Nắm chắc xu hướng của thị trường chính là chìa khóa của sự thành công. Thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ được định hình bởi 5 xu hướng dưới đây. Doanh nghiệp cần đi tắt đón đầu chớp cơ hội để có thể thành công.
1. Thay đổi về độ tuổi
Theo số liệu thống kê, dân số trẻ, nhóm sinh ra trong giai đoạn 1981 – 1995 của Việt Nam chiếm 30% dân số. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, sẽ đạt 33 triệu người vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhóm người ở độ tuổi từ 50 – 69 sẽ chiếm 20% dân số.
Đây là nhóm người có tích lũy, có nhu cầu sử dụng những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất. Nhắm đến nhóm khách hàng này, DN phải có giải pháp khuyến khích họ tiêu nhiều tiền hơn cho các dịch vụ, sản phẩm tốt.
2. Hạ tầng công nghệ số
Trung bình một người ở thành thị sử dụng intenet sẽ online khoảng 24 tiếng đồng hồ/tuần. Nhóm khách hàng trẻ online tới 27 tiếng đồng hồ/tuần. Họ online để tìm kiếm thông tin các dòng sản phẩm mới, những chương trình khuyến mãi trước khi quyết định đi đến một cửa hàng.
Vì vậy, DN nên đầu tư nhiều hơn cho các công cụ online tiếp cận người tiêu dùng.
3. Tính phân hóa và tính tập trung của thị trường
Theo dự báo của Nielsen, đến năm 2025, vẫn có sự di dân về các thành phố lớn nhưng thị trường lớn nhất vẫn là nông thôn. Hơn 65% dân số đang và sẽ tiếp tục sống ở khu vực nông thôn.
Như vậy, các DN buộc phải mang sản phẩm và dịch vụ đến khu vực nông thôn, thay vì chỉ tập trung ở những thành phố lớn.
4. Người tiêu dùng kỹ tính
Người tiêu dùng Việt ngày càng kỹ tính hơn trong tiêu tiền. Do đó, trong tương lai gần, marketing phải đánh vào từng cá nhân, để khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm họ đều cảm nhận sản phẩm, dịch vụ đó là phục vụ cho riêng mình.
DN phải gắn kết được với từng nhóm khách hàng, những DN có nhiều sản phẩm phải tìm được những khách hàng sẵn sàng trở thành đại sứ thương hiệu.
5. Sức mạnh của các nhà bán lẻ truyền thống
Bán lẻ truyền thống trong 10 năm nữa vẫn tiếp tục là kênh phân phối lớn nhất tại thị trường Việt Nam bên cạnh sự phát triển của kênh bán hàng hiện đại và thương mại điện tử.
2/3 số người mua hàng sẽ mua sản phẩm theo gợi ý của người bán hàng. Tuy nhiên, sự kết nối giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ chưa thực sự mạnh để có thể thúc đẩy được sức mua của người tiêu dùng.