Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ cảm xúc

0
772

Ngày nay, công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo đã bước vào lĩnh vực “tư duy” chứ không còn thuần túy “thực thi” như trước.

Nếu như trước đây, máy tính chỉ làm theo lệnh lập trình thì ngày nay chúng có khả năng tự học thông qua cơ sở dữ liệu khổng lồ. Thông qua quá trình học hỏi ấy máy tính sẽ tự trang bị “tư duy” cho mình. Tư duy của máy tính là quá trình thu thập, đánh giá dữ liệu, diễn dịch thông tin từ đó đưa ra quyết định hành động. Trí tuệ nhân tạo đang và sẽ làm nhanh hơn con người trong lĩnh vực ấy.

Tuy máy tính có thể làm tốt hơn một nhà quản lý trong phân tích số liệu kinh doanh nhưng chúng lại không thể thay thế công việc truyền cảm hứng, tạo động lực và quản lý thay đổi v.v. Nói tóm lại trí tuệ nhân tạo đang vượt qua con người về IQ (chỉ số thông minh) nhưng thua xa về EQ (chỉ số cảm xúc).

Tuy trí tuệ nhận tạo tốt hơn chúng ta về IQ nhưng những gì chúng ta có thể làm tốt hơn máy tính là làm việc với những người quanh ta. Làm việc với con người thực chất là làm việc với cảm xúc của họ. Xã hội càng phát triển, con người đòi hỏi ngày càng nhiều, kỳ vọng ngày càng cao, nhu cầu về tinh thần và cảm xúc ngày càng lớn. Và đó chính là sự khác biệt giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ cảm xúc của con người.

Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ nhân tạo đang vượt qua con người về IQ (chỉ số thông minh) nhưng thua xa về EQ (chỉ số cảm xúc)

Trí tuệ cảm xúc bao gồm hai phần. Trước tiên là khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân trong điều kiện nhiều áp lực hoặc dưới sức ép tâm lý. Kế đến là nhận biết, cảm thông và tạo ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác.

Trí tuệ cảm xúc đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Thành quả là do đội ngũ tạo ra. Mà con người luôn hành động với cảm xúc. Nói không quá lời nhưng cảm xúc nào, kết quả đó. Cảm xúc của đội ngũ phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc của người lãnh đạo.

Có nhiều cách để trở nên thông minh hơn trong cảm xúc. Một trong những cách thông dụng và hiệu quả là quay lại bản thân mình bằng hơi thở, như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy: “Thường thì mọi người dễ đánh mất bản thân mình trước những cảm xúc mạnh và bị chúng choán hết tâm trí. Đó không phải là cách để ta chế ngự cảm xúc, bởi khi chuyện xảy ra như thế, bạn sẽ là nạn nhân của cảm xúc.”

Để tránh không trở thành nạn nhân, hãy hít thở, tĩnh tâm và rồi bạn sẽ nhìn sâu vào bên trong con người mình, thấy rằng cảm xúc cũng chỉ là cảm xúc mà thôi, không hơn. Việc nhìn sâu vào trong tâm hồn mình là rất quan trọng, bởi bạn sẽ không còn sợ hãi nữa.

Bạn sẽ bình tĩnh và không còn muốn chạy trốn nữa. Bạn sẽ xử lý tốt hơn các cảm xúc. Hãy xem hơi thở chính là con người bạn. Bạn cần có sự liên kết với hơi thở để trở thành chính mình một cách tốt hơn, để mạnh mẽ hơn.

Rồi bạn sẽ chế ngự cảm xúc tốt hơn. Bạn không nên tìm cách quên đi cảm xúc của mình. Thay vì thế, hãy sống thật với chính mình, dần dần bạn sẽ trở nên cứng rắn và mạnh mẽ để xử lý cảm xúc của mình”

Quay về hơi thở cũng là một phương pháp thiền. Thiền giúp cho chúng ta thấu hiểu bản thân mà trí tuệ cảm xúc bắt đầu từ sự hiểu biết bản thân mình. Nếu ngạn ngữ Phương Đông là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì Phương Tây nói “Điều răn đầu tiên của nhà lãnh dạo: hiểu bản thân”.

Steve Jobs là một ví dụ tiêu biểu của nhà lãnh đạo doanh nghiệp kiệt xuất mà thiền có ảnh hưởng vô cùng sâu đậm đến cách sống và tư duy của mình. Ông đã nói rằng “Khi tâm tĩnh lặng, bạn đã dành sẵn không gian cho những điều tinh tế, đó là khi trực giác bạn khai mở và bạn bắt đầu nhìn thấy nhiều điều rõ ràng hơn cũng như nhập tâm hơn vào khoảnh khắc hiện tại… Bạn sẽ thấy rất nhiều điều hơn bạn từng thấy trước đây”

Thiền cũng giúp cho chúng ta mở rộng giới hạn sáng tạo. Một trong những tư tưởng của Thiền là mối quan hệ giữa tính không và hình thức hay là làm thế nào mà sự trống rỗng trở nên có giá trị. Hãy lấy chiếc nhẫn làm ví dụ, điều gì khiến cho vật này có ý nghĩa? Câu trả lời là chính khoảng không gian trống rỗng mà vòng kim loại chứa đựng chứ không phải bản thân vòng kim loại đó. Đây cũng là bí mật trong triết lý thiết kế sản phẩm của Jobs. Các thiết kế của Apple đạt đến sự tối giản gần như trống rỗng nhưng đó chính là sự trống rỗng đầy ý nghĩa.

Có một điều bất biến trong thế giới luôn biến động này: tiến bộ công nghệ. Chống lại chúng không phải là điều khôn ngoan mà tận dụng chúng như thế nào mới là điều đáng phải làm. Công nghệ càng tiến bộ, ảnh hưởng càng lớn, thay đổi càng nhiều, nỗi sợ càng cao. Chúng ta luôn sống trong nỗi sợ vì chúng ta luôn tìm kiếm trú ngụ trong vùng an toàn của mình. Thay đổi có nghĩa là chúng ta phải bước chân ra khỏi vùng an toàn, đầy rủi ro và bất định.

Nhưng suy cho cùng có gì là ổn định đâu. Những người thành công và hạnh phúc là những người hòa nhập với đổi thay tốt nhất. Đổi thay từ chính bản thân mình, trước tiên! Hãy tận dụng trí tuệ nhân tạo để giúp cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa hơn, cho bản thân và cho người khác. Bởi vì những gì bạn làm không quan trọng bằng cảm xúc mà bạn đem đến cho người khác!

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng

Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ cảm xúc
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here