing đang làm gì, Sales đang gặp vấn đề gì. Sự chia sẻ thông tin giữa các bộ phận phải được thông suốt.

Kế toán, tài chính, marketing và sales thường sẽ bàn chuyện công việc bằng 3 “ngôn ngữ” khác nhau. Vì mục đích chung, vì tổ chức, “ngôn ngữ” chính cần sử dụng vẫn phải là quy trình, nguyên tắc làm việc. “Ngôn ngữ” này được hình thành nhờ sự trải nghiệm rất dài theo thời gian và được xây dựng trên cơ sở thống nhất về mục tiêu, hiệu quả của tổ chức.

Vấn đề tiếp theo thuộc về quản trị. marketing là người dẫn dắt, bán hàng là người đi sau, kế toán là người bao phía sau. “Nếu không có bản lĩnh thì kế toán sẽ bị… dắt mũi! Chỉ trở thành người chạy theo để hoàn thiện hồ sơ chứng từ. Ngược lại, ngay từ đầu, marketing muốn làm gì phải chia sẻ trước để CFO có thể đóng góp cách hỗ trợ, xử lý khi có vấn đề xảy ra”, vị CFO này nhấn mạnh.

CFO thời VUCA 1
Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra mỗi ngày, để trả lời nó không chỉ dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn liên quan đến các giá trị sống mỗi CFO theo đuổi.

Làm thế nào để tạo ra những đồng tiền hạnh phúc?

Làm thế nào để tạo ra những đồng tiền hạnh phúc trước những thách thức quá lớn từ môi trường kinh doanh đầy biến động? Liệu những người làm CFO có bị thô cứng đi trước những quyết định sống còn của doanh nghiệp và của chính mình?

“Mình đã chọn làm nghề này rồi thì dù có chuyện gì xảy ra, tính chính trực và tính nguyên tắc phải đặt hàng đầu. Nếu làm CFO mà không bảo đảm được hai tiêu chí này thì cá nhân mình, tổ chức mình sẽ bị ảnh hưởng”, một vị CFO chia sẻ.

Anh Nghiên cho biết, để tạo ra đồng tiền hạnh phúc, người kinh doanh ngoài việc đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì cũng cần đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh. “Một ví dụ đơn giản là mỗi buổi sáng trước khi đi làm, chúng ta có thể cùng ngồi ăn sáng và vui vẻ với gia đình, dù chỉ 15 phút; buổi chiều khi ra khỏi công sở chúng ta nên ‘quẳng gánh’ lo công việc đi mà vui sống, vợ chồng con cái cùng ăn tối, cùng chia sẻ, có thể chỉ 30 phút bên nhau là hạnh phúc rồi…”

Anh Huỳnh Tiến chia sẻ, “đồng tiền hạnh phúc phải là đồng tiền chân chính. Đôi khi doanh nghiệp có các quyết định không được ‘nhân văn’ vì sự sống còn, nhưng điều này không làm cho con người CFO trong mình mất đi sự lãng mạn và yêu thương”.

Chị Mai Thị Thu Vân tâm sự, khi người ta hạnh phúc thì thực hiện nhiệm vụ rất tích cực. Tôi nghĩ áp dụng triết lý này trong mọi hoạt động và mọi hoàn cảnh sẽ mang lại hiệu quả cao. Để tạo ra những đồng tiền hạnh phúc, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp phải sạch, phải tinh’.

“Trải qua thời gian dài ở các vị trí kế toán trưởng rồi CFO, tôi nhận thấy lãnh đạo nào càng chịu áp lực càng lãng mạn chứ không chai sạn. Có lẽ các lãnh đạo nói chung và CFO nói riêng ngày càng hiểu và vận dụng đúng triết lý “hạnh phúc”: bản thân ta hạnh phúc thì mới có cảm hứng và năng lượng để làm việc, đồng thời tạo được động lực cho mọi người cùng làm việc, từ đó mang lại hiệu quả cao, tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt cho doanh nghiệp”, chị Vân nói. “Phương châm của tôi là làm hết mình, nghĩ tích cực, sống có tâm và … chơi hết sức”.

Quản trị tài chính thời VUCA
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here